Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 5 năm 2020 | 12:40

Người dân cả nước bắt đầu nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42

Các địa phương trên cả nước đang tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

ho-tro.jpg

Chi hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội phường Kim Tân, thành phố Lào Cai.

 

Tại Lào Cai, ngày 29/4, tỉnh Lào Cai bắt đầu chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho 2 nhóm đầu tiên, trong 7 nhóm đối tượng người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Từ sáng 29/4, 9 huyện, thành thị của tỉnh Lào Cai đồng loạt mở các điểm chi trả hỗ trợ phân theo cấp xã, phường, thị trấn, những trường hợp không có khả năng nhận trực tiếp sẽ được chi trả gián tiếp qua người thân.

Quá trình chi trả dựa trên nguyên tắc đầy đủ, minh bạch, đúng đối tượng và tuân thủ biện pháp phòng chống Covid-19.

Bệnh binh Bùi Văn Hiền, trú tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai chia sẻ, trong giai đoạn cả nước chung tay đẩy lùi Covid-19, có rất nhiều người dân gặp khó khăn, trong đó có đối tượng thương bệnh binh. Số tiền hỗ trợ đến tay mỗi cá nhân không phải quá lớn, nhưng là món quà vô cùng ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp địa phương.

“Bản thân tôi là người từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, nhận hỗ trợ đúng thềm nghỉ lễ 30/4 năm nay trong điều kiện cả nước khó khăn như thế tôi không biết nói gì ơn ngoài lời cảm ơn”, ông Hiền xúc động nói.

Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, sau thời gian khẩn trương rà soát, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định chi trả trước gói hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng gồm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Toàn tỉnh Lào Cai có tổng cộng 15 nghìn trường hợp, thuộc 2 nhóm đối tượng trên, cùng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng, áp dụng trong thời gian 3 tháng, tiến hành chi trả 1 lần. Trường hợp thuộc nhiều nhóm khác nhau được chia trả theo 1 nhóm cao nhất.

“Để có thể hỗ trợ kịp thời cho 2 nhóm đối tượng đầu tiên trước thềm nghỉ lễ 30/1 – 1/5 là cả một sự cố gắng của Lào Cai. Đối với các nhóm đối tượng còn lại, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh để có kế hoạch rà soát, chi trả trong thời gian sớm nhất”, bà Hưng cho biết.

Tại Hà Nội, từ đầu giờ sáng 30/4, dù là ngày đầu tiên trong dịp nghỉ lễ song nhiều địa phương ở Hà Nội đã đồng loạt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ với các nhóm gồm gia đình chính sách, người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn.

 

covid.jpg

Người dân phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận tiền hỗ trợ. - Ảnh: Hà Nội Mới

 

Ngày 29/4, UBND  thành phố  Hà Nội đã ban hành văn bản số 1757/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID -19... Để kịp thời chi trả, hỗ trợ nhanh cho các đối tượng, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động tạm ứng từ các nguồn tài chính hợp pháp của ngân sách quận, huyện, thị xã để chi trả theo đúng quy định.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, bước đầu thành phố xác định có khoảng 1.447.000 người sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ. Dự kiến số tiền hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội cho số người kể trên là khoảng 3.500 tỷ đồng.

UBND thành phố Hà Nội sẽ tăng cường vai trò giám sát của Ban công tác mặt trận tại cơ sở. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm tra, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất, để bảo đảm việc thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách, phát huy hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ.

Tại quận Ba Đình, sáng 30/4, đồng loạt các phường trên địa bàn như: Kim Mã, Quán Thánh, Giảng Võ, Cống Vị.. .đều thực hiện chi trả hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Việc chi trả, hỗ trợ được thực hiện dưới sự giám sát của Công an, Ban công tác Mặt trận phường, đảm bảo đúng quy trình trong phòng chống dịch.

Huyện Ba Vì cũng đã thực hiện chi trả, hỗ trợ cho người dân địa phương, đây là nơi dẫn đầu thành phố về số tiền hỗ trợ, dự kiến khoảng 37 tỷ đồng do địa phương này còn có nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đợt này địa phương sẽ chi trả, hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng cho khoảng 32.000 đối tượng. Nhìn chung, người dân địa phương rất phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ. Để việc hỗ trợ được thuận lợi, ngay trong sáng 30/4, UBND huyện đã chỉ đạo chuyển tiền tới tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Các xã đã thông báo cho người dân đến UBND xã nhận hỗ trợ.

