Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 6 năm 2016 | 1:52

Mong muốn của người dân về thông điệp Chính phủ liêm chính của Thủ tướng

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi một thông điệp tới toàn dân: Quyết tâm xây dụng Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, vì dân; một Chính phủ hành động, đấu tranh mạnh mẽ với tham nhũng, lãng phí…

Bí thư Nguyễn Duy Lưu (bên trái) và ông Lục, Bí thư Chi bộ thôn 4 (Tân Triều - Thanh Trì - Hà Nội) trong buổi làm việc với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn.

Bác Hồ với chính quyền non trẻ

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Việt Nam được nghe những vấn đề mà tân Thủ tướng đã nêu trên. Hơn 70 năm về trước, ngày đầu tiên sau khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động trong toàn Đảng, toàn dân việc xây dựng một nước Việt Nam mới dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, chính nghĩa, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Vì sao Bác nói chúng ta phải xây dựng một nước Việt Nam mới, bởi vì sau hơn 80 năm đô hộ của Thực dân Pháp, chúng đã đầu độc nhân dân ta bằng rượu và thuốc phiện. Dùng mọi thủ đoạn để làm băng hoại đạo đức dân tộc ta như: thói lười biếng, gian giảo, tham ô, hủ hóa và nhiều thói xấu khác. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ mới lúc bấy giờ là phải giáo dục lại nhân dân; hun đúc lại bản chất cần cù yêu nước thương nòi của  người Việt. Để làm được điều này, Người đã đề nghị phải thực hiện một số vấn đề như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong Chính phủ và nhân dân.

Bằng những việc làm thiết thực do Bác thực hiện và phát động nên những năm đầu sau Cách mạng Tháng 8 (1945), dù rất khó khăn, chúng ta vẫn thu được nhiều thắng lợi, trên tất cả các mặt trận: chiến thắng lũ lụt, giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm...

Hưởng ứng quyết tâm của Thủ tướng…

Ông Trần Đình Hòa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Tân (Nam Đàn - Nghệ An), cho rằng, người dân chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng và đặt nhiều mong đợi vào sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Theo tôi, cán bộ là gốc của phong trào, cán bộ mẫu mực thì dân tin tưởng, triển khai việc gì dù khó cũng được dân hưởng ứng. Nếu cán bộ để mất niềm tin thì rất khó lãnh đạo, công việc cũng khó hoàn thành, hoặc không đạt kết quả cao. Nguyễn Trãi đã từng nói: “Làm lật thuyền mới biết dân như nước”. Mặt khác, thực thi công việc phải gắn liền với thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, không nên làm xong mới báo cáo. Nghĩa là phải dân chủ, bàn bạc kỹ trước khi làm; huy động sức dân phải công khai. Cái khó nữa là, không làm việc, không năng nổ thì không sai; làm nhiều, sai nhiều. Vì vậy, cần phải gắn liền với sự giám sát của nhân dân. Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra thì tránh được hậu quả xấu, làm việc gì cũng đạt kết quả cao.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh -Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) Đàm Minh Tuấn cho rằng: Ngoài những điều Thủ tướng gửi gắm trong nhiệm kỳ này, địa phương chúng tôi còn mong muốn có một Chính phủ “sạch” để thắt chặt Niềm tin giữa nhân dân với Chính phủ. Làm việc gì cũng phải chí công vô tư, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, nói đi đôi với làm. Lấy dân làm gốc, không vì lợi ích nhóm. Tôi nghĩ, không riêng Việt Nam, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Chính phủ muốn lớn mạnh, tồn tại lâu dài đều phải đặt quyền lợi nhân dân, Tổ quốc lên trên hết.

