Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2017 | 1:46

Nghề làm vườn ở quê hương Thánh Gióng

Từ truyền thống chơi và trồng hoa, cây cảnh, người dân xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) đã phát triển thành nghề “hái ra tiền”.

Trong hành trình đưa quê hương Thánh Gióng được công nhận là làng nghề hoa, cây cảnh truyền thống có đóng góp không nhỏ của hội viên Hiệp hội làng nghề làm vườn sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng.

Bà Nguyễn Thị Yên chia sẻ với phóng viên cách chăm sóc,  bón phân phù hợp đối với các gốc cây thiết mộc lan “khổng lồ”.

Phù Đổng là xã nông nghiệp với diện tích đất tự nhiên 1.165.5ha, trong đó đất canh tác có trên 600ha; xã có 13.856 khẩu (3.569 hộ), trong đó có 1.803 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Năm 2009, Hội đồng nhân dân, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã lựa chọn hai mũi nhọn  phát triển kinh tế chính là chăn nuôi bò sữa và làm vườn - trồng hoa cây cảnh.

Trải qua 5 nhiệm kỳ Đại hội, năm 2009, Hội Làm vườn xã đổi tên là Hội Làm vườn - Sinh vật cảnh; năm 2014 là  Hiệp hội Làng nghề làm vườn- sinh vật cảnh xã Phù Đổng. Hội được UBND TP. Hà Nội công nhận; ngày 25/11/2014, được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận Phong tặng danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam (Làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Phù Đổng).

Ban đầu chỉ với 12 hội viên trồng hoa cây cảnh,  làm vườn - ao - chuồng  nhỏ lẻ, với tinh thần vừa học vừa làm, một số lãnh đạo chi hội đã lặn lội từ Nam ra Bắc, thậm chí đạp xe khắp các chợ Đồng Xuân đến chợ Mơ, chợ Bưởi (Hà Nội) để sưu tầm các loại cây con giống, tìm chỗ mua bán cây, làm cây, chơi cây, mua bán trao đổi, tuyên truyền kỹ thuật giâm, chiết, hướng dẫn cách làm cho những người yêu thích làm vườn…. Không bao lâu, Hội đã trở thành địa chỉ uy tín về cung cấp cây giống ở địa phương.

Trong 30 năm qua,  Hội VAC-SVC xã Phù Đổng luôn được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển, bên cạnh đó là sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo của đội ngũ Ban chấp hành Hội các thời kỳ, sự vào cuộc mạnh mẽ của phong trào quần chúng làm kinh tế VAC… Đến nay, Hội có 150 hội  viên ở 5 chi Hội LV-SVC, 1 câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật gồm 30 hội viên, 1 câu lạc bộ trang trại 15 hội viên, 1 HTX dịch vụ bò sữa. Toàn xã có 75% số hộ dân làm vườn trồng hoa cây cảnh, sinh vật cảnh, 3 công ty SXKD dịch vụ cây cảnh, 1 hợp tác xã bò sữa với 800 hộ chăn nuôi 1.800 con bò sữa chất lượng cao, 920 hộ thường xuyên chăn nuôi gia súc gia cầm, làm vườn trồng hoa cây cảnh, cây cảnh nghệ thuật, cây ăn quả…

Bà Nguyễn Thị Cúc đang chăm sóc các chậu hoa dạ yến thảo  trước khi đưa ra thị trường.

Hiện, diện tích vườn cây trồng ước tính trên 50ha, gia súc gia cầm ước trên 25.000 con. Các hộ hội viên đều có thu nhập năm sau cao hơn năm trước, trung bình từ 50 triệu đồng đến 400-500 triệu đồng, cá biệt có hộ thu trên 1 tỷ đồng. Hàng năm đều có từ 10 - 15 người xin gia nhập Hội, các hội viên đạt chỉ tiêu SXKD giỏi, gia đình văn hóa ngày càng cao. Đặc biệt năm 2013-2014, Hội đã thành lập CLB Trang trại với 17 hội viên, là thành viên Câu lạc bộ trang trại Việt Nam.

