Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 4 năm 2021 | 14:32

Ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ rác thực phẩm

Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, chế biến thực phẩm trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, rác thực phẩm nếu không được phân loại, xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Nguy cơ ô nhiễm

Đặc trưng chất thải của các cơ sở chế biến nông sản thực thẩm là chất hữu cơ bốc mùi, gây nhiễm mạnh, gây đủ tác hại đến sức khỏe con người. Những sản phẩm lương thực được người dân sau khi sử dụng đa phần không được thu gom, xử lý đúng cách đã tạo nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngay trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội không khó bắt gặp cảnh người bán hàng trong cửa hàng kinh doanh ăn uống đổ thực phẩm thừa vào các thùng có nắp, còn nước thải vô tư đổ xuống cống.

Nếu ở khu vực ngoại thành, rác thực phẩm được người dân tận dụng làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi thì ở nội thành, các hộ gia đình đều gom chung với rác sinh hoạt.

 

onhiemoitruong.jpg
Thu gom rác thải trên phố Tràng Thi, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

 

Bà Nguyễn Thanh Nhàn (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai) chia sẻ: “Khu nhà tôi không có mấy người đi gom thức ăn thừa về làm thức ăn cho vật nuôi ăn nên không có cách nào khác là phải đợi công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom”. Vì thế, tại nhiều khu vực, các loại rác không được phân loại mà thu gom chung. Cơm, thịt, vỏ trứng… trong các túi đựng rác bắn tung tóe, ướt nhẹp, bốc mùi khó chịu. Theo một công nhân vệ sinh tại quận Hai Bà Trưng, rác thải hữu cơ như thực phẩm dư thừa được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra mùi khó chịu, hôi thối tại các bãi rác, có hại cho sức khỏe.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, rác thải thực phẩm là một vấn đề của toàn cầu, một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường sống hiện nay. Khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải. Việc xử lý chất thải nói chung không đúng cách còn gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Nếu không kiểm soát tốt cũng như không có biện pháp xử lý phù hợp, khoa học ngay từ trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, hệ quả từ rác thải thực phẩm không hề nhỏ.

Gánh nặng từ hộp xốp, nhựa đựng thực phẩm

Hiện nay, việc đựng thức ăn, thực phẩm trong hộp xốp, hộp nhựa diễn ra khá phổ biến; phần lớn khách hàng chấp nhận việc này, không để ý rằng điều đó có thể gây ra tác hại rất lớn. Theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), hộp xốp có thể gây hại đến sức khỏe người dùng do ô nhiễm chì, cadmium nếu nguyên liệu sản xuất hộp không tinh khiết và thôi nhiễm styrene, ethylbenzene.

Phân tích rõ hơn về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Khi cho đồ ăn nóng, dầu mỡ hoặc thức ăn có tính chua vào hộp xốp, chất styrene và ethylbenzene có trong hộp sẽ thoát ra, bám vào thức ăn, gây hại cho sức khỏe người dùng. Styrene là chất độc có thể gây ung thư và các bệnh về thần kinh như giảm trí nhớ, mất tập trung, giảm thính giác, thị giác”.

Cảnh báo về tác hại của việc đựng đồ ăn bằng hộp nhựa, PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông tin: Ở nhiệt độ 70 - 80oC, một số phụ gia trong nhựa bắt đầu hòa tan vào thực phẩm. Loại hộp kém chất lượng có thể chứa chất dioctin phatalat, ảnh hưởng trực tiếp tới giới tính con người. Theo đó, nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị “nữ tính hóa”, vô sinh, còn trẻ em nữ có thể dậy thì quá sớm. Vì thế, chỉ nên dùng hộp nhựa đựng đồ ăn nguội, không được dùng để đựng nước canh, cơm đang nóng.

