Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2017 | 10:58

Mường Chà: Vươn lên trong gian khó

Là huyện miền núi biên giới, Mường Chà (Điện Biên) có địa hình núi non hiểm trở, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao… Thế nhưng, thời gian gần đây, Mường Chà nổi lên như một điển hình về công cuộc “thay da đổi thịt”. Để hiểu rõ hơn về hành trình này, phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện.

Thưa ông, ông có thể phác họa đôi nét về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện thời gian qua?

Mường Chà là huyện miền núi biên giới, xuất phát điểm thấp, giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp; tình hình di cư tự do, lợi dụng tôn giáo truyền đạo trái pháp luật, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tệ nạn xã hội,… diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định; năng lực của cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế nên công tác chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện đối mặt với không ít khó khăn nhưng huyện vẫn chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Cụ thể, huyện tập trung cho lĩnh vực chủ đạo là sản xuất nông, lâm nghiệp bằng cách tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đưa những giống cây - con mới cho năng suất, chất lượng cao vào nuôi, trồng; chuyển dịch cơ cấu mùa vụ kịp thời và xây dựng các mô hình trồng trọt, nuôi thủy sản. Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây lúa; triển khai hỗ trợ 14.133kg giống các loại cho nhân dân, 60.000 con cá giống các loại cho 2 xã Na Sang, Mường Mươn và 5.000kg giống cỏ Guatemala cho 3 xã Hừa Ngài, Huổi Lèng, thị trấn; triển khai xây dựng 6 mô hình khuyến nông cho 130 hộ nông dân tại 4 xã Huổi Lèng, Mường Tùng, Ma Thì Hồ, Huổi Mý; mở 20 lớp tập huấn theo 3 giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa và 6 lớp tập huấn về lúa, ngô, đậu tương cho 3 xã Mường Mươn, Na Sang và Huổi Lèng với 180 hộ nông dân tham gia...

Công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được ưu tiên và quan tâm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2016 còn 66,53%, giảm 4,12% so với năm 2015.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được ra sao, thưa ông?

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Huyện đã chủ động bố trí lồng ghép các chương trình, dự án để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập của nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Đến nay, các xã đạt bình quân 6,09 tiêu chí/xã. Cụ thể, có 10 xã đạt 5-9 tiêu chí, 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí (xã Huổi Mí).

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào những hoạt động gì để tiếp tục đưa kinh tế - xã hội phát triển bền vững, thưa ông?

Phát huy những thành quả đã đạt được, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông - lâm nghiệp; khai thác các công trình thủy điện hiện có; triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn đạt chất lượng, hiệu quả. Đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội nhằm đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2017, huyện Mường Chà phấn đấu bình quân đạt 7,5 tiêu chí/xã về xây dựng nông thôn mới, cụ thể, 2 xã đạt 10-14 tiêu chí; 8 xã đạt 5-9 tiêu chí; 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí. 10/11 xã có đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã đi lại được quanh năm.

Đỗ Hùng (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top