Trước đây, dân cư sống thưa thớt, vấn đề rác thải sinh hoạt không đáng lo ngại với tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, những năm gần đây, áp lực gia tăng dân số khiến cho rác thải sinh hoạt tăng lên chóng mặt. Ô nhiễm môi trường đang là một thách thức không nhỏ.
Hơn nửa lượng rác thác sinh hoạt chỉ chôn lấp qua loa
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 300 tấn rác thải được thu gom. Tuy nhiên, chỉ có 110 tấn rác thải sinh hoạt của TP. Yên Bái và 20 tấn của thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) được xử lý triệt để tại Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.
Như vậy, hơn một nửa số rác thải sinh hoạt của các huyện, thị còn lại trong tỉnh, trong đó chủ yếu là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp qua loa.
Đáng chú ý, công nghệ và quy trình chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các bãi rác còn rất sơ sài, đơn giản. Hiện các bãi chôn lấp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn là rất cao. Công tác vận hành và các hạng mục công trình tại các bãi chôn lấp chưa đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.
Một số bãi rác không còn khả năng chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa. Nhiều bãi rác của các huyện vùng cao, thực chất chỉ là nơi chứa rác thải, việc xử lý chưa được coi trọng. Nhận thức của người dân trong việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất chưa cao, nhất là việc phân loại rác từ đầu nguồn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, rác thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt như túi nylon, chai nhựa, thủy tinh, kim loại ngày càng nhiều, rất khó phân hủy, không được thu gom. Nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Nói về những bất cập này, ông Nguyễn Đức Dục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho hay: Hiện toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, còn lại là 27 bãi chôn lấp rác trên địa bàn các huyện, thị, thành phố, trong đó có 19 bãi chôn lấp quy mô cấp xã, 8 bãi chôn lấp quy mô cấp huyện.
Bãi rác thải thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) và bãi rác thải thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) đã tạm dừng tiếp nhận rác, đang xử lý ô nhiễm và sẽ đóng cửa trong thời gian tới. Do vậy, năng lực xử lý so với nhu cầu cần xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp hơn rất nhiều.
Tăng cường giải pháp quản lý, xử lý rác thải
Năm 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án đề ra là, từ nay đến năm 2025 phải xử lý ô nhiễm triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên toàn tỉnh, trong đó có các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Những nhiệm vụ, giải pháp chính của Đề án, là đầu tư mới các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; nâng cấp, cải tạo các khu xử lý hiện tại và tiến tới đóng cửa các bãi chôn lấp tự phát và bãi rác chôn lấp không đủ tiêu chuẩn. Trong đó, tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư mới 13 - 18 lò đốt chất thải sinh hoạt để thay thế toàn bộ các bãi rác chôn lấp hiện tại, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về xử lý rác thải thải sinh hoạt của tỉnh tại khu vực đô thị và nông thôn.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi các lò đốt được đầu tư, tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo các bãi rác chôn lấp hiện có, đồng thời tính toán bù giá cước vận chuyển rác thải từ các địa phương khác, để tận dụng tối đa công suất xử lý rác sinh hoạt tại Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái. Theo thiết kế, nhà máy xử lý rác thải này có công suất xử lý tối đa 450 tấn rác thải/ngày đêm.
Bên cạnh các giải pháp trên, tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp liên quan đến các cơ chế, chính sách để giúp các hộ gia đình tại các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực này, cũng như xem xét, điều chỉnh mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo hướng tăng dần xã hội hóa.
Không chỉ riêng tỉnh Yên Bái, vấn đề rác thải sinh hoạt vùng DTTS và miền núi ở các địa phương trên cả nước hiện nay, cũng đang đặt ra rất bức bách. Từ đó, cho thấy thời gian tới đòi hỏi chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết bảo đảm môi trường sống cho đồng bào DTTS.
Biến rác thải thành năng lượng
Vừa qua, tại phiên chất vấn do Thường vụ Quốc hội tổ chức, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng nêu thực trạng vệ sinh môi trường và đô thị đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là rác thải. Bộ Xây dựng cho biết hiện nay mới xử lý được 15% nước thải đô thị, trong khi chỉ tiêu đến 2030 là 70%. "Cả nước đang thải 60.000 tấn rác, chủ yếu chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, vậy Bộ có biện pháp gì xử lý rác này?", ông Huân chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chính sách, pháp luật quy định trách nhiệm xử lý rác thải đã có đầy đủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và người dân để đạt hiệu quả cao nhất.
Chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường. Đây là tài nguyên nhưng chưa được tái chế sử dụng hiệu quả. Năm 2022, Bộ sẽ tổng kết đánh giá toàn bộ trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường hiện nay và công bố công nghệ để các địa phương lựa chọn công nghệ tái chế phù hợp.
Trách nhiệm của người dân, theo Bộ trưởng, rất quan trọng và việc xử lý rác thải cũng cần xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ thêm, sau này cần trở thành ngành công nghiệp dịch vụ xử lý rác thải. "Phải đưa xử lý rác thải trở thành ngành dịch vụ môi trường, có lãi", ông nói.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nói sẽ kiểm tra, quy hoạch hệ thống thu gom, trung chuyển, hình thành cơ chế tài chính, chính sách khuyến khích, xử phạt... Hiện nay, kinh phí xử lý rác thải mới có 10% đóng góp từ người gây ô nhiễm nên cơ quan quản lý Nhà nước dự kiến nâng tỷ lệ này lên cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội.
"15% địa phương đã chuyển sang biến rác thành năng lượng, năm 2024 cả nước phải làm như vậy, đồng thời xử lý các bãi rác chôn lấp, không hợp vệ sinh hiện nay", ông Hà nhấn mạnh.
Một vấn đề nan giải hiện nay là xử lý rác thải ở nông thôn. Nhiều vùng của Hà Nội không có quỹ đất chôn lấp, nên ông Hà cho biết Bộ sẽ đưa ra mô hình xử lý rác thải, trong đó rác thực phẩm thì khuyến khích tái sử dụng cho chăn nuôi, làm phân bón. Việc xử lý rác thải sinh hoạt nguy hại cũng được khuyến khích quy hoạch xử lý tập trung, không để phân tán theo từng thôn, xóm.
Riêng chất thải liên quan đến Covid-19, Bộ xác định từ đầu đây là chất thải nguy hại, cần quy trình xử lý đặc biệt. Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đối tượng, phương pháp thu gom, cung cấp cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực xử lý...
Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích nguyên nhân chưa xử lý được chất thải rắn?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, việc xử lý rác hiện nay đạt 20%, đang chuyển từ chôn lấp sang thu gom, đốt. Dù giải pháp này hiệu quả tốt hơn một bước, một số nhà máy lượng xỉ sau khi xử lý tăng lên và đây là rác thải nguy hại. Vì vậy, quản lý chất thải rắn phải bắt đầu từ quy hoạch.
"Nếu không phân loại thì không xử lý hiệu quả. Chúng ta có 40% rác thải là hữu cơ, nếu đốt thì không ổn và có thể làm phân hữu cơ", ông Hà nói, cho biết trong năm nay sẽ có quy định cụ thể về việc thu gom rác, sự tham gia của người dân, đóng góp của Nhà nước.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.