Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, người trồng cây ăn quả ở Yên Sơn (Tuyên Quang) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất...
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Chưa bao giờ chất lượng sản phẩm lại được người tiêu dùng quan tâm như hiện nay. Do vậy, chất lượng quyết định đến giá thành, sự thành bại trong sản xuất nông nghiệp. Nhận thức được vấn đề này, người trồng cây ăn quả ở huyện Yên Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nông sản.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Tuyến (thôn Soi Đát, xã Xuân Vân) cho biết, gia đình có gần 4ha bưởi các loại; để nâng cao chất lượng, cách đây 4 năm, ông chuyển sang trồng theo quy trình VietGAP. Trồng theo quy trình VietGAP, quan trọng nhất là đất, nước, kho, bãi phải sạch, phải được quy hoạch, trong vườn không có chất thải, phụ gia. Sau đó là bón phân hữu cơ như: phân chuồng ủ hoai, mục mới bón; đạm, lân, kali chỉ bón cho có chất, trước khi bón trộn với chế phẩm sinh học Trichoderma để trị nấm, mốc trong vườn; còn lại phần lớn là dùng bột ngô, bột gạo để bón. Tuy mẫu mã quả bưởi không đẹp nhưng chất lượng rất tốt.
Theo ông Tuyến, khi chất lượng bưởi được nâng cao, kéo theo giá bán cũng cao hơn so với những vườn khác. Bưởi đường gia đình ông bán cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/quả, da xanh hơn 10.000 đồng/quả. Năm 2020, doanh thu đạt gần 800 triệu đồng; năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên chỉ đạt khoảng 600 triệu đồng.
Ông Triệu Văn Tuyển, Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp Xuân Vân, cho biết, diện tích bưởi của HTX và liên kết với các hộ dân đạt gần 200ha, trong đó 12,5ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018. Hiện, có 5 ha trồng hữu cơ chuyển đổi, thời gian tới sẽ nâng lên 15 ha. Năm 2021, sản lượng bưởi đạt 150.000 tấn, doanh thu khoảng hơn 20 tỷ đồng. Tới đây, HTX sẽ xây dựng thêm sản phẩm OCOP bưởi ngọt Xuân Vân, để tạo sức lan tỏa, giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm bưởi có chất lượng trong xã, đồng thời tạo cú hích để tiêu thụ các sản phẩm khác.
Là một trong những HTX có diện tích cam, bưởi trồng hữu cơ chuyển đổi lớn ở Tuyên Quang, ông Tạ Hữu Quang, Giám đốc HTX Trái cây hưu cơ Phúc Ninh, tâm sự: Trong quá trình tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và được chính quyền đưa đi tập huấn về nông nghiệp hữu cơ, tôi thấy sản xuất hữu cơ, nhà vườn không phải tiếp xúc với độc hại, không thải các chất độc hại ra môi trường, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch. Vì vậy, HTX mạnh dạn chuyển hơn 20/70ha cam, bưởi sang trồng hữu cơ 3 năm nay.
Ông Quang phân tích, về mẫu mã, sản phẩm hữu cơ có phần kém hơn, nhưng chất lượng và tinh thần người trồng lẫn người tiêu dùng rất yên tâm. Hiệu quả kinh tế chưa đạt như mong muốn, nhưng hy vọng sẽ thành công trong những năm tới. Hiện, người tiêu dùng chưa bỏ được thói quen cứ thấy rẻ, sản phẩm bắt mắt là mua. HTX mong người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang tiêu dùng sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc, đảm bảo độ sạch, góp phần bảo vệ môi trường.
“Hiện, HTX có sản phẩm cam đường Phúc Ninh đạt OCOP 3 sao, thời gian tới sẽ mở rộng thêm một số sản phẩm, đồng thời nâng cấp sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao; mở rộng diện tích cam hữu cơ; xây dựng nhà kho để bảo quản mỗi khi giá thấp; đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm của thành viên không sử dụng thuốc diệt cỏ”, ông Quang cho biết thêm.
