Thời điểm này năm trước, tôi về vùng đất ven con sông Hồng thuộc xã Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nội) để tìm hiểu về nghề trồng quất cảnh của người dân nơi đây.
Đứng trước khu trồng quất đang khoe sắc, tôi nhận thấy việc bà con chuyển đổi từ rau màu sang trồng quất là hướng đi sáng tạo.
Quất không phụ lòng người
Năm nay, tôi quay trở lại thăm vườn quất của gia đình chị Nguyễn Thị Toan. Sau câu chào và lời mời đon đả của chị, tôi ngồi xuống bàn uống nước.
Chị vẫn nhận ra tôi à? Đáp lại câu hỏi của tôi, chị nở nụ cười giòn tan: Nhớ chứ, nhớ cả bài báo mà nhà báo viết về vùng trồng quất Tàm Xá của chúng tôi.
Nói thật với nhà báo, nông dân chỉ biết quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chỉ chú tâm vào công việc trồng trọt, mong sao cả năm vất vả để cuối năm có những cây quất ưng ý bán cho người chơi quất, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về mà thôi, chẳng biết làm thương hiệu gì cả.
Năm ngoái có bài báo của nhà báo viết về những người trồng quất ở Tàm Xá, chúng tôi đem khoe suốt đấy.
Không biết chị Toan có nói thật hay không nhưng đối với người làm báo về mảng nông nghiệp như chúng tôi, giúp được bà con là chúng tôi vui rồi.
Rồi tôi hỏi chị, năm nay trồng quất thế nào? Đã có nhiều người đặt mua chưa? Trả lời cho câu hỏi của tôi, chị Toan cho biết: Vườn nhà ai thì tôi không biết, nhưng vườn quất nhà tôi thì đã có khách đến xem và đặt rồi. Họ chỉ chờ đến gần Tết là đến mang quất về.
Theo chị Toan, năm nay quất ở Tàm Xá có kém hơn một chút, tuy nhiên, vườn nhà chị vẫn đẹp như mọi năm, quả to, tròn mọng, lộc lá sum suê. “Đẹp hay không đều do người trồng. Mình trồng nó để nó nuôi sống mình, nếu chú tâm vào việc chăm sóc cho quất thì làm sao cây phụ lòng mình” chị Toan nói.
Với diện tích hơn 4.000m2, chị Toan đầu tư khá nhiều tiền của và công sức trồng hàng trăm cây quất cảnh. Theo chị, nghề trồng quất cảnh tại Tàm Xá bắt đầu khoảng 10 năm nay. Xuất phát từ việc trồng rau màu hiệu quả kinh tế thấp, trong khi bên kia sông là vùng đất Tứ Liên (quận Tây Hồ) nổi tiếng với làng trồng quất từ lâu đời, cũng cùng con sông Cái (sông Hồng) mà họ trồng được mà sao mình không?
Mạnh dạn chuyển đổi từ rau màu sang trồng quất cảnh, những năm đầu gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật nên không ít thất bại. Tuy nhiên, nhờ ham học hỏi, gia đình chị Toan và nhiều hộ khác dần tiếp cận phương pháp trồng, chăm sóc quất.
Theo chị Toan, nếu quất được mùa, mỗi năm các hộ ở đây thu lãi hàng trăm triệu đồng, cao hơn nhiều làm màu trước đây.
“Chiếm cảm tình” người mua
Trong lúc trò chuyện, chị Toan phải tiếp một người khách sang tìm mua quất để trưng Tết. Qua trao đổi, được biết anh là Nguyễn Văn Thắng ở phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Hỏi nguyên nhân vì sao anh phải sang tận Tàm Xá lựa chọn và mua quất, anh Thắng cho biết. Những năm gần đây, gia đình tôi hay sang đây mua quất, lý do là quất ở đây cây to, nhiều lộc, hoa và lá rất xanh. Mặc dù chưa thể bằng quất Tứ Liên truyền thống, nhưng quất tại đây được người dân chăm sóc và để tự nhiên, không gò, ép, buộc cành, phù hợp với gia đình có không gian rộng.
Anh Thắng cho biết thêm, mọi năm, nhiều người hay sang đây mua, nhưng do đi vào gần Tết nên nhiều cây ưng ý không còn, vì vậy, năm nay tôi quyết định đi chọn sớm.
Nếu được chú trọng đầu tư, chăm sóc tốt, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương, tôi nghĩ quất Tàm Xá sẽ theo kịp quất của Tứ Liên nổi tiếng của Thủ đô, vì thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không kém gì bên đó.
ông Nguyễn Hữu Vân, Chủ tịch UBND xã Tàm Xá, cho biết, xã đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế. Hàng năm, huyện Đông Anh vẫn có các chương trình giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân kỹ thuật trồng quất và một số cây có giá trị cao khác, để cây quất có thương hiệu.
Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, Tàm Xá được huyện quy hoạch thành khu vực trồng cây cảnh có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là quất cảnh. Với lợi thế về thổ nhưỡng phù hợp cho cây quất phát triển, huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để bà con chuyển đổi cây trồng, tích tụ ruộng đất.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Đông Anh sẽ trở thành quận. Hy vọng, với sự quan tâm và đầu tư của chính quyền, sự mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng của người nông dân, Tàm Xá sẽ trở thành trung tâm cung cấp quất cảnh cho nhân dân Thủ đô mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.