Tại xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang), số hộ có thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng lên tới 300 hộ; tỷ lệ hộ nghèo dự kiến chỉ còn 6,1%. Có được kết quả này nhờ có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ vào sản xuất.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang thăm mô hình kinh tế hộ gia đình ông Nguyễn Tài Lễ, thôn Yên Sở.
Thu nhập cao
Những ngày cuối năm 2019, đến xã Phúc Ninh mới thấy cuộc sống nhộn nhịp của người dân nơi đây. Cảnh người làm vườn thu hái quả, các chuyến xe của tiểu thương đến trở hàng về miền xuôi tiêu thụ là những hình ảnh quá nỗi quen thuộc.
Trao đổi về hiệu quả từ việc trồng cây ăn quả, anh Nguyễn Quang Hiếu (thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh), cho biết, gia đình hiện có 300 cây cam Vinh, 300 cây quýt đường, doanh thu năm 2018 đạt trên 700 triệu đồng, dự kiến năm nay doanh thu đạt trên 800 triệu đồng.
Được biết, anh Hiếu quê ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) là cái nôi nhân giống các loại cây ăn quả. Khi lên Phúc Ninh mảnh đất có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả, cùng với kinh nghiệm trong nghề cây giống và qua tìm hiểu anh thấy cây cam Vinh và cây quýt đường có thể phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế cao.
Vườn cam, bưởi trĩu quả của gia đình anh Nguyễn Quang Hiếu ở thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn.
Cuối năm 2013, anh đưa 300 cây cam vinh và 300 cây quýt đường về trồng trên phần đất 1ha vườn nhà. Đất và cây không phụ công người, sau 3 năm chăm sóc vun trồng, hai giống cây anh trồng đã cho thu hoạch. Năm 2017, gia đình anh thu về trên 550 triệu đồng.
Cũng ở thôn Yên Sở (Phúc Ninh), gia đình ông Nguyễn Tài Lễ cũng có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả. Ông Lễ tâm sự, trước đây gia đình trồng mía nhưng thu nhập rất thấp. Thấy nhiều mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao gia đình đã chuyển sang trồng bưởi và cam. Năm 2018, doanh thu từ 2,5 ha cây ăn quả đạt gần 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng. Từ cây ăn quả gia đình có thu nhập ổn định, sắm sửa đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.
Từ trồng cây ăn quả, năm 2018 gia đình ông Nguyễn Tài Lễ lãi hơn 500 triệu đồng
Góp phần giảm nghèo
Hiện, xã Phúc Ninh có 1.405ha cây ăn quả, trong đó, cây bưởi chiếm tới 920 ha, với hơn 1.100/1417 trồng. Thu nhập trung bình từ các hộ trồng cây ăn quả đạt 50 - 100 triệu đồng/năm, có khoảng 300 hộ có thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng, đặc biệt, có tới cả chục hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Một số hộ có diện tích cây trồng và sản lượng lớn đã chủ động liên hệ, gắn kết nơi tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi như: hộ gia đình anh Nguyễn Quang Hiếu, ông Nguyễn Tài Lễ, ông Nguyễn Trung Kiên, ở thôn Yên Sở, hộ gia đình ông Vũ Ngọc Đình, thôn Lục Mùn, hộ gia đình ông Phạm Thừa Toàn ở thôn Khuôn Thống… được thương lái các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội đến đặt mua.
Dự kiến doanh thu từ cây ăn quả năm 2019 của Phúc Ninh đạt từ 170 - 180 tỷ đồng.
Không chỉ giúp hàng trăm người trồng cây ăn quả thoát nghèo làm giàu, mà còn đóng góp rất lớn vào xây dựng NTM.
Bà Khúc Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh, cho biết, thời gian qua nhiều hộ gia đình ở các thôn trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư, tìm tòi và áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng và phát triển cây ăn quả, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Thủy cho biết thêm, từ trồng cây ăn quả xã có nhiều hộ khá giả, đóng góp rất nhiều trong xây dựng NTM. Hết năm 2017, xã mới đạt 8/19 tiêu chí, chỉ trong 1 năm Phúc Ninh đã hoàn thành 11 tiêu chí còn lại, trong đó, nhân dân đóng tới hơn 3 tỷ đồng để xây dựng 8 nhà văn hóa thôn và 6,5km đường nông thôn. Dự kiến hết 2019, xã chỉ còn 6,1% hộ nghèo, thu nhập đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.