Đồng ý kiến, Bí thư Chi bộ 4, Đảng bộ xã Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội)  Nguyễn Duy Lục cho rằng: Đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng một Chính phủ liêm chính, trong sạch. Vì Chính phủ mạnh thì đất nước, nhân dân mới mạnh và sẽ bảo vệ Tổ quốc, biển đảo tốt hơn. Đất nước yên bình sẽ tiến tới xã hội  công bằng, dân chủ, văn minh, đấy là điều mà ai cũng kỳ vọng. Vì vậy, Chính phủ nên đổi mới, các thành viên Chính phủ cần thực tiễn nhiều hơn là lý luận. Lý luận của chúng ta nhiều rồi, nay mong Chính phủ cụ thể hóa và vận dụng điều này vào thực tiễn. Bởi, “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ. Để đạt được điều này, ngoài vấn đề ngoại giao hài hòa thì phải kiên quyết, cứng rắn. Mặt  khác, người dân cũng cho rằng, dù mới điều hành đất nước 3 tháng, song những việc Thủ tướng đã làm rất đáng được ghi nhận như: đối thoại với doanh nhân, công nhân, sinh viên, ngư dân… và đã có cách tháo gỡ kịp thời. Nay, nông dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, rất mong được gặp Thủ tướng, để có sự chỉ đạo tốt hơn.

Đặc biệt, chúng tôi đồng ý cao với ông Nguyễn Duy Lưu, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tân Triều, Thanh Trì (Hà Nội), ông Lưu cho rằng: “Lời dạy và những việc làm cụ thể của Bác Hồ hơn 70 năm về trước là chân lý, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hơn thế nữa, nó còn đúng với mọi thời đại, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân bất kỳ ở quốc gia nào. Đối với chúng ta lúc này, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư còn là đòi hỏi bức thiết của xã hội. Là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ có thành công hay không, quan trọng là ở lòng dân, sức dân. Nếu Chính phủ phát huy được vai trò chủ thể, quyền làm chủ của người dân, nhất là ở cấp cơ sở, đấy là một Chính phủ mạnh và chắc chắn sẽ thành công”.

Ngoài ra, ông Lưu còn cho biết thêm, ở Tân Triều, đã thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lấy một ví dụ nhỏ: Tân Triều đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, tuy nhiên, một số tiêu chí vẫn phải nâng cấp. Theo đó, năm 2015, do mật độ dân số đông nhất huyện, nên một số tuyến giao thông của xã quá tải, xuống cấp, kéo theo các đường ống nước thải bị phá vỡ; người dân rất bức xúc. Trong khi nguồn lực của nhà nước khó khăn, xã quyết định huy động sức dân, làm mới tuyến đường trục chính gần 500m. Các vấn đề từ quyên góp đến bảo vệ đường trong khi làm và khi mới đổ bê tông xong phải bảo dưỡng, phân luồng cho cả người đi bộ, xe máy và ô tô, ở một xã đông dân như vậy là không hề đơn giản. “Tất cả đều do người dân tự giác tham gia, chúng tôi chỉ là người phát động. Mỗi người dân làm đường là một người dân giữ đường cho xã. Nếu nhân dân không trực tiếp làm đoạn đường này thì không thể thành công được, hoặc làm xong lại xuống cấp ngay”, ông Lưu khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Xuân Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì, cho biết: Chúng tôi đồng tình cao với thông điệp của Thủ tướng, đất nước ta còn nghèo, để theo kịp bạn bè trên thế giới, những đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là điều hết sức quan trọng, cần thiết ở một nhà nước chuyên chính. Những cán bộ công bộc của dân dù ở cương vị, cấp bậc nào nếu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều xây dựng được một Chính phủ lành mạnh. Ở công sở của chúng tôi, việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào nề nếp và biến thành hành động cụ thể. Ví như, cán bộ, viên chức đã có thói quen trong việc tiết kiệm điện, tắt điều hòa 15- 20 phút trước khi về; khi thời tiết thuận lợi thì chỉ dùng quạt và mở cửa sổ. Các buổi giao ban đều được lồng ghép từ 2- 3 cuộc/lần để tránh lãng phí thời gian và đi lại tốn kém…

Hy vọng, với quyết tâm cao của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ  đề ra và chắc chắn sẽ làm được nhiều việc có ích. Trước mắt, người dân nhìn thấy một số thành viên Chính phủ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nên rất tin tưởng.

Mới đây, tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị báo chí làm tốt công tác tuyên truyền và phản biện cho hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp. Cùng chung tay xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp liêm chính, minh bạch, hiện đại, hiệu quả.

Dương An Như

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top