 

637542899314133316-o-nhiem-moi-truong-vat-lieu-xop.jpg
Rác thải xốp rất nguy hại nếu chúng ta không có biện pháp xử lý hiệu quả. Ảnh: Hà Ánh

 

Theo một công nhân vệ sinh môi trường tại quận Hoàng Mai, trong quá trình đi thu gom, xốp cũng như nhiều loại rác thải khác thường được người dân gói chung với rác thải sinh hoạt hoặc vứt bừa bãi, cồng kềnh và rất dễ bị vỡ vụn. Nhiều trường hợp xốp thường là vỏ bọc của các loại hàng hóa nhưng có nhiều người tiện tay vứt ngay trên hè phố, xốp bay lung tung lên gây mất vệ sinh.

Thực tế, bao nilon còn thu hồi, tái chế thành loại bao bì khác, nhưng vật liệu xốp không tái chế được. Hơn nữa, những mảnh xốp vụn không được thu gom và xử lý, thậm chí còn nguy hại hơn cả túi nilon. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hộp xốp làm từ chất liệu polystyrene, là một dạng bao bì chất dẻo, không phân hủy trong môi trường được, dày, nhẹ mà rất dễ bị vỡ. Khi những miếng xốp trôi xuống dòng nước, ra sông, biển sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn đồng thời tai hại với các loại thủy sản.

Tận dụng như một nguồn tài nguyên

Trước tình trạng ô nhiễm nhưng khó quản lý của rác thực phẩm, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, thứ nhất, cần có biện pháp căn cơ, khoa học, phù hợp thực tiễn. Trước hết phải kiểm soát ngay từ nguồn sản xuất, ngăn chặn những chất độc hại có trong sản phẩm từ nguồn phát sinh ra chất thải. Khi giải pháp này được kiểm soát tốt, chất thải thực phẩm sẽ được tái sử dụng, tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh…
 
Cùng với đó, biện pháp thứ hai phải kiểm soát gắt gao các nguồn chất thải thực phẩm. Biện pháp thứ ba, đòi hỏi sự đóng góp của khoa học, khi chất thải thực phẩm đã bị nhiễm độc và cần xử lý thì phải tìm giải pháp tách hoặc vô hiệu hóa độc chất đi theo chất thải thực phẩm trước khi đưa nó tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ…

Bên cạnh việc kiểm soát ngay từ nguồn sản xuất, theo Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương, cần tận dụng rác thải thực phẩm như một nguồn tài nguyên. Đây là xu hướng chung của cả thế giới để vận hành một nền kinh tế tuần hoàn có triệt để hạn chế các tác động ô nhiễm môi trường, tận dụng phế phẩm thành nguyên liệu.

Còn đói với vấn đề hộp xốp đựng thực phẩm, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dùng không dùng hộp xốp chứa các loại thức ăn, đồ uống đang nóng, thức ăn có nhiều mỡ, dầu ăn, nước sôi, đồ chua (dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh...). Nếu bất đắc dĩ phải dùng hộp xốp thì chỉ đựng những đồ nguội, lạnh; nhưng đó là việc mang tính tạm thời, không được để kéo dài. 

Hiện nay, tại Việt Nam việc sản xuất xốp, nhựa, túi nilon tại các làng nghề, cơ sở thủ công, nhỏ lẻ vẫn còn nhiều và chưa được quản lý chặt chẽ. Không những vậy, để xử lý rác thải từ xốp thì phương pháp chủ yếu là chôn lấp, đốt sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Nếu người dân không được hướng dẫn cụ thể cách xử lý rác thải từ xốp thì gánh nặng ô nhiễm môi trường sẽ là rất lớn khi chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng như hiện nay.

Thay đổi thói quen là điều không dễ, nhất là khi các loại hộp xốp, hộp nhựa, túi nilon hiện có giá rẻ, đang được sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, đã đến lúc người dân cần kiên quyết thay đổi thói quen có hại đó để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Bước đầu là hạn chế sử dụng, sau đó loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế. Thay vào đó, nên sử dụng đồ dùng được làm từ sứ, thủy tinh hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, túi mây, tre...

 

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top