Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 6 năm 2021 | 4:22

NGHỀ BÁO, bản lĩnh và thách thức - Bài 3: Cam go trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực

Tham nhũng, tiêu cực là những biểu hiện của cái xấu, cái ác trong xã hội. Do vậy, việc tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng.

Vai trò quan trọng
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn…”.
 
Đến hôm nay, lời dạy của Người vẫn vẹn nguyên giá trị với người làm báo chân chính, luôn cân bằng giữa trách nhiệm và đam mê với nghề.
1.jpgTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Ảnh: TTXVN
 
Học tập và noi theo tấm gương của Bác, mỗi nhà báo hoạt động trong hàng ngũ báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ phải có bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, mà phải tiên phong đi đầu trong mọi công việc. Đặc biệt, luôn có tính chiến đấu, tính thuyết phục và tính hấp dẫn, kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phản ánh kịp thời những tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong chiến đấu, học tập, lao động và sản xuất, để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
 
Bên cạnh đó, vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các vấn đề tiêu cực của xã hội trong những năm gần đây cũng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là báo chí chỉ đi làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, mà muốn nói công lao và vai trò của báo chí trên trận chiến cam go này.
 
Đánh giá về vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định về vai trò của báo chí và nêu rõ: “Bên cạnh việc phát hiện, đấu tranh, lên án, các tác phẩm báo chí thời gian qua đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, đi sâu tìm tòi, phản ánh công tác hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt là biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
11.jpgThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XIV, năm 2019. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cũng khẳng định: “Các cơ quan truyền thông, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân quan tâm. Đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế”.
 
Với vai trò của mình, báo chí có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, chẳng hạn như qua đơn, thư bạn đọc gửi đến nhà báo hoặc cơ quan báo chí, thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận hoặc các cơ quan tư pháp. Cũng có khi chính nhà báo đã phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp. Theo thống kê, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng. Điển hình trong đó những vụ án gần đây như Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh…
 
Theo đánh giá chung, tham nhũng là những biểu hiện của cái xấu, cái ác trong xã hội, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chính từ lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách, lâu dài.
 
Vậy, để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, với sự đóng góp tích cực của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi, báo chí luôn được coi là vũ khí sắc bén, với sự vào cuộc mạnh mẽ và đã tỏ rõ hiệu quả to lớn. 
 
2-1.jpgCổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về thành tích xây dựng, quản lý, sử dụng phần mềm ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo, tạp chí điện tử.

 

 
Chúng ta có thể thấy, từ ngày thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, Giải báo chí toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã có hàng ngàn tác phẩm báo chí viết về đề tài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cao như: “Chống được “chạy” sẽ thành công” đoạt giải A, giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, lãng phí lần thứ nhất; “Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn” đoạt giải B, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ ba (thể loại không có giải A); tác phẩm “Binh pháp “chống” giặc nội xâm” đoạt giải B giải báo chí Quốc gia 2018 (loại giải không có giải A)… của Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam. Hiệu quả của những tác phẩm trên đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đất nước.
 
 
Nhà báo có công hay có tội?
 
Nhìn lại thực tiễn ở nước ta những năm qua cho thấy, đa số các vụ việc tham nhũng lớn là do báo chí phát hiện. Sau khi báo phản ánh các cơ quan điều tra mới vào cuộc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vai trò của báo chí được nhìn nhận như thế nào? Nhà báo có công hay có tội? Đặc biệt, hiện nay nhận thức của một bộ phận làm công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn cho rằng: Viết bài điều tra, phản ánh về công tác phòng, chống tham nhũng và các vấn đề tiêu cực trong xã hội là không thuộc trách nhiệm của Tạp chí. Nếu muốn viết bài phản ánh thì viết ở ngành hoặc đơn vị chủ quản của Tạp chí đó, nếu viết ở đơn vị hoặc ngành khác sẽ sai tôn chỉ, mục đích và sẽ xử phạt…(?!)
 
Trong khi đó, tại Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng” và để tham gia giải quyết có hiệu quả vấn nạn nhức nhối này, phải phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật hiện hành về vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng cũng đã quy định rất rõ nhưng cách xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước ở một số địa phương khiến một số nhà báo phân vân đặt câu hỏi: Cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có làm đúng chức năng, nhiệm vụ? Mục đích của cơ quan này làm vậy có chủ ý gì?  
24tnhung.jpg
Tham nhũng, tiêu cực là những biểu hiện của cái xấu, cái ác trong xã hội.
 