Dù là ngày nghỉ nhưng UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các đơn vị, địa phương khắc phục khó khăn, phấn đấu đến ngày 1/5 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ cho nhóm người có công; gia đình chính sách; người hưởng bảo trợ xã hội; người nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Còn nhóm đối tượng khác đang được tiếp tục thống kê, rà soát, công khai danh sách để nhân dân địa phương cùng theo dõi, giám sát.

Tại Thừa Thiên – Huế, ngày 30/4, những hộ dân cuối cùng thuộc 4 nhóm đối tượng (bao gồm: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội) của tỉnh đã nhận được tiền hỗ trợ từ gói tạm cấp ngân sách tỉnh đợt 1. Nhiều người dân phấn khởi trước "món quà" đặc biệt này trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều cố gắng thực hiện chi trả sớm cho người dân trước dịp lễ. Công tác phòng, chống dịch cũng được các địa phương chú trọng trong suốt quá trình thực hiện chi trả. Trong đó, thị xã Hương Thủy là địa phương đi đầu thực hiện sớm nhất, ngay sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế ký quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ 4 nhóm đối tượng ưu tiên gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến nay, hơn 9.200 người dân thuộc 4 nhóm đối tượng nêu trên tại thị xã Hương Thủy đã nhận được số tiền hỗ trợ.

Đợt này, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chi hơn 149 tỷ đồng tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh về các địa phương để hỗ trợ gần 135.000 đối tượng. Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với thời gian 3 tháng (tháng 4, 5 và 6) theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Mỗi đối tượng có công và bảo trợ xã hội được nhận 1.500.000 đồng cho 3 tháng. Mức hỗ trợ cho mỗi thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 250.000 đồng/tháng.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ, 4 nhóm đối tượng ưu tiên được hỗ trợ đợt 1 là những đối tượng đã có danh sách nhận chế độ hàng tháng nên việc chi trả sẽ dễ dàng trong việc xác định, giúp người dân sớm nhận được hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Hiện các ngành, địa phương trong tỉnh đang rà soát và lập danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 còn lại để tổ chức chi trả kịp thời; đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; có giám sát chặt chẽ và không để xảy ra việc trục lợi trong thực hiện chính sách.

Tại Đà Nẵng, ngày 29/4, TP. Đà Nẵng bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Việc chi hỗ trợ bắt đầu từ nhóm đầu tiên là người có công cách mạng, thực hiện qua hệ thống bưu điện. Tại Đà Nẵng có khoảng 17.000 người có công được nhận hỗ trợ. Trong tuần này, các đối tượng thuộc nhóm hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội sẽ được nhận tiền hỗ trợ.

UBND TP. Đà Nẵng giao UBND quận, huyện thực hiện chi trả nhóm đối tượng này. Tổng số tiền chi trong đợt hỗ trợ này là khoảng 85 tỉ đồng. Các đối tượng là “Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng không hưởng lương”; “Người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm, lao động tự do hoặc tự tạo việc làm”;“Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm”; “Doanh nghiệp sử dụng lao động khó khăn về tài chính” đang được các đơn vị, địa phương khảo sát lập danh sách.

Ngoài 7 đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thêm một nhóm đối tượng “Thân nhân của người có công cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên theo Nghị quyết của HĐND TP”, “đối tượng bảo trợ xã hội đặc thù”.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, quy trình chi trả được thực hiện rất chặt chẽ: "Xã phường lập danh sách cụ thể. Hộ Người có công cách mạng và bảo trợ xã hội thì phòng Lao động Thương binh và Xã hội các quận huyện gửi danh sách về cho xã phường. Xã phường xác nhận cụ thể kiểm tra danh sách lại xong thì ký xác nhận, có giám sát của Ủy ban Mặt trận gửi lên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Phòng này mới trình qua Chủ tịch UBND quận huyện. Chủ tịch UBND cấp quận huyện ký quyết định chi trả. Đối với thành phố Đà Nẵng điều tiết ngân sách dưới 50% nên được Trung ương hỗ trợ 30% còn ngân sách thành phố 70%. Theo quy định đó, thành phố đã tạm ứng ngân sách để chi trả".

