Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2019 | 13:42

Liên kết nuôi trâu, bò thịt với tiêu thụ: Cách làm mới ở Tuyên Quang

Mô hình chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Tuyên Quang bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Đơn vị thu mua chủ động được nguồn hàng có chất lượng; người chăn nuôi được bao tiêu đầu ra, lợi nhuận cao và ổn định.

1.jpg
Từ liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm, một lứa nuôi 25 con, gia đình anh Tứ lãi 75-80 triệu đồng.

 

Hiệu quả bước đầu

Nhằm xây dựng và triển khai mô hình nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tháng 8/2017, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang (HTX Tiến Thành) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang (Sở Nông nghiệp và PTNT) xây dựng và triển khai mô hình chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trước khi tổ chức thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cùng các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật về chuồng trại, con giống, thức ăn tinh, thô xanh tại các hộ đăng ký tham gia mô hình.

HTX, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi chủ động cải tạo, đầu tư xây dựng mới chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và HTX Tiến Thành. HTX Tiến Thành cam kết chính sách cung ứng con giống trâu, bò, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung chăn nuôi đầu vào và tiêu thụ toàn bộ số lượng trâu, bò theo đăng ký kế hoạch của người tham gia sau khi kết thúc thời gian chăn nuôi vỗ béo.

Kết quả, từ tháng 9/2017 đến ngày 31/7/2019, HTX Tiến Thành đã ký hợp đồng thực hiện liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt với 17 HTX, tổ hợp tác, số lượng 1.732 con trâu, bò. Đến ngày 31/7/2019, HTX đã thu mua 898 con trâu, bò với giá dao động từ 65.000 đến 74.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đại Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, những năm gần đây, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Từ năm 2017, trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX thực hiện liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm. Sau khi nuôi khoảng 3 tháng, mỗi con trâu cho thu lãi 3-5 triệu đồng.

“Hiện, trên địa bàn tỉnh có 150.000 con trâu, bò, trong đó đàn trâu có trên 100.000 con. Những năm tới, Tuyên Quang sẽ mở rộng quy mô đại gia súc, đặc biệt là đàn trâu, bò. Tỉnh đã xây dựng đề án, tới đây sẽ có những chính sách hỗ trợ để phát triển. Năm nay, Tuyên Quang dành 5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi nông hộ, trong đó có đàn gia súc”, ông Thành nói.

Mô hình đáng để học tập

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyên nông Quốc gia cho rằng, mô hình liên kết chăn nuôi vỗ béo trâu, bò tại Tuyên Quang bước đầu đạt được kết quả khá cao. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm đã được HTX bao tiêu, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Đây là mô hình đáng để các địa phương tham quan, học tập và nhân rộng.

Cụ thể, anh Nguyễn Văn Hỹ ở thôn Liên Nghĩa, xã Quang Vinh (Chiêm Hóa), cho biết: Gia đình nuôi trâu vỗ béo 2 năm nay. Ban đầu chỉ có 2 con, về sau thấy thu nhập ổn định lại ít dịch bệnh, gia đình quyết định tăng đàn lên 8 con. Nuôi theo mô hình liên kết, chúng tôi không phải lo đầu vào, đầu ra mà có HTX Tiến Thành lo toàn bộ hai khâu này.

Cũng theo anh Hỹ, gia đình đã nuôi 3 lứa trâu, mỗi lứa 3 tháng, sau 3 tháng vỗ béo, trừ chi phí, thu lãi 4-5 triệu đồng/con, số tiền lãi 3 lứa trâu được gần 50 triệu đồng. Dự kiến 8 con trâu tới đây bán sẽ cho lãi 40 triệu đồng.

Với quy mô lớn hơn, anh Lê Văn Tứ, Giám đốc HTX Tiến Quang cho biết, HTX thành lập cuối năm 2017, gồm 7 thành viên, quy mô nuôi 30 con trâu, bò; nay tăng lên 35 thành viên, số lượng 350 con. Nuôi theo chuỗi liên kết, nhiều hộ có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.

Theo anh Tứ, ban đầu gia đình chỉ nuôi 12 con trâu, bò, nay tăng lên 50 con. Trừ chi phí, anh thu lãi 75-80 triệu đồng/lứa.

