Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 10 năm 2020 | 14:57

Người đặt nền móng cho vườn mẫu ở Hà Tĩnh

Ai đã từng gặp ông, nói chuyện với ông, đều có chung nhận xét: người vô cùng tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì phong trào.

Cũng nhờ thế, trên các cương vị công tác, ông đều để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp và nhân dân - Đó là Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Hà Tĩnh TS Nguyễn Xuân Tình.

 

t26.jpg
TS. Nguyễn Xuân Tình luôn hết lòng với công việc, luôn tìm tòi, sáng tạo.
 

Con người của công việc

Làm lãnh đạo phải sáng tạo, gắn với thực tiễn và không ngừng học hỏi. Đó là chia sẻ của ông khi kể về những năm tháng gắn bó với phong trào, với người dân Hà Tĩnh. Ông quan niệm, làm khoa học, nông nghiệp là không tự bằng lòng với chính mình, với những kết quả đã đạt được mà phải luôn trăn trở, tìm tòi để đưa phong trào đi lên, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Từ suy nghĩ đó, hơn 25 năm gắn bó ngành khoa học công nghệ ông đã cùng anh em luôn sâu sát, lặn lội với cơ sở để chọn việc cần làm, việc cần tháo gỡ.

Tham gia hoạt động chính trị từ thời niên thiếu. Đã từng là một người lính, tốt nghiệp đại học nông nghiệp, nghiên cứu sinh tại Liên Xô, là người đã từng kinh qua công tác quản lý, từ cấp phó, Trưởng phòng, đến giám đốc Sở Khoa học công nghệ Hà Tĩnh, Tiến sĩ về ngành nông nghiệp. Đất Hà Tĩnh nơi nào cũng có dấu chân ông, ông luôn sâu sát, lăn lộn với phong trào, với cơ sở. Theo ông đó là những năm tháng thật sự có ý nghĩa. Làm công tác khoa học, nông nghiệp giúp ông hiểu sâu sắc và hun đúc tình cảm với đất nước, quê hương, với những người nông dân chân chất, thật thà. Ông cho rằng “Hà Tĩnh có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vườn, chỉ là tài nguyên chưa được “đánh thức”.

Gắn bó với ngành nông nghiệp nên tôi có nhiều dịp được đồng hành với ông trong những chuyến đi và cũng hiểu hơn về nhân cách và lối sống của ông. Một con người bình dị, mẫu mực, liêm khiết, hoà đồng với mọi người trong cuộc sống nhưng rất nghiêm khắc với công việc và với chính bản thân mình.

 

t26a.JPG
TS. Nguyễn Xuân Tình (người bên trái), người đã “đánh thức” vườn mẫu ở Hà Tĩnh.

 

Trong suy nghĩ của ông, nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ việc, ông vẫn tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học có giá trị, năm 2007 ông được tín nhiệm giới thiệu đảm trách chức vụ Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Hà Tĩnh.

Vườn mẫu ở Hà Tĩnh: Điểm khởi đầu

Về xã Tượng Sơn (Thạch Hà), địa phương đi đầu phong trào xóa bỏ vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu của Hà Tĩnh. Giữa nắng hè đổ lửa, Tượng Sơn vẫn một màu xanh tươi của các loại rau, cây trái chín mọng, trĩu quả. Từng luống rau, hàng cây ăn quả được quy hoạch khoa học, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm được người dân ứng dụng rộng rãi.

“Người dân Tượng Sơn đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa khoa học kỹ thuật, chọn giống, cải tạo đất, thâm canh đạt năng suất cao. Đặc biệt, sản phẩm rau, củ, quả Tượng Sơn đã được cấp chứng chỉ VietGAP. Đến nay, toàn xã có hơn 250 vườn hộ có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm; gần 300 vườn cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm… góp phần đưa thu nhập đầu người bình quân toàn xã tăng lên 45 triệu đồng/người/năm. Bây giờ, phát triển và xây dựng vườn kiểu mẫu không chỉ trở thành nhu cầu mà còn là niềm vui của mỗi người dân và chúng tôi thật sự rất biết ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tình. Chính ông là người đặt nền móng cho vườn mẫu ở Tượng Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung”, ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn phấn khởi chia sẻ.

