Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2017 | 3:21

Năm 2017 dứt khoát chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016 và phát động Kế hoạch “Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017”, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, năm 2017 sẽ quyết chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Năm 2017 tiếp tục được xác định là năm cao điểm về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp. Xin ông cho biết những điểm mới trong Kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017?

Năm 2017, về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Nông nghiệp và PTNT lấy là năm cao điểm về thanh tra kiểm tra vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Năm nay có điểm mới là chúng tôi mở rộng đối tượng thanh tra, kiểm tra về vật tư nông nghiệp. Theo đó, sẽ có những nội dung mới và có những giải pháp mới. Thứ nhất, ban cán sự đã có nghị quyết về tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công vụ, trách nhiệm tổ chức thuộc Bộ,  cũng như trách nhiệm của công chức, viên chức trong hoạt động quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong Kế hoạch 266 ngày 7/2/2017 nói rất rõ là thanh tra bộ NN &PTNT, thanh tra các tỉnh thành phố, các cục và các đơn vị trong chức năng nhiệm vụ của mình  cần tăng cường hoạt động thanh tra. Ở đây có nhiều nội dung thanh tra như hoạt động kiểm dịch, đưa sản phẩm vào trong danh mục liên quan đến vấn đề phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm… là các tổ chức được chỉ định để làm sao tất cả các hoạt động công vụ của các cơ quan thuộc Bộ về quản lý vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh ATTP phải đảm bảo đúng chức trách của cán bộ công chức.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã khẳng định, nếu đơn vị nào để xảy ra sai phạm như trong năm 2016 (11 tổ chức cán bộ vật tư, hơn 800 sản phẩm ở Tổng cục Thủy sản) sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn.

Thứ hai, trong kế hoạch, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.  Cái này cũng đã nói rất rõ trong Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Tôi nghĩ, nếu chúng ta làm tốt việc này thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về ATVSTP, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên chiến với tình trạng bơm tạp chất vào tôm mà Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ở Cà Mau.

Thưa ông, sau Vàng ô, Salbutamol, những lĩnh vực nào tiếp tục đặt mục tiêu sẽ chấm dứt trong năm 2017?

Thứ nhất, liên quan đến chất cấm, tháng 1/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa đã đưa Cystamine vào danh mục chất cấm trong chăn nuôi và năm 2017 dứt khoát chấm dứt tình trạng này. Theo tôi, câu chuyện này dễ dàng hơn so với Salbutamol và nếu như Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự thì tôi khẳng định việc lạm dụng chất cấm  trong  chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ  không còn nữa. Vì bây giờ, nhận thức của người chăn nuôi, nhà sản xuất đã cải thiện rõ rệt, bên cạnh đó, chúng ta có mức xử phạt tương đối nghiêm minh nên tính răn đe cao.

Ngoài ra, chúng ta sẽ tập trung vào kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh để làm sao tất cả  các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, kinh doanh buôn bán nguyên liệu kháng sinh, sản xuất vật tư phải đúng theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, có thể, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý toàn bộ hệ thống phân bón này. Chúng ta phải chấn chỉnh lại về mặt hệ thống, tổ chức, thanh tra để trong thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng vi phạm trong quản lý vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối trong thời gian vừa qua.

Ông có thể nói thêm về chất Cystamine?

Ngày 24/1/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường ký Quyết định số 235/QĐ-BNN-QLCL ban hành Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017. Để triển khai Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, Bộ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả kế hoạch hành động Năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp 2017 tại địa phương; Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương coi nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông - lâm - thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện quyết liệt nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; ban hành các chính sách cụ thể theo đặc thù của địa phương, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác quản lý VTNN, ATTP nông - lâm - thủy sản và hỗ trợ phát triển, nhân rộng các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn.

Cystamine là chất đã sử dụng từ lâu, theo tài liệu của các doanh nghiệp thì từ năm 2014 chúng tôi đã phát hiện được. Tuy nhiên, trong thời gian trước năm 2016, do sử dụng Salbutamol nên người ta không sử dụng Cystamine nữa nhưng  khi chúng ta khống chế được việc sử dụng chất Salbutamol thì người ta chuyển sang sử dụng chất này. Cystamine gần như là chất tiền hóc môn để kích thích tăng trưởng, trước đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT không cấm nhưng cũng không cho phép. Nhưng quan điểm của chúng tôi một là cấm, hai là cho phép thì chất này hiện nay chỉ còn Trung Quốc là cho phép còn  hầu  hết các quốc gia đã cấm. Theo tôi biết, có một doanh nghiệp nhập lậu từ Thái Lan nhưng cũng không loại trừ trường hợp có doanh nghiệp nhập lậu từ Trung Quốc, do đó, trong năm 2017, chúng tôi đặt kế hoạch tuyên chiến với chất cấm này.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, chủ yếu đối với nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được lưu tâm.

Để làm tốt công tác đấu tranh chống chất cấm trong chăn nuôi và đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì?

Câu chuyện quản lý vật tư nông nghiệp và ATTP không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Nông nghiệp và PTNT, không chỉ có Trung ương làm mà cần có sự vào cuộc của 63 tỉnh, thành. Năm 2016, chúng ta đạt được kết quả như vậy bởi vì có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành và chúng ta cũng cần tiếp tục có sự vào cuộc này trong năm 2017. Thứ hai, vai trò của truyền thông cũng hết sức quan trọng. Truyền thông để cho các doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức, tuyên truyền để họ hiểu được, biết được và không vi phạm. Tôi mong truyền thông sẽ đưa thông tin 2 chiều, cả những mô hình tốt và những mô hình chưa tốt để làm sao người dân biết được và tránh.

Năm 2017 sẽ có những chế tài gì nhằm tăng hình thức xử phạt để đủ mức răn đe, thưa ông?.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang rà soát lại toàn bộ Nghị định về xử lý vi phạm hành chính, nhất  là Nghị định 119 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y và sẽ tăng mức phạt lên. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất là Bộ Luật Hình sự phải được thông qua và tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến bộ luật đấy thì mới đủ sức răn đe. Và với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, một thời gian ngắn nữa chúng ta có thể giải quyết được vấn đề chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Theo ông, việc hạn chế sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thủy sản có dễ dàng so với chăn nuôi?

Đúng là chất cấm trong thủy sản có nhiều loại hơn nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm trong xử lý chất cấm trong chăn nuôi nên việc đấu tranh sử dụng kháng sinh trong thủy sản cũng không quá khó khăn. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng tập trung vào lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tuyên bố, để đạt được kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD vào năm 2025 thì quan trọng nhất là phải đảm bảo ATTP, phải giữ được thị trường.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện năm 2016 cho thấy: Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015 (1,07%), đặc biệt trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 7 - 12) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm; tỷ lệ mẫu rau, củ, quả và thịt vi phạm giảm so với 2015 (11/1.345 mẫu thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng (chiếm 0,82%), giảm so với 1,39% năm 2015;12/293 mẫu rau củ quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (chiếm 4,1%), giảm so với 7,76% năm 2015)...

Trong năm 2016, các cơ quan trung ương và địa phương cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 21.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; phát hiện, xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định ATTP (chiếm 9%) với tổng số tiền xử phạt hành chính năm 2016 là 6.692 triệu đồng.

Anh Thơ (ghi)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top