Kiên Giang tạm ứng ngân sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Thực hiện Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, UBND tỉnh Kiên Giang đã đồng ý cho tạm ứng ngân sách hơn 183 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng và đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia trong danh sách được phê duyệt. Thời gian hỗ trợ 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Trong số này, UBND huyện Phú Quốc chủ động thực hiện chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương gần 1,7 tỷ đồng; UBND các huyện, thành phố còn lại sử dụng 50% nguồn dự phòng còn lại của ngân sách huyện, xã để chi hỗ trợ với số tiền hơn 32 tỷ đồng. Kinh phí còn lại gần 150 tỷ đồng lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.

Riêng các nhóm đối tượng còn lại, tỉnh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để thực hiện, tránh tình trạng xác định sai đối tượng, trục lợi từ chính sách... 

Ông Đặng Hồng Sơn, Gíam đốc Sở LĐ-TBXH Kiên Giang cho biết: hiện nay các huyện đang tiến hành điều tra, khảo sát và tổng hợp. Do các nhóm đối tượng này rất khó để tổng hợp nhất là lao động tự do, lao động không ký kết hợp đồng, lao động buôn bán lẻ, đòi hỏi các địa phương phải rà soát kỹ lưỡng, có địa chỉ cụ thể để điều tra tổng hợp, tránh sai sót”.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã cho tạm ứng kinh phí gần 150 tỷ đồng  từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để hỗ trợ kinh phí cho các nhóm đối tượng này.

Tại Cần Thơ, trong  phiên họp thường kỳ tháng 4/2020 của UBND thành phố tổ chức chiều 28/4, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, hiện các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tích cực triển khai chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng cho biết từ ngày 27/4, thành phố đã triển khai chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nhóm 5, 6 và 7 theo Quyết định 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm: Nhóm đối tượng chính sách và người có công với cách mạng đang hưởng ưu đãi hàng tháng, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo vì 3 nhóm này đã có danh sách ổn định được phê duyệt từ trước. Sau hai ngày triển khai, nhiều quận, huyện đã chi xong 100% đối với 3 nhóm đối tượng trên. Các quận huyện còn lại sẽ hoàn thành việc chi hỗ trợ trong vài ngày tới.

Các nhóm đối tượng còn lại đang tiếp tục được rà soát, cập nhật và trình lãnh đạo UBND thành phố phê duyệt; sẽ triển khai chi sớm nhất trong thời gian tới.

Trong đó, nhóm đối tượng thứ nhất là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/tháng. Số lượng cập nhật đến nay là 7.192 người với kinh phí hỗ trợ là 12,946 tỷ đồng.

Nhóm thứ hai hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động đến nay đã cập nhật được 24 người sử dụng lao động, tương ứng với 24 doanh nghiệp.

Nhóm đối tượng thứ ba là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm dừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 hỗ trợ mức 1 triệu đồng/tháng. Số lượng 2.548 hộ với kinh phí chi hỗ trợ 2,548 tỷ đồng.

Nhóm bốn là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp là 1.469 người và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là 27.101 người với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng/người. Hai nhóm này gồm 28.570 người lao động với kinh phí 28,57 tỷ đồng.

Thứ năm là nhóm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ 1 lần/3 tháng với mức 500.000 đồng/tháng cho 5.961 người với kinh phí 8,941 tỷ đồng. Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ 1 lần của 3 tháng với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng có 36.518 người với kinh phí hỗ trợ 54,777 tỷ đồng. Nhóm hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ 1 lần/3 tháng với mức hỗ trợ là 250.000 đồng/khẩu/tháng với  47.477 người  được hưởng, kinh phí 35,807 tỷ đồng.

Hiện, tổng số các đối tượng được các quận, huyện cập nhật đến ngày 24/4 trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 128.290 đối tượng với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là trên 143 tỷ đồng.

Bình Dương trích ngân sách 300 tỷ “trợ lực” người nghèo vượt khó: Tháo gỡ khó khăn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương đang triển khai các bước để đưa nguồn vốn vay khoảng 300 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh đến các đối tượng. Gói hỗ trợ vay vốn này được xem là “phao cứu sinh” với người gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại Bình Dương. 