Để làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hội viên trong Hội đã thành lập doanh nghiệp, chuyên cung cấp, kinh doanh hoa, cây cảnh như Công ty TNHH Thủ Đô Xanh, Công ty Kiến trúc phong cảnh Phù Đổng Xanh, Công ty Cỏ Xanh, Công ty Dịch vụ thương mại Thanh Tiền, Công ty Cây xanh Hùng Vương...

Nhằm giúp hội viên phát triển sản xuất ổn định, Hiệp hội luôn quan tâm đến công tác tư vấn, cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, tổ chức tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, triển lãm sinh vật cảnh. Trong những năm qua, Hiệp hội đã• 7 lần tham gia trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh của địa phương tới bạn bè trong nước và quốc tế... “Cũng nhờ chú trọng tìm hiểu thông tin thị trường nên những người làm nghề sinh vật cảnh ở Phù Đổng ít phải chịu thua thiệt. Ví như từ cuối năm 2013, khi thị trường cây cảnh nghệ thuật có phần chững lại, sức tiêu thụ thấp, hội viên chủ động chuyển sang trồng những loại cây công trình, các loại hoa, cây cảnh trồng trong nhà, ban công,... Trồng loại này vốn đầu tư không quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế cũng rất đáng nể đấy”, ông Nguyễn Bá Ngơi, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề làm vườn - sinh vật cảnh xã Phù Đổng, cho biết.

Ngoài ra, Hiệp hội còn liên kết với Hội Nông dân, lực lượng khuyến nông, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tập huấn, hội thảo hướng dẫn hội viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ, tay nghề. Trong 5 năm qua, Hội đã• tổ chức 10 buổi tập huấn cho trên 800 lượt hội viên làm vườn sinh vật cảnh, hoàn thành 5 khóa học nghề ngắn hạn (nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng hoa cây cảnh, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi gia súc ), cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho 150 hộ hội viên; tổ chức 56 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, bò thịt,… Hội cũng đẩy mạnh liên kết với các hội đoàn thể trong xã• tìm và tạo điều kiện cho hội viên vay vốn các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích hội viên mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất mới như nuôi cá, ghép bưởi Diễn trồng chậu, ghép nhiều loại quả trên 1 chậu cây...

Điều đáng ghi nhận ở Hiệp hội Làng nghề làm vườn - sinh vật cảnh Phù Đổng là công tác tổ chức Hội luôn được quan tâm. Ông Ngơi tự hào khoe, không phải đơn vị Hội cấp xã•nào trên địa bàn thành phố cũng có được tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Hội mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi hàng hóa sản phẩm. Những năm qua, Hiệp hội luôn chú trọng kiện toàn tổ chức, 100% số hội viên được phát thẻ hội viên, hàng quý sinh hoạt Ban chấp hành giao ban đến các chi hội theo đúng quy chế hoạt động, thu nộp hội phí đầy đủ, chú trọng phát triển hội viên mới. Từ hiệu quả hoạt động, năm 2010, Hiệp hội được UBND xã• Phù Đổng tạo điều kiện, hội viên, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng trụ sở Hội đầy đủ tiện nghi và 1.500m2 vườn trưng bày giới thiệu sản phẩm của Hội.

Ông Ngơi cho biết thêm: “Sản xuất hoa cây cảnh, chăn nuôi bò sữa là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Với sự lựa chọn, định hướng sáng suốt, Hội đã góp phần xóa đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu, làm đẹp cảnh quan, đời sống nhân dân được nâng cao...; các hộ hội viên đều có thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Ước tính, hàng năm, các hội viên sản xuất được 30 vạn cây nhưng chỉ bán đến tháng 11 là “cháy” hàng.

Ông Nguyễn Bá Ngơi một tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu trong nhiều năm liền của xã Phù Đổng.

Thành công, thành tích của tập thể, cá nhân, cán bộ hội viên hàng năm đều được các cấp lãnh đạo Hội, chính quyền từ Trung ương đến địa phương ghi nhận, quan tâm động viên khen thưởng. Sau 30 năm hoạt động, Hiệp hội có trên 300 bằng khen, giấy khen các loại của tập thể và cá nhân; 5 nghệ nhân làm vườn, 1 nghệ nhân đồ gỗ gia dụng, 1 bảng vàng gia tộc , 1 cờ thi đua giai đoạn 2010-2015, 1 bảng danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam, 2 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển làng nghề Việt Nam.

