Sau những ngày vui Xuân đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôi quay trở lại vùng đất Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nội) để gặp lại những người trồng quất cảnh sau một cái Tết sung túc, ấm no khi số quất trong vườn được tiêu thụ gần hết dịp Tết vừa qua.
Nghề “đánh bạc với ông trời”
Đi trên con đường đê sông Hồng những ngày sau Tết Nguyên đán, không còn thấy quang cảnh tấp nập người mua về vùng đất Tàm Xá để lựa chọn cho mình những cây quất ưng ý nhất, cũng không thấy những chiếc xe máy chở những cây quất sum suê quả vàng sai trĩu trịt mang đi khắp thành phố.
Vào vườn quất của gia đình chị Nguyễn Thị Toan, thấy tôi, chị lại vui vẻ chào mời. Sau chén trà nóng, chị Toan chia sẻ, Tết Hà Nội năm nay hơi lạ, gần đến giao thừa có một trận mưa rào to khủng khiếp, thậm chí có cả mưa đá nữa. Rất may là gần giao thừa mới mưa chứ mưa như thế trước đó chục ngày thì người trồng quất chúng em coi như mất trắng.
Làm nghề trồng quất cảnh này như đánh bạc với ông trời, có năm thành công, nhưng cũng không ít năm thất bại, với thời tiết diễn biến phức tạp như thế này thì không biết như thế nào anh ạ. Mưa thuận gió hòa thì quất cho trái đẹp, chín vàng, nhưng nếu mưa không thuận, gió không hòa là bao nhiêu công sức đổ xuống sông hết.
Chị Toan cho biết thêm, năm qua nhờ có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc quất được đúc kết từ khi gia đình trồng quất đến nay, gia đình cũng tiêu thụ được gần hết số quất cảnh, thu nhập cũng khá. Sau Tết, gia đình lại phải làm đất để chuẩn bị đảo quất cho lứa mới, phục vụ cho người tiêu dùng Tết năm sau.
Gặp vợ chồng anh Lê Đức Thọ đang làm đất để chuẩn bị cho lứa quất mới, chúng tôi được anh chị cho biết, quất là cây cảnh không chịu được nước, trồng quất cũng lắm công phu. Cứ mỗi khi hết Tết là người trồng quất lại phải khẩn trương làm đất và tiến hành đảo quất, việc đảo quất được thực hiện vào khoảng tháng 2 âm lịch.
Sau đó là thời gian cắt tỉa những cành quất cho vào đúng khuôn, dáng, đến tháng 5 âm lịch là thời gian bắt quất. Đây là thời điểm quan trọng nhất, bởi bắt quất diễn ra chỉ từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, đến tết âm lịch trái quất sẽ chín vàng; còn nếu chậm hơn, coi như là hỏng, đến lúc đó những trái quất ra sau thời gian tháng 7 âm lịch sẽ rất nhỏ và không chín.
Giàu lên từ quất cảnh
Anh Lê Đức Thọ cho biết, kể từ khi trồng quất cảnh đến nay, tư duy sản xuất của người dân Tàm Xá thay đổi khá nhiều, nếu trước kia chủ yếu chỉ trồng cây màu như khoai, ngô, thu nhập không đáng là bao, thì nay thu nhập từ cây quất tăng gấp nhiều lần, số hộ khá - giàu tăng lên rất nhiều.
“Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn bộ hệ thống đường trong xóm đều do người dân đóng góp xây dựng. Về Tàm Xá, anh sẽ biết, đường làng sạch sẽ, rộng thênh thang”, anh Thọ nói.
Tuy nhiên, anh Thọ cũng chia sẻ, nhiều gia đình ở Tàm Xá giàu lên từ quất nhưng cũng không ít hộ do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật trồng quất lại gặp phải năm thời tiết bất lợi, hiệu quả mang lại không như mong muốn.
Anh Thọ và những người trồng quất tại Tàm Xá mong muốn được cải tạo lại đất trồng quất nhưng chính quyền xã lại không cho phép. Theo ông Thọ, đất trồng quất phải được thay thế hàng năm, có như vậy, cây mới phát triển được.
“Chúng tôi chỉ xúc lớp đất phía trên bề mặt của ruộng trồng quất mang đi sang vườn khác để tái sử dụng, sau đó mang đất màu về đổ lên để trồng quất cho vụ sau, nhưng chính quyền xã không cho phép”, anh Thọ nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Vân, Chủ tịch UBND xã Tàm Xá, cho biết, không phải chính quyền xã không cho phép cải tạo đất trồng quất, mà chúng tôi yêu cầu bà con không được làm biến dạng thổ nhưỡng ở đây, cụ thể là nhiều gia đình đã xúc đất quá sâu, chủ yếu là đất màu, sau đó đem đất đó đi bán...
Nếu gia đình nào thực hiện đúng việc cải tạo đất, không làm biến dạng hay thay đổi thổ nhưỡng thì UBND xã cho phép chứ không phải ngăn cản. Việc làm này của chính quyền là bảo đảm giữ được chất đất để nhân dân trồng quất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Một năm mới đã bắt đầu, những người dân Tàm Xá đang khẩn trương làm đất để vào vụ quất mới. Trên những vườn quất, tiếng máy cày xen lẫn tiếng cười lại vang lên, hy vọng một mùa quất mới bội thu cho nhân dân ở đây.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.