Chia sẻ một số thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Tiến Thành, cho biết, nguồn trâu, bò giống chủ yếu nhập và mua từ các địa phương trong nước. Con giống được kiểm tra từ chiều cao, cân nặng, cho đến các chỉ số phải đáp ứng thì HTX mới nhập vào cho các thành viên nuôi. Trước khi đưa vào chăn nuôi, HTX đã ký hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm với các HTX, tổ hợp tác.

“Khi nuôi, chúng tôi yêu cầu tất cả các nguyên liệu, xử lý về kháng sinh, dịch bệnh phải theo đúng quy trình. Trước khi đưa ra thị trường phải nói không với thuốc kháng sinh và tất cả các chất cấm trong chăn nuôi. Dự kiến năm 2019, HTX cung cấp cho các thành viên 1.500 - 2.000 con trâu, bò để vỗ béo. Sau khi đủ điều kiện, trâu, bò được HTX thu mua lại, đưa đi xuất khẩu (60%) và tiêu thụ trong nước (40%)”, ông Oanh nói thêm.

 

2.jpg
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm, đánh giá mô hình liên kết nuôi vỗ béo trâu bò thịt tại xã Vinh Quang.

 

Ông Phạm Văn Cầu, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Quang cũng thừa nhận, tham gia chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trừ chi phí, người nuôi lãi 4,5-5 triệu đồng/con/lứa 3 tháng. Hộ nuôi ít nhất cũng 5 con, trung bình thu lãi gần 30 triệu đồng/lứa.

Tháo gỡ khó khăn

Nói đến những khó khăn trong quá trình áp dụng mô hình chuỗi liên kết, ông Lê Văn Tứ, Giám đốc HTX Tiến Quang cho biết, HTX đang trên đà phát triển, nhưng khó khăn nhất đang gặp phải là nguồn vốn. Đa số các thành viên đều đi vay vốn ngân hàng, trong khi đất đai thế chấp có giá trị thấp.

“Gia đình xây dựng chuồng trại hết 500 triệu đồng, phải đi vay ngoài 300 triệu đồng. Rất mong các ban, ngành vào cuộc tìm cách tháo gỡ để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cùng với đó tăng cường hướng dẫn, tập huấn người nuôi về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh”, ông Tứ kiến nghị.

Ông Hoàng Văn Oanh cũng đưa ra bài toán, mỗi con trâu, bò mua về để nuôi vỗ béo có giá 16 - 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn cũng khá tốn kém. Chuồng nuôi nhốt khoảng 10 con thì cũng cần 30 - 40 triệu đồng, như vậy, chăn nuôi trâu, bò cần có nguồn vốn khá lớn.

Chia sẻ khó khăn từ nguồn vốn, bà Hạ Thúy Hạnh thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Khó khăn về nguồn vốn là khó khăn muôn thuở, các hộ tùy vào nguồn tài chính, quy mô chuồng trại, quy mô diện tích trồng cỏ mà nuôi số lượng phù hợp. Kỹ thuật vỗ béo trâu, bò không phải là quá phức tạp. Khi nuôi vỗ béo  trâu, bò quy mô lớn, ví dụ 50 con chẳng hạn, lúc này người dân phải tự trang bị cho mình những kiến thức về chăn nuôi.”

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng nêu rõ thực tế qua kiểm tra các địa phương thấy một số hộ nuôi tận dụng nên chuồng trại nuôi chưa đạt yêu cầu. Người dân khi thực hiện nuôi vỗ béo trâu, bò cần tập trung hơn nữa về nguồn lực để làm lại chuồng trại đảm bảo theo yêu cầu. Vào mùa rét, bà con cần chủ động dự trữ thức ăn, đảm bảo tăng hàm lượng dinh dưỡng trước khi đưa trâu, bò vào vỗ béo.

“Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, giúp bà con nắm vững, từ đó có cách chăm sóc hợp lý. Trong quá trình nuôi, người dân nên thu gom phân, rác thải để làm sao chuồng trại luôn sạch sẽ, từ đó trâu, bò có trạng thái sinh trưởng tốt nhất và đạt tăng trọng cao nhất”, bà Hạnh nói.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top