Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2022 | 18:7

Nguồn vốn tín dụng NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nam

Nguồn vốn tín dụng NHCSXH có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Từ nguồn vốn đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 từ 5,81% xuống còn 1,55%.

Sáng ngày 15/4, Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.
 
Theo Báo cáo kết quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 cho thấy: Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển tải vốn tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tình hình hoạt động của chi nhánh duy trì ổn định và có bước phát triển so với cùng kỳ; đã hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống cho các đối tượng thụ hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, TTATXH  trên địa bàn.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
 
 
Tính đến 31/3, tổng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn là 2.331.288 triệu đồng.Tổng dư nợ các chương trình tín dụng 2.323.459 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,14%. Doanh số cho vay 3 tháng đầu năm 2022 đạt trên 269 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là trên 46.000 người. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,17% tổng dư nợ.
 
Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 11.750 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững; đầu tư mới, cải tạo nâng cấp gần 19.800 công trình nước sạch và vệ sinh, giải quyết việc làm cho gần 2.600 lao động, tạo điều kiện cho hơn 400 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải các nhu cầu thiết yếu phục vụ học tập. Vốn tín dụng ưu đãi cùng với các nguồn vốn hỗ trợ khác đã giúp người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 5.400 lượt lao động; 113 hộ được hỗ trợ về vốn để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 từ 5,81% xuống còn 1,55%.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu quả công tác vay vốn, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách.
 
Đồng thời, đề nghị Hội đồng quản trị, NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xem xét bổ sung thêm nguồn vốn TW cho các chương trình, chính sách tín dụng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người dân; có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý các trường hợp nợ quá hạn…
 
Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch TW Hội CCB Việt Nam,
Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
 
 
Thay mặt Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam, Thượng tướng Phạm Hồng Hương ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hoạt động tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác vốn vay đã có sự phối hợp chặt chẽ, góp phần quan trọng duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng.
 
Đồng chí Phạm Hồng Hương đề nghị, trong thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam cần tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện tăng cường Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định số 1630 của Thủ tướng Chính phủ dành một phần ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH thực hiện vay đối với đối tượng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng NTM trên địa bàn; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của NHCSXH và hoạt động tín dụng chính sách; tham mưu tổ chức tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo NĐ số 78-NĐ/CP ngày 4/10/2022 của CP; chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên Ban đại diện ở cơ sở…
 
Các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung ủy thác; thường xuyên thông tin, tuyên truyền sâu rộng về cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ tới người dân; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nghiệp vụ cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay; tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn.
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top