Xây dựng thương hiệu
Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn, cho biết, hiện diện tích cây ăn quả của huyện đạt hơn 5.000 ha, với các sản phẩm chủ lực như: bưởi trên 4.000ha, na 300ha, nhãn 200ha, hồng 100ha, cam 800ha. Những năm qua, cùng với sự hướng dẫn từ chính quyền, ngành chức năng, nhà vườn đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, huyện có 40ha cây ăn quả đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP và khoảng 500ha trồng theo hướng VietGAP.
Điển hình là trồng na, người dân đã áp dụng biện pháp thụ phấn nhân tạo trên diện tích khoảng 100ha/300ha. Với cách làm này, đã rải vụ thu hoạch, trong khi giá bán được nâng lên, tạo thêm nguồn thu cho nhà vườn. Để giúp người sản xuất nắm rõ quy trình VietGAP, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các chi cục của Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, trang bị kỹ thuật cho người trồng, xã viên các HTX.
Yên Sơn đã đưa phát triển các sản phẩm chủ lực vào Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, và là 1 trong 2 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020- 2025. Huyện xác định lồng ghép các chương trình phát triển theo hướng hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ bao bì sản phẩm, tem nhãn mác thông qua trực tiếp hoặc lồng nghép các chương trình.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện đã chủ động đồng hành cùng các doanh nghiệp kịp thời tiếp cận, hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp; mời gọi một số doanh nghiệp lớn, có uy tín tiếp cận các sản phẩn nông nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm như: bưởi Soi Hà, na, hồng không hạt, nhãn, miến dong…
Ông Triệu Văn Tuyển, Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp Xuân Vân, cho biết, sau khi bưởi Soi Hà được cấp Chỉ dẫn địa lý, giá trị sản phẩm được nâng lên. Cụ thể, giá bán tăng từ 16.000 đồng/quả lên 20.000 đồng/quả, có thời điểm lên tới 22.000 đồng/quả. Bưởi Diễn giá bán cũng được nâng lên, từ 10.000-11.000 đồng/quả lên 14.000 đồng/quả. Ông Vũ Văn Tuyến (thôn Soi Đát, xã Xuân Vân) tâm sự, sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, các loại bưởi khác cũng bán dễ hơn. Khi sản phẩm có thương hiệu, bán ra thấy người tiêu dùng phản hồi khá tốt, chúng tôi rất phấn khởi, giá bán cũng cao hơn nên yên tâm sản xuất. |
Trong năm qua, huyện đã lập hồ sơ đề nghị đánh giá 12 sản phẩm OCOP, 2 sản phẩm nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, nâng tổng số sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh lên 27 sản phẩm. Yên Sơn đã hoàn thành xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Soi Hà, đây là một trong 3 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý trên địa bàn toàn tỉnh. Sau khi có Chỉ dẫn địa lý, hiệu ứng mang lại khá tốt, giá bán cao hơn so với trước, thị trường tiêu thụ rộng hơn; đặc biệt, Tập đoàn Masan đã tiến hành khảo sát, tìm nguồn cung, huyện đã gửi sản phẩm cho tập đoàn để kiểm tra các chỉ số chất lượng, tất cả đều đảm bảo theo yêu cầu.
Ông Tình cho biết thêm, thời gian tới, với sản phẩm bưởi Soi Hà, huyện sẽ xây dựng quy chế quản lý, cấp giấy phép sử dụng cho các HTX, các chủ thể trang trại, người dân đủ điều kiện; tổ chức đánh giá phân hạng để theo dõi, quản lý chất lượng; tập huấn quy trình chăm sóc, tập huấn về quản lý thương hiệu để trong năm 2022 đưa vào các siêu thị lớn. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm na dai Lực Hành và hồng không hạt Xuân Vân.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.