Bên cạnh đó, tại Điều 75, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng nêu rõ: “Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan; Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng”.
 
Cùng với đó, việc tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng đã được quy định rõ tại Luật này, vậy nhưng liệu chúng ta đã làm được thường xuyên chưa? Có chăng thì cũng chỉ mới các cơ quan Trung ương, còn các địa phương hầu như chưa làm được. Tại Điều 13 quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí; Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà dư luận xã hội quan tâm, trừ trường hợp pháp luật về báo chí có quy định khác”.
 
Chưa nói đến, việc yêu cầu cung cấp thông tin của nhà báo và các cơ quan báo chí hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực khi bị phát hiện hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong khi đó, Điều 14 của Luật này đã quy định rất rõ về quyền yêu cầu cung cấp thông tin: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai, trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và nêu rõ lý do; Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công tác, làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật có liên quan”.
 
Song song với Luật Phòng, chống tham nhũng, tại Khoản 2, Điều 4, Luật Báo chí 2016 cũng đã nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững”.
 
Như vậy, vai trò, trách nhiệm của nhà báo và các cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các vấn đề tiêu cực trong xã hội đã được pháp luật quy định rất rõ. Vậy tại sao một số cơ quan quản lý Nhà nước ở một số địa phương lại tìm cách “cấm cửa” nhà báo đang công tác ở các Tạp chí hoạt động trong lĩnh vực này? Thêm một câu hỏi được những người làm báo báo đặt ra đó là các cụm từ “nhà báo” và “cơ quan báo chí” là để dùng cho ai, chỉ duy nhất dùng cho các báo hay cả Tạp chí?
 
3.jpgĐại tá – Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Tham nhũng là quốc nạn, nhưng chống tham nhũng chưa được giải quyết vấn đề gốc, chưa tạo được sức mạnh như chống giặc và chống dịch.
 
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, Đại tá – Nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: “Vấn đề cần suy nghĩ là việc chống “giặc nội xâm” lâu nay, các giải pháp chỉ huy và bảo đảm còn rất yếu, chưa tương xứng với yêu cầu cuộc chiến. Tham nhũng là quốc nạn, nhưng chống tham nhũng chưa được giải quyết vấn đề gốc, chưa tạo được sức mạnh như chống giặc và chống dịch. Cuộc chiến phòng chống tham nhũng, lãng phí đã thu được nhiều thắng lợi, nhưng tham nhũng vẫn tràn lan, tại sao?
 
Khi chống giặc ngoại xâm, chống dịch, Chính phủ đã tiêu tốn bao nhiêu tiền? Nhà nước phải có nguồn lực lớn để chống tham nhũng, tại sao không? Riêng hoạt động báo chí, khi phải đi kiếm tiền để nuôi nhau, thì mục đích trên hết và trước hết của cơ quan báo chí đó không phải là thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, lên tiếng chống tiêu cực mà là nguồn thu. Điều đáng lo ngại hiện nay là các cơ quan báo chí có biểu hiện không dám, không muốn đả phá “lợi ích nhóm”, hoặc thuận theo nhóm lợi ích. Chúng ta không thể trông chờ, hy vọng các cơ quan báo chí “ăn theo” có tiếng nói mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cũng từ đó mà nhiều nhà báo liêm chính, tâm huyết rất chật vật trong việc lên án phòng chống tham nhũng. Có khi có những bức xúc của họ chỉ được thể hiện trên mạng xã hội.
 
Việc phát hiện hành vi tham nhũng là trách nhiệm của toàn dân, người dân ai cũng có quyền phản ánh, lên án hành vi tham nhũng. Nói là vậy, nhưng thực tế, có khi biết không dám nói. Ngay cả nhà báo, phản ánh đúng sự thật vụ việc tham nhũng, nhưng nếu bài báo đó lại đăng ở Tạp chí, có khi cơ quan Tạp chí bị xử lý vi phạm tôn chỉ, mục đích. Và như thế mục tiêu lớn của báo chí có khi bị những quy định không phù hợp cản trở…”.
 
 
 
 
Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top