Những ngày đầu tháng 6 này, vải thiều sớm ở Thanh Hà (Hải Dương) đang chín rộ. Sản lượng vải quả giảm đáng kể so với năm trước. Bù lại, đầu vụ, vải đang được giá. Bởi thế, nhà vườn nơi đây có được niềm vui mùa thu hoạch.
Một điểm thu mua vải thiều sớm ở Thanh Hà.
Vải sớm được mùa, được giá
Tại thời điểm này, Thanh Hà có 3.927ha vải thiều, giảm hơn 1.000ha so với năm 2003, trong đó vải sớm chiếm 1.000ha. Những năm 1999- 2000, sản lượng vải quả tươi của huyện đạt hơn 10.000 tấn; giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tính ra nhà vườn thu khoảng 15-20 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) từ trồng vải, gấp 5-6 lần so với cấy 2 vụ lúa/năm. Cùng lúc đó, cả nước rộ lên phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Bắt nhịp phong trào này, nông dân Thanh Hà chuyển mạnh từ cấy 2 vụ lúa sang lập vườn trồng vải thiều, đưa diện tích vải năm 2003 đạt hơn 5.000ha.
Thế nhưng, thật buồn là, khi diện tích mở rộng, cây vải gặp thời tiết tốt phát triển nhanh thì cũng là lúc thị trường bất lợi, rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”. Liên tục trong các năm từ 2001 đến 2003, vải thiều bán rẻ như cho. Có lúc vào kỳ thu hoạch rộ, vải quả tươi chỉ đứng ở mức giá 4.000 đồng/kg, khiến nhà vườn thua lỗ. Bởi thế, chẳng ai bảo ai, dẫu nhọc nhằn lập vườn trồng vải vẫn phải ngậm ngùi phá bỏ chuyển qua trồng cây khác như cam, chanh, ổi, quất...; diện tích vải của huyện lại giảm nhanh.
Một số nhà vườn có kinh nghiệm ở 6 xã khu Hà Đông khi phá vải thiều chính vụ đã trồng thay thế vải sớm, với các giống u trứng, u hồng, u thâm. Trên những mảnh vườn “bờ xôi ruộng mật’ nơi đây, cây vải sớm tỏ ra thích nghi tốt, phát triển nhanh; 2-3 năm sau đã cho quả bói. Năm nay, thời tiết không thuận, song vải sớm ít chịu ảnh hưởng tác động, nên vẫn ra hoa, đậu quả tốt. Sản lượng ước đạt 13.000 tấn, tăng khoảng hơn 20% so với vụ vải năm trước.
Đầu vụ thu vải u trứng, nhà vườn bán vải quả tươi với giá 35.000 đồng/kg, cá biệt vải chọn quả còn bán được tới 40.000 đồng/kg. Mặc dù giống vải này năng suất thấp hơn nhiều so với vải chính vụ, nhưng do được giá nên mỗi sào vẫn thu lãi 15 - 20 triệu đồng.
Hiện tại, khu Hà Đông đang thu hoạch 2 loại vải sớm còn lại là u hồng và u thâm. Đây là 2 loại vải nhận được đơn đặt hàng của những bạn hàng khó tính trên thị trường thế giới. Theo một số thương nhân đầu mối, họ đang tích cực kiểm tra chất lượng, để gom hàng xuất sang Đức, Mỹ và Australia. Thị trường nội địa cũng đang tiêu thụ mạnh 2 loại vải này, giá bán quả tươi tại mỏ cân của thương lái đạt bình quân 25.000 đồng/kg. Với giá bán này, nhà vườn cầm chắc lãi hơn 10 triệu đồng/ sào.
Cần thâm canh tốt hơn nữa
Còn gần 1 tháng nữa vải thiều chính vụ ở Thanh Hà mới cho thu hoạch. Năm nay, do rét muộn, cây phân hóa mầm hoa kém, khi gặp mưa xuân, vải chính vụ vừa ra hoa, vừa phát lộc non. Đây là nguyên nhân chính khiến sản lượng vải chính vụ giảm khá nhiều so với năm trước. Do vậy, diện tích vải chính vụ (gần 3.000ha) mặc dù gấp 3 lần diện tích vải sớm, sản lượng chỉ ước đạt 13.000 tấn, giảm 4.000 tấn so với năm trước. Mặc dù vậy, huyện vẫn chuẩn bị 10.000 túi hàng (chứa tối đa 5kg quả/túi) chuyển về các vùng trồng vải, giúp nhà vườn đóng gói, bảo quản và vận chuyển vải đi tiêu thụ
Nhận thức rõ vải thiều là sản phẩm thế mạnh của huyện, bên cạnh việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu độc quyền, mấy năm gần đây, Thanh Hà đã chú trọng đến việc hướng dẫn nông dân thâm canh vải thiều theo hướng “thực hành nông nghiệp tốt” (VietGAP). Vẫn biết thay đổi phương thức quảng canh từ tập quán canh tác lâu đời của nông dân sang thâm canh công nghệ cao không phải là chuyện dễ làm một sớm, một chiều. Mặc dù huyện đã mở hàng trăm lớp tập huấn sản xuất vải thiều theo quy chuẩn VietGAP, tất cả nông dân trồng vải đều biết phương thức này, nhưng xem ra, thâm canh vải theo VietGAP vẫn chưa như mong muốn. Hiện toàn huyện mới xây dựng thí điểm 103ha vải thiều đạt chuẩn VietGAP. Trong đó mới có vẻn vẹn 90ha đạt chuẩn xuất khẩu. Có một thực tế, sản phẩm sản suất đạt chuẩn VietGAP và sản phẩm chưa đạt chuẩn giá bán không chênh nhau nhiều. Trong khi đó, năng suất quả sản xuất đạt chuẩn VietGAP lại ngang bằng, thậm chí thấp hơn so với canh tác chưa đạt chuẩn nên nông dân chưa mặn mà áp dụng quy trình thâm canh thực hành nông nghiệp tốt.
Một thực tế khác là, mỗi mùa thu hoạch vải, thương nhân Trung Quốc về tận vườn thu mua, chất lượng sản phẩm, giá cả do họ áp đặt. Nông dân thấy lợi trước mắt vào hùa theo, dẫn đến lơ là thâm canh thực hành nông nghiệp tốt, khiến sản phẩm làm ra khó được bạn hàng khó tính chấp nhận. Cay đắng bởi thua lỗ nặng từ bán vải tươi, vải sấy khô sang thị trường Trung Quốc đã xảy ra. Nhiều thương nhân “vốn chuồn chuồn” ở Thanh Hà đã mắc cảnh trắng tay khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc. Nhưng xem ra, sự cảnh báo rủi ro chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi lại bị lãng quên.
Trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng, nếu vẫn giữ nếp làm ăn xưa cũ thì thất bại là không thể tránh khỏi. Đã đến lúc Thanh Hà cần đẩy mạnh hơn nữa các kênh tuyên truyền đến người trồng vải làm thay đổi căn bản nhận thức thâm canh của họ. Thâm canh cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là con đường ngắn nhất giúp sản xuất đỡ nhọc nhằn hơn lại giàu có và phát triển bền vững. Hy vọng trong tương lai gần, người trồng vải Thanh Hà thấm thía được điều này để sản phẩm của mình có mặt trên các thị trường khó tính cả trong và ngoài nước.
Công Đạo
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…