Ngay từ sáng sớm, chị Trương Thị Thúy Diễm, chủ cơ sở sản xuất sơn mài Thùy Vân ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một đã có mặt tại cửa hàng trưng bày để lau chùi các sản phẩm sơn mài sau một tháng đóng cửa thực hiện cách ly xã hội. Mở cửa trong thời điểm này dù biết không có khách nhưng chị vẫn hy vọng bán được sản phẩm để lấy tiền trả tiền mặt bằng.

Chị Diễm tâm sự, chưa lúc nào những người cả đời gắn bó với nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, cái nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, như chị nản chí, rơi vào bế tắc như hiện nay. Giờ đây, không có đơn hàng, sản phẩm làm ra không có chỗ tiêu thụ cũng đồng nghĩa với việc chị phải gồng gánh để lo trả tiền mặt bằng, tiền công thợ. Nguy cơ phải đóng cửa đã hiện ra trước mắt: “Làm có lời mới làm nhưng đối với làng nghề truyền thống chủ yếu lấy công làm lời. Bây giờ sản xuất ra không bán được không có đồng lời sẽ hao hụt vốn, do đó cần đồng vốn bổ sung thêm để duy trì làng nghề phát triển”.

Là hộ nghèo của thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, cách đây 3 năm, anh Võ Tấn Lợi được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Giáo cho vay 30 triệu đồng để học nghề, mở tiệm hớt tóc. Nhờ có tiệm tóc, vợ chồng anh có tiền lo cho 3 đứa con nhỏ ăn học và cũng từng bước thoát nghèo. Thế nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, tiệm hớt tóc vắng khách rồi tạm đóng cửa, cũng là lúc gia đình anh gặp khó khi tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt… cứ thế chất chồng.

“Lúc đóng cửa tiệm khổ lắm! Ở nhà không biết làm gì ra tiền, cho nên đâu có tiền đóng tiền thuê nhà, chủ nhà cũng không bớt tiền thuê. Giờ mình muốn vay một số tiền sửa chữa tiệm đẹp đẽ hơn, lo cho con cái ăn học. Mong ngân hàng hỗ trợ cho tôi vay với lãi suất thấp”, anh Võ Tấn Lợi chia sẻ.

Để giúp các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo…có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bình Dương đã có tờ trình về việc “ủy thác vốn địa phương để cho vay tháo gỡ khó khăn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác” đề xuất UBND tỉnh trích ngân sách 300 tỷ đồng cho các đối tượng vay vốn và đã được chấp thuận. 

UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ban, ngành có liên quan rà soát đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lập danh sách để Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thống kê, báo cáo Sở Tài chính chuyển tiền để ngân hàng giải ngân cho nhân dân.

Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và vay giải quyết việc làm. Với gói hỗ trợ này, mỗi trường hợp có thể vay nhiều nhất 100 triệu đồng, lãi suất tính theo Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam quy định cho từng đối tượng. Trường hợp muốn vay vốn liên hệ ngân hàng chính sách cấp huyện, thị, thành phố hoặc UBND nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể. 

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, việc xét đối tượng thụ hưởng gói 300 tỷ đồng đang được tiến hành đảm bảo tính minh bạch, chính xác, đúng đối tượng thụ hưởng: “Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản chỉ đạo cho cấp huyện, thị, thành phố triển khai xuống chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn để rà soát xuống khu, ấp lấy danh sách đối tượng bị ảnh hưởng cần có nhu cầu vay vốn để tái sản xuất, khắc phục hậu quả này, làm sao sản xuất kinh doanh vực dậy, tăng thu nhập trở lại”.

Những người nghèo, khó khăn hy vọng các ngành, các cấp của Bình Dương nhanh chóng tiến hành, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Bởi, trong giai đoạn này những đối tượng này đang phải từng ngày “gồng mình” trong khó khăn.

 

Bộ Y tế thông báo, tính từ 16-2/5 (16 ngày), Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng.

Tổng số ca mắc trên cả nước là 270 người, trong đó, 219 ca đã được điều trị khỏi bệnh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 30.517, trong đó:
 
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 244
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.540
 - Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 24.733
 
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:
 
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 9 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 7 ca.
 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top