 

t27.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tình tâm niệm: Với cuộc sống và phong trào biết bao điều phải lo, phải nghĩ, với người làm công tác Hội, thì việc khó nhất là phải biết bắt đầu từ cái gì và để lại cái gì cho dân tin. Và rồi, từ niềm tin được nhân lên đó, lại nghĩ cái bắt đầu và cái để lại lớn hơn, hiệu quả hơn. Từ suy nghĩ ấy, ông đã  tham mưu ban hành bộ tiêu chí cụ thể cho mỗi vườn mẫu và khu dân cư mẫu; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng; chọn điểm làm trước để rút kinh nghiệm, từ đó để nhân rộng; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế vườn, trang trại nhằm giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế; xây dựng Bộ tiêu chí vườn mẫu.

Ông đi từng ngõ, gõ từng nhà, bám cơ sở, giải thích cho người dân hiểu về vai trò của vườn mẫu, sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu theo chủ trương của tỉnh.

Nhờ sự kiên trì của ông mà phong trào xây dựng vườn mẫu được các địa phương hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi, lan tỏa, tạo thành một phong trào rộng khắp. Ông đã trực tiếp hướng dẫn cụ thể cho từng hộ quy hoạch lại vườn, bỏ những cây giá trị kinh tế thấp, tư vấn đưa các loại cây con vào sản xuất phù hợp cho từng đối tượng. Những vườn có diện tích rộng, ông khuyến khích trồng cây ăn quả, vườn diện tích nhỏ, trồng rau màu. Hàng nghìn khu vườn hoang tạp, nhếch nhác đã “lột xác”, thay đổi tổng thể từ cảnh quan đến hiệu quả kinh tế. Các địa phương ngoài ứng dụng công nghệ vi sinh đã ứng dụng công nghệ hữu cơ trong xây dựng vườn kiểu mẫu hướng tới một nền nông nghiệp sạch, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, điển hình như xã Tượng Sơn (Thạch Hà), xã Hương Trà (Hương Khê), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)...

Với những cách làm cụ thể, trong 3 năm (2014 – 2016) Hội đã chủ trì phối hợp với Văn phòng điều phối NTM xây dựng 700 vườn mẫu, năm 2017 – 2019 tham gia xây dựng 300 vườn mẫu. Vườn mẫu ở Hà Tĩnh không chỉ xanh, sạch, đẹp mà còn có thu nhập cao. Năm 2017 – 2018 ông đã tham gia đồng chủ trì cuộc thi Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu nhằm khuyến khích, động viên phong trào. Ông còn tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Sau hội nghị, mô hình, cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh đã được một số địa phương học hỏi, nhân rộng.

Xuất thân là người lính, nhà khoa học ông sống có sự mực thước, mô phạm. Và ẩn sâu trong con người ông, vẫn là cái chất bao đời của người Xứ Nghệ, có tầm hiểu biết rộng, luôn tìm tòi, sáng tạo và cẩn trọng trong công việc cũng như trong nghiên cứu khoa học.

Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng ông lúc nào cũng như con ong vẫn luôn cần mẫn, kiên trì làm việc để tạo nên những giọt mật ngọt cho đời, Chủ tịch Hội Làm vườn Hà Tĩnh TS Nguyễn Xuân Tình vẫn miệt mài với những chuyến đi, cùng nông dân bàn cách xây dựng vườn mẫu theo mô hình sản xuất hữu cơ, VietGAP, nghiên cứu khoa học. Bởi, với ông, được cống hiến chính là để mình được sống ý nghĩa hơn và sự hy sinh đó của ông đã được các lớp cán bộ, những người dân Hà Tĩnh trân trọng, quý mến.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top