Đến thăm vườn sinh vật cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, một trong những hộ trồng hoa nổi tiếng của xã Phù Đổng với hàng nghìn chậu hoa các loại, chủ yếu là dạ yến thảo, hoa giấy, phong lan…, chúng tôi thực sự choáng ngợp. Bà Cúc cho hay: “Muốn có 1 chậu hoa đẹp thì phải chăm cây như chăm chính đứa con ruột của mình, bởi vì nghề trồng hoa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Gặp thời tiết mưa nhiều, hoa, lá dễ bị thối, nếu không kịp thời ngắt bỏ những bông hoa, lá bị thối thì cây sẽ kém phát triển, thậm chí có thể chết”.

Hiện, các sản phẩm cây cảnh của gia đình bà đã có mặt tại nhiều sân vườn, các cơ quan, khu công nghiệp, sân golf,  khách sạn, đại sứ quán… trên địa bàn cả nước.  

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông,  ông Ngơi hồ hởi cho hay: “Nhờ cây cảnh, đời sống người dân trong xã không ngừng nâng lên, riêng thôn Phù Đổng có hàng chục tỷ phú, chưa kể triệu phú, nên khi huy động đóng góp làm con đường bê tông này  chỉ vài ngày là đủ kinh phí”.

Bây giờ thì Phù Đổng đã trở thành làng nghề hoa cây cảnh nổi tiếng, người dân tận dụng mọi diện tích đất để trồng hoa, cây cảnh, không chỉ tạo khuôn viên sạch đẹp cho gia đình mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đến nay, 30% hội viên của Hiệp hội có mức thu nhập bình quân 13-20 triệu đồng/người/tháng, 70% hội viên xây được nhà cao tầng, mua sắm các loại tiện nghi đắt tiền, nuôi dạy con ngoan, học giỏi, tiêu biểu như các ông Nguyễn Bá Ngơi, Hồ Quang Hiền, Lê Văn Bồi, Trần Đình Thơm, Nguyễn Xuân Yên, Đặng Văn Tiến , Đặng Tuấn Anh,... Nhưng điều quan trọng hơn là, vai trò của Hiệp hội ngày càng được khẳng định. Theo đánh giá của ông Trần Xuân Tĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Phù Đổng, Hiệp hội làng nghề sinh vật cảnh và trang trại của xã•tập hợp những cá nhân ưu tú, có thành tích sản xuất kinh doanh tốt. Chính họ là những nhân tố quan trọng giúp đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngơi cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục vận động hội viên khai thác hiệu quả vùng đất bãi của xã; tăng cường đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng phong trào do Hội phát động, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, nâng số trang trại từ 18 lên 30 vào năm 2019, nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên; nâng tiền quỹ Hội bình quân 500.000 đồng/hội viên để cho hội viên vay sản xuất, sử dụng tiền lãi đóng Hội phí và duy trì hoạt động Hội; phát triển thêm 100 hội viên mới, duy trì và nâng cao chất lượng hội viên. Duy trì hoạt động, khai thác tốt vườn sinh vật cảnh, tăng cường nâng cao chất lượng, số lượng cây cảnh nghệ thuật, bon sai. Tổ chức triển lãm sản phẩm làm vườn sinh vật cảnh, tổ chức thi tay nghề, đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Phát triển làm và chơi lan, chim cảnh, cá cảnh, đá cảnh, khay chậu cảnh, gỗ lũa,… để hoạt động làng nghề ngày càng đa dạng, phong phú. Điều tra, thu thập về nghề làm vườn, sinh vật cảnh trên địa bàn để tham mưu với lãnh đạo, làm cơ sở phát triển làng nghề. Phát triển trồng đào, quất, các loại hoa lan, hoa Tết, vận động nhân dân nâng cao số lượng, chất lượng đàn bò sữa, gia súc, gia cầm, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thanh Xuân

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top