Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 12 năm 2017 | 8:38

Năm 2018 sẽ tự chủ sản xuất vắc xin lở mồm long móng, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, xóa bỏ tình trạng tự phong thực phẩm hữu cơ

Năm 2018 sẽ tự chủ sản xuất vắc xin lở mồm long móng, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, xóa bỏ tình trạng tự phong thực phẩm hữu cơ là những mục tiêu nổi bật ngành Nông nghiệp  và PTNT hướng đến trong thời gian tới.

Năm 2018: Việt Nam tự chủ sản xuất vắc xin lở mồm long móng

Ký kết chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng.

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám khẳng định tại Lễ công bố và chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vắc-xin diễn ra chiều ngày 11/12 tại Hà Nội. 

Ba doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép tham gia thực hiện Đề án “Thí điểm vắc-xin thương mại sử dụng chủng vi rút lở mồm long móng lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020” gồm: Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco; công ty cổ phần phát triển công nghệ nông thôn RTD; Công ty cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet.

Đại diện Chi cục Thú y vùng VI – đơn vị phân lập giống vi rút lở mồm long móng để thương mại hóa việc sản xuất vắc-xin cho biết, sau nhiều giai đoạn nghiên cứu, đảm bảo các tiêu chí khoa học, kỹ thuật, Chi cục đã chọn ra 3 vi rút có khả năng phát triển thành vắc xin. Từ đó, chọn 1 mẫu vi rút lở mồm long móng tuýp Ô, với tên gọi là "RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia" đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để sản xuất vắc xin theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới(OIE).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám nhận định, việc cơ quan Thú y vùng VI phân lập được vắc xin lở mồm long móng để sản xuất vắc-xin thương phẩm là thành tựu hết sức quan trọng về khoa học cũng như thực tiễn bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam tự phân lập và lựa chọn được giống vắc xin từ đó thương mại hóa việc sản xuất vắc-xin đi đến tự chủ trong việc sản xuất và khống chế bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị khép kín

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị ISG.

Với chủ đề "Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và Liên kết tiêu thụ nông sản", Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2017 về nông nghiệp tập trung phân tích những cơ hội, khó khăn cản trở, những “điểm nghẽn” cũng như gợi mở những cam kết, hỗ trợ của các đối tác quốc tế khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

Trong 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, thu nhập, ổn định an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Về thương mại, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới và luôn nằm trong số 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỉ đô la vào năm 2016, và năm nay có thể đạt 36 tỷ đô la với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai 2 Chương trình lớn gồm: Tái cơ cấu nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới để nâng cao năng lực và cạnh tranh của ngành nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Theo đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng bộ cả 3 nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm lợi thế cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách, cải cách hành chính, dịch vụ công, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đại diện các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ tham dự hội nghị, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm.

Xóa bỏ tình trạng tự phong thực phẩm hữu cơ

Khổ qua trồng theo phương pháp hữu cơ.

Tại cuộc gặp gỡ báo giới chiều 13/12 về việc Việt Nam chuẩn bị tổ chức Diễn đàn quốc tế về Nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sáng 13/12 Bộ đã hoàn thành xong dự thảo Nghị định Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đã chính thức trình Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. 

Theo kế hoạch thì cuối tháng 12/2017 hoặc đầu tháng 1/2018 sẽ nỗ lực ban hành Nghị định Sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Và ngay sau khi có nghị định này, Bộ sẽ xây dựng ngay đề án về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, việc cho ra đời nghị định và đề án nông nghiệp hữu cơ là cơ hội lớn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất phát triển nông nghiệp hữu cơ, cung cấp sản phẩm thực phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bằng việc ban hành tiêu chuẩn và xác định thế nào là thực phẩm hữu cơ, cơ quan chức năng sẽ có cơ chế pháp lý để kiểm soát tình trạng “loạn” thực phẩm nông nghiệp hữu cơ như thời gian qua, khi có rất nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm nhưng lại “tự phong” là nông nghiệp hữu cơ. Sau khi có quy chuẩn tiêu chuẩn, bản thân người tiêu dùng cũng có cơ sở để nhận biết đâu là sản phẩm hữu cơ thực sự, tránh tình trạng ở đâu cũng rao sản phẩm hữu cơ nhưng không có cơ sở gì để chứng nhận đó là thực phẩm hữu cơ. 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay tốc độ phát triển cũng như nhu cầu về nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang gia tăng nhanh. Theo thống kê, cả nước hiện đang có khoảng 70.000 ha sản xuất theo xu hướng hữu cơ, với khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng vẫn chưa có chứng nhận, ngoại trừ một số tập đoàn lớn như TH, Vinamilk... đã có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế, còn lại chủ yếu vẫn là “tự phong”.

Xây dựng Hải Hậu thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình NTM Hải Hậu.

Theo kế hoạch dự kiến, Hải Hậu (Nam Định) sẽ là 1 trong 3 huyện được Trung ương lựa chọn để xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu cùng với huyện Nam Đàn (Nghệ An), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Năm 2015, Hải Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới với 100 % số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề: Sau khi đạt 19 tiêu về nông thôn mới, chúng ta sẽ tiếp tục làm gì? Bộ trưởng đánh giá cao khi huyện Hải Hậu đã chủ động xây dựng xóm, tổ dân phố đạt nông thôn mới bền vững và phát triển, đồng thời xây dựng Đề án xây dựng huyện Hải Hậu nông thôn kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp”.  “Nông thôn mới là chương trình liên tục nên không phải đạt tiêu chí rồi thì không làm gì thêm. Đích phấn đấu của chúng ta là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân với chất lượng sống ngày càng cải thiện và nâng lên. Vì thế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh Nam Định và huyện Hải hậu về quyết tâm xây dựng huyện nông thôn kiểu mẫu để làm cơ sở cho thúc đẩy giai đoạn tới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, từ năm 2016, huyện Hải Hậu đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển giai đoạn 2016-2020. Hết năm 2017, Hải Hậu công nhận trên 300 xóm, tổ dân phố đạt nông thôn mới bền vững và phát triển. Trong năm 2017, Hải Hậu phấn đấu hoàn thành 100% số xóm, tổ dân phố; 28/35 xã, thị trấn đạt nông thôn mới bền vững và phát triển, đồng thời xây dựng. Huyện cũng đặt mục tiêu ban hành đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp” giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; xây dựng mô hình xóm, tổ dân phố kiểu mẫu gồm: xóm 8, xã Hải Tây và tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long.

Mục tiêu bao trùm của Đề án do huyện Hải Hậu đề xuất là tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng Hải Hậu “là huyện khá giả, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, xã hội nông thôn bình yên”, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nói về Đề án xây dựng huyện Hải Hậu nông thôn kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị huyện rà soát, chỉnh sửa lại để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Cùng với các giải pháp mà huyện đề xuất, Bộ trưởng lưu ý huyện cần chú ý tới hai giải pháp: Thứ nhất, quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới; Thứ hai, xã hội hóa tối đa nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, huyện Hải Hậu cần rà soát các chỉ tiêu về nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới để hoàn thiện trước khi thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Anh Thơ (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top