Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019 | 10:29

Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống để phân biệt tin xấu, độc

Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

bt-h.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn về các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể

Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’, hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung,… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.

Hiện, cả Bộ, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo và một số Sở TT - TT địa phương đã sử dụng công cụ này để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử… Qua đó, tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm đáng kể.

Về xử lý vi phạm, Bộ trưởng nêu rõ: Nếu cơ quan báo chí có dấu hiệu sách nhiễu, vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo pháp pháp luật; ngoài ra còn có hình thức xử lý, giáo dục bằng đạo đức báo chí.

“Báo hóa” tạp chí là sai luật

Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật báo chí.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí. 

Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.

Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích  thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.

Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Sẽ có luật xử lý tin giả trên mạng xã hội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề thời gian gần đây, nhất là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành có dấu hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi truỵ thiếu văn hoá. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ bị kẻ xấu tấn công và không thể dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt chịu thiệt hại vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo đe doạ. khủng bố.

“Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới, xử lý như thế nào” – đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ khi Luật an ninh mạng có hiệu lực, việc giải quyết vấn nạn trên được làm mạnh mẽ hơn mặc dù hiện nay vẫn còn thiếu khoảng 6 điều khoản trên Luật an ninh mạng chưa được chi tiết hoá thông qua Nghị định. 

Dẫn kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây với Facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100% thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google trước kia chấp hành khoảng 40-50% yêu cầu nhưng hiện nay đã lên mức 85% và thậm chí có một số nội dung hơn 90%.

“Ví dụ như gỡ game xấu độc, đánh bạc, tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây lên đến 92%. Cách đây 2 ngày, chính thức Facebook đã tuyên bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố”- Bộ trưởng TT&TT cho biết.

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chất vấn về hiện tượng những trang mạng được gọi là "báo chí nhân dân", dù nội dung "xấu, độc" nhưng có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện. Do đó, để ngăn chặn được thì yếu tố đầu tiên phải là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Như Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù đến 10 năm. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng bị xử lý mạnh tay như vậy.

Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả.

Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc xử lý thông tin xấu độc lên mạng và việc lọc tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều quốc gia coi việc người dân phải có khả năng phân biệt tin xấu độc trên mạng xã hội là giải pháp căn cơ. 

Theo Bộ  trưởng, bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng. Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Nếu như nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại.

“Tôi vẫn nghĩ là câu chuyện giáo dục, đưa vào từ phổ thông giáo dục trong toàn xã hội. Với cách hành xử mới thì chúng ta phải quen dần", Bộ trưởng bày tỏ.

Về ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các nhà mạng mỗi một tháng ghi nhận được khoảng 10.000 số máy lạ thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Cách đây gần một tháng Bộ đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý việc này. Trong năm 2019 này cơ bản sẽ thí điểm các công cụ chặn cuộc gọi rác giống như công cụ chặn tin rác.

Nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, Bộ trưởng cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết.

Theo Bộ trưởng, bây giờ xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá. Chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo.

“Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Hùng nói.

Bộ trưởng cho biết sẽ cùng với Hội Nhà báo tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.

 

Năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Chúng ta cũng nhận thấy, cần phải sắp xếp lại theo hướng tức là mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình, không có chuyện như trước kia nữa, tức là chấn chỉnh hoạt động báo chí trong một thời gian trước đây chúng ta cũng có sự buông lỏng.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện sau đấy 2 tháng.

Cụ thể, tháng 4 Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6/2019, Bộ đã ban hành kế hoạch gồm hai bước. Bước một, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Bộ khoảng 40 Bộ. Bước 2, năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top