Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 8 năm 2021 | 13:42

Năm bí quyết kiếm tiền tỷ từ ốc bươu đen

Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, phải tự bươn chải, làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng anh Trần Quý Bảo, ở xã Đức Thành (Yên Thành - Nghệ An) đã tìm được hướng đi riêng cho mình - nuôi ốc bươu đen, trở thành tỷ phú ngay năm nuôi thứ 2.

tham-quan-học-tập-mô-hình-nuôi-ốc-bươu-đen-của-anh-trần-quý-bảo-ảnh-thế-thắng.jpg
Tham quan học tập mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trần Quý Bảo. Ảnh: Thế Thắng.

 Gian nan tìm hướng đi

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Bảo chỉ học đến lớp 7/12 rồi đi làm thuê, làm mướn. Đầu tiên, anh làm cho Cơ sở sản xuất ống Trúm Lươn, bán cho người đi thả trúm trong và ngoài huyện. Năm 2015, anh được nhận về trạm cung ứng vật tư huyện. Chịu khó làm ăn, anh đã giành dụm được tiền làm nhà, mở quán bán cà phê, karaoke… Do không hiệu quả, anh sang Lào hùn vốn cùng bạn  bè đầu tư vào mỏ đá, tiếp tục thất bại, bể nợ, mất hơn 1 tỷ đồng.

Trở về quê, lúc này, tình cảnh gia đình quá bi đát: Bố mẹ  bệnh tật, con cái ốm đau, bản thân Bảo bị bệnh tiểu đường… Năm 2018, bố anh mất, để lại cho anh trang trại 2ha gồm 15 cái ao nuôi cá. Thấy trong xã Đức Thành, có anh Triều cũng có ao nhưng không nuôi cá mà nuôi ốc bươu đen hiệu quả, anh Bảo định sang học hỏi thì anh Triều lại bị tai nạn, ngừng nuôi…

Thế rồi, qua báo chí, intenet, anh tự mày mò học nuôi ốc bươu. Biết được ở Tuyên Quang  đang có mô hình nuôi ốc bươu đen thành công, anh tìm lên tận nơi để học tập kinh nghiệm, lấy giống về nuôi thử nghiệm. Nhờ sự mày mò cần mẫn, chịu khó nghiên cứu học hỏi, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An nên ốc bươu đã sinh trưởng tốt. Năm 2019, năm đầu tiên, anh chỉ nuôi ốc bươu đen thương phẩm, cho thu hoạch 4 tấn,  thu lãi 300 triệu đồng. Năm sau, anh nhân rộng, bán cả ốc thương phẩm, ốc giống, thu lãi 1 tỷ đồng.

Năm bí quyết thành công

Theo anh Bảo, trong quá trình nuôi ốc bươu, anh rút ra một số bí quyết:

Thứ nhất, ao hồ không phải đầu tư cầu kỳ: Ao chỉ cần rộng 500-1000m2 (rộng 5-10 m; dài 50-70m trở lên là được). Mực nước trong ao chỉ từ 0,5-1m trở lại. Nước phải lưu thông, nếu mật độ nuôi ốc dày phải thay nước theo định kỳ.

Thứ hai, thức ăn cho ốc chủ yếu là bèo, hoa quả như lá đu đủ, hoa bầu bí, khoai, sắn, lá môn… Đây là những thức ăn dễ kiếm, dễ tìm, đầu tư thấp… Chỉ cần bổ sung lượng nhỏ cám công nghiệp.

Thứ 3, chữa bệnh cho ốc: Ốc bươu thường gặp các loại bệnh sưng vòi do nhiễm khuẩn, ô nhiễm mặt đáy hồ. Anh Bảo lặn lội đi tìm bác sĩ thú y để học hỏi và giờ đây anh đã nắm bắt được các loại thuốc chữa bệnh cho ốc.

Thứ 4, nuôi ốc thương phẩm phải gắn với nuôi ốc giống. Anh Bảo có 2 sản phẩm cung cấp cho thị trường là ốc giống với giá bán đầu vụ (từ tháng 3 đến tháng 5) là 500 đồng/con, cuối vụ (từ tháng 5 đến tháng 7) là 400 đồng/con.

Thứ 5, nuôi ốc bươu dễ kết hợp với nuôi cua đồng và trên bờ ao trồng được các loại cây ăn quả như: đu đủ, ổi, chuối, dừa…, giúp tăng thêm thu nhập.

