Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 1 tháng 10 năm 2016 | 10:42

Nhà văn Nguyễn Văn Hồng với cuộc chiến đấu tự nguyện

Sáng 1-10, tại TP. Hồ Chí Minh, Chi hội Nhà văn quân đội Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức giới thiệu tác phẩm ký ức “Cuộc chiến đấu tự nguyện” của đại tá nhà văn Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4.

Sách dày hơn 200 trang, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhà có 5 anh chị em. Ông là con út. Năm ông được 1-2 tuổi thì bố mất, một mình mẹ ông làm lụng nuôi 5 con. Tuổi thơ gian khó nhưng cũng từ đó mà đã tạo cho ông đức tính cần cù, chịu khó và là khởi đầu cho cuộc đời binh nghiệp với bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh của cuộc chiến tranh. Năm 1964, chưa kết thúc THPT, ông trúng tuyển vào quân đội. Đầu năm 1965, ông vào chiến trường miền Nam. Suốt 10 năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, ông trưởng thành từ  lính trinh sát, rồi là chiến sĩ công binh mở đường trong những trận đánh công kiên. Từ đó mà ông trở thành cán bộ chỉ huy từ trung đội lên sư đoàn và quân đoàn, không qua một trường lớp nào. 

Ảnh bìa sách “Cuộc chiến đấu tự nguyện” của đại tá nhà văn Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4

Đại tá Nguyễn Văn Hồng đã đi qua hai cuộc chiến tranh: 10 năm chống Mỹ (1965 - 1975), 10 năm chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Camphuchia, trực tiếp chiến đấu, chỉ huy những trận đánh quyết liệt với quân thù và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Trưởng thành từ một binh nhì, chiến đấu trong đội hình sư đoàn 3 Sao Vàng, thuộc quân khu 5, ông đã đi khắp chiến trường Liên khu 5, với các đối tượng tác chiến: Sư đoàn không vận số 1 Mỹ, sư đoàn Mãnh Hổ, Thanh Long Nam Triều Tiên và các đơn vị thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa tại miền Trung. Sau đó, ông cùng đội hình sư đoàn "thần tốc" trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng tỉnh Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu, với cương vị lúc này là thiếu tá, trung đoàn phó. 

Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất chưa lâu thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tiếp tục. Ông lại lên đường đi chiến đấu Campuchia. Năm 1983, ông đã là một sư đoàn trưởng ở tuổi 38, ngày ấy là một trong những sư đoàn trưởng trẻ nhất trong toàn quân mang hàm đại tá. Năm 1987, ông được giao nhiệm vụ làm chuyên gia sư trưởng cho sư đoàn 179, quân đội cách mạng Campuchia cho đến ngày quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia. Về nước, ông về làm Phó giám đốc Trường Sỹ quan Lục quân 2. Một năm công tác tại Trường Sỹ quan Lục quân 2, ông nhận được quyết định làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4. 

Năm 1995, ông về nghỉ hưu. Năm đó, ông đúng 30 tuổi quân, 50 tuổi đời. 

Từ ngày "gác súng", cầm bút, đại tá Nguyễn Văn Hồng đi tiếp chặng đường còn lại của cuộc đời bằng các tác phẩm văn học. Năm 2000, ông bắt đầu viết. Từ cuốn sách đầu tay năm 2000, đến thời điểm này, ông đã có 9 tác phẩm chính và nhiều tác phẩm in chung với nhiều tác giả khác. Có những tác phẩm tái bản 2-3 lần. Hầu hết các bản thảo đều được nhà xuất bản chấp nhận và phát hành rộng rãi trên toàn quốc. 

Cuốn sách "Cuộc chiến đấu tự nguyện" ông viết về sư đoàn 3 Sao Vàng, thuộc quân khu 5. Đại tá nhà văn Nguyễn Văn Hồng là một quân nhân, có mặt tại chiến trường Liên khu 5 trước khi sư đoàn 3 được thành lập vào ngày 2-9-1965. Từ một chiến sỹ trinh sát, ông đã theo bước chân sư đoàn đi khắp dải đất miền Trung và Tây Nguyên. Giai đoạn kết thúc chiến tranh, trong cuộc hành quân "thần tốc", cùng với các lực lượng, đập tan "Lá chắn thép Ninh Thuận", bắt sống toàn bộ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 quân lực Việt Nam Cộng hòa tại thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, tiến vào giải phóng tỉnh Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. 

Trong cuốn sách "Cuộc chiến đấu tự nguyện", ông viết về các trận đánh diễn ra trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Đối tượng tác chiến là Mