Theo thông tin từ Bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, trong quý I/2022, ngành công nghiệp có những tăng trưởng tích cực bất chấp khó khăn của nền kinh tế hậu Covid-19 và biến động về tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới.
Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại địa bàn lân cận các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng... Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm, đồng thời đẩy giá đất tăng cao.
Vốn FDI ghi nhận mức tăng trưởng ổn định
Điểm sáng của ngành công nghiệp Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận mức độ tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường.
Theo đánh giá của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tự tin với tốc độ tăng trưởng của nền công nghiệp Việt Nam và môi trường đầu tư trong bối cảnh bình thường mới.
Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, việc mở cửa biên giới trở lại, các chính sách miễn thị thực mới và sự dịch chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư châu Âu do xung đột Nga - Ukraine sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI thời gian tới.
Liên quan tới vấn đề này, ông John Campbell, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, đánh giá, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi thị trường của Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo phát triển ngoài mong đợi vào năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi và dòng FDI vẫn tăng trưởng ổn định. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2022, GDP tăng hơn 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù cao hơn mức tăng trưởng 4,7% của quý I/2021 và mức tăng trưởng 3,7% của quý I/2020 song vẫn thấp hơn mức 6,85% được ghi nhận trong năm 2019.
Cụ thể, về nguồn FDI, đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 322 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký đạt 3,21 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm là 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%. Về thu hút FDI của các địa phương, Bình Dương dẫn đầu ở mức 29% với 2,3 tỷ USD, tiếp sau là Bắc Ninh chiếm 16% và Thái Nguyên chiếm 10%.
Ở góc độ nguồn vốn, Singapore là quốc gia có nguồn vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất trong 3 tháng đầu năm với hơn 2,28 tỷ USD, tương đương 26%; tiếp theo là Hàn Quốc với 1,6 tỷ USD, tương đương 18%. Đặc biệt, dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn của Tập đoàn Lego tại Bình Dương đã đưa Đan Mạch trở thành nước đóng góp lớn thứ ba với hơn 1,3 tỷ USD.
Cũng trong quý I, ngành sản xuất và chế biến thu hút 5,3 tỷ USD, tương đương 60% tổng vốn đầu tư. Trong đó, ghi nhận 84 dự án cấp mới với vốn đăng ký 2,1 tỷ USD và 150 dự án đăng ký tăng vốn. Theo khu vực, miền Nam chiếm ưu thế với 1,9 tỷ USD, chiếm 87,7% vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực sản xuất; tiếp theo là miền Bắc với hơn 238 triệu USD, tương đương 10,8%.
Theo ông John Campbell, kể từ quý III năm ngoái đến nay, ngành công nghiệp đã trải qua một quãng thời gian rất đáng nhớ. ”Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là năm rất khó khăn, đặc biệt là với những làn sóng bùng phát mạnh của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có một số bước phát triển tích cực, mới nhất là việc mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam. Các công ty này có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Sản xuất duy trì tăng trưởng
Về bối cảnh chung của nền kinh tế, số liệu của Trading Economics cho thấy, Chỉ số Quản lý thu mua sản xuất (PMI) của công nghiệp Việt Nam giảm còn 51,7 điểm trong tháng 3, từ mức 54,3 của tháng 2. Mặc dù chỉ số này vẫn chỉ ra sự cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh nhưng đây là kết quả thấp nhất được ghi nhận trong 6 tháng qua. Sản lượng công nghiệp cũng lần đầu tiên ghi nhận mức giảm nửa năm qua.
Savills đánh giá, nguyên nhân chính của vấn đề này đến từ tình trạng thiếu hụt lao động do công nhân nhiễm Covid-19 và những công việc còn tồn đọng từ tháng 9/2021. Đi kèm với đó là tình hình dịch bệnh trên thế giới và xung đột giữa Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng đến quá trình giao hàng, đẩy thời gian vận chuyển lên cao nhất từ tháng 10 năm ngoái đến nay.
Vấn đề lạm phát cũng trở thành một thách thức lớn khi chi phí đầu vào tăng mạnh nhất trong gần 11 năm qua. Giá dầu, khí đốt, nguyên liệu thô và giá vận chuyển cũng kéo theo sự gia tăng của các chi phí.
Tuy nhiên, trong bức tranh đó, điểm tích cực ghi nhận trong tháng 3 vừa qua là sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 9,2% trong tháng 2. Bất chấp đại dịch, đây là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường, ông John Campbell khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc khuyến khích các công ty chuyển đến Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng đưa ra ưu đãi về thuế cho các công ty công nghệ hoặc R&D, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh. ”Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng, thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Thị trường vẫn chưa hoàn thiện tuyệt đối, còn một chặng đường dài phía trước nhưng thật khả quan khi thấy rằng thị trường đã thu hút nhiều ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và lĩnh vực hậu cần hơn so với trước đây”, ông John nhận định.
Phát triển đồng đều các khu vực
Chia sẻ về những khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận xét: “Thị trường Việt Nam chứa đựng sẵn nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp.
Bất động sản công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại địa bàn lân cận các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm, đồng thời đẩy giá đất tăng cao”.
Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc trong quý I/2022 duy trì ở mức 80%. Tuy nhiên, giá thuê đất và nhà xưởng không có biến động. Giá đất công nghiệp trung bình đạt 109 USD/m2/chu kỳ thuê, giảm nhẹ so với quý trước do giá thuê ưu đãi hơn tại một số khu công nghiệp ở vị trí kém thuận lợi và muốn đẩy nhanh tốc độ lấp đầy, nhưng vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tại khu vực miền phía Nam, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở mức 85%. Giá thuê trung bình là 120 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước). |
Tùy vào đặc tính của từng ngành, nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội và lợi thế phát triển khác nhau ở rộng khắp Việt Nam. Chuyên gia Savills cho biết, mỗi lĩnh vực sẽ có những yêu cầu riêng. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên các tiêu chí về diện tích lớn, giá đất thấp, và khả năng tiếp cận đến cảng biển, sân bay. Bởi vậy, để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tại các tỉnh, Việt Nam cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế. Từ đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ được trải đều qua các địa phương trên cả nước.
“Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các đơn vị phát triển bất động sản đã nắm được khoảng trống về nguồn cung và đang bổ sung thêm sản phẩm trong thị trường. Nhờ vậy, doanh nghiệp sản xuất sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn cần phải xem xét các yếu tố môi trường khác nhau và ghé thăm những địa điểm mà họ muốn triển khai. Quá trình nghiên cứu sẽ cần một khoảng thời gian nhất định và đây là điều mà những nhà cung cấp dịch vụ như chúng tôi có thể mang đến cho các doanh nghiệp”, ông Matthew chia sẻ thêm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.