 

1.jpg
Anh Trần Quý Bảo bên ao nuôi ốc.

 

Khuyến khích nhân rộng

Anh Bảo cho biết, đến hết tháng 7/2021, anh thu lãi gần 550 triệu đồng từ bán ốc giống và ốc thương phẩm (dự kiến hết vụ bán được 5 tấn ốc thương phẩm, thu lãi 500 triệu đồng). Đó là chưa kể thu hoạch từ cua đồng, mỗi ngày thu hoạch 2-3 kg (bán được 200.000-300.000  đồng); hoa quả trên bờ ao (đu đủ, ổi, chuối) cũng cho thu 100.000-200.000  đồng/ngày. Hai khoản này đủ chi phí cho cuộc sống của cả gia đình. Một điều làm anh Bảo phấn khởi là tất cả các sản phẩm từ ao, vườn của anh đều không lo đầu ra, được thương lái đến tận trang trại thu mua hết. Ốc bươu đen của anh đã được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP 3 sao.

Khi được hỏi: Dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh hay không? Anh Bảo cho biết: Không ảnh hưởng, vì nhân công chủ yếu là người thân trong gia đình. Nhu cầu tiêu thụ ốc giống, ốc thịt cũng đơn lẻ, không tập trung vào một thời điểm mà kéo dài qua nhiều ngày, nhiều tháng. Mình chỉ cần thực hiện 5K và các quy định phòng dịch là được. Còn khâu quảng bá sản phẩm, truyền đạt kinh nghiệm nuôi, chủ yếu được qua Facebok, Zalo, website của xã.

 

"Nuôi ốc tuyệt đối phải thuận theo lẽ tự nhiên, phải dùng bờ cỏ càng rậm rạp thì ốc lên bờ đẻ càng nhiều. Ao được thiết kế chính giữa sâu, xung quanh phải cạn, có chiều dài giống con mương, khi lạnh ốc sẽ xuống sâu dưới bùn ngủ đông, khi mát ốc lại lên hai mép bờ, tìm thức ăn và giao phối, rồi leo lên bờ đẻ trứng. Bờ ao cây cỏ xanh tốt bao nhiêu thì sự thành công càng cao bấy nhiêu.
Thức ăn cho ốc là lá sắn, cây hoa xuyến chi, lá đu đủ, quả đu đủ, quả mít xanh. Tất cả chặt vụn vứt xuống ao là ốc lên ăn cả đoàn. Đây cũng toàn các loại thức ăn tự nhiên được trồng ngay trên bờ, nhờ vậy thịt ốc nuôi nhưng thơm ngon như ốc tự nhiên”, anh Bảo chia sẻ kinh nghiệm.

 

Theo anh Bảo, thịt ốc bươu đen ngon, mát, bổ, rẻ, nhu cầu tiêu thụ trong địa bàn huyện và vùng lân cận đang rất lớn, cung chưa đủ cầu. Còn ốc giống cũng được khách hàng ưa chuộng vì mỗi khi bán ốc giống, anh Bảo đều cung cấp một lượng thuốc chữa các bệnh cho ốc tương ứng, nên người mua yên tâm.

Năm bí quyết mà tỷ phú ốc bươu đen Trần Quý Bảo chia sẻ đang được hàng ngàn hội viên Hội Làm vườn trong và ngoài tỉnh Nghệ An học tập. Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn Nghệ An, chia sẻ: Đây là mô hình làm ăn hiệu quả khi chi phí đầu tư thấp, gần như không đáng kể nhưng cho thu tiền tỷ. Không chỉ nuôi ốc giỏi, anh Bảo còn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi mới, cung cấp con giống và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho những ai có nhu cầu. Đây hiện là nơi cung cấp ốc bươu đen thương phẩm lớn nhất Nghệ An và là địa chỉ tin cậy đáng học hỏi cho những mô hình khởi nghiệp mới. Mô hình đã và đang được Hội Làm vườn Nghệ An khuyến khích hội viên, nông dân học tập và nhân rộng.

 

Ai có nhu cầu ốc giống, ốc thương phẩm, xin liên hệ với anh Trần Quý Bảo, xóm 2, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, điện thoại 0378.722.059.

 

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Bá Minh
Ý kiến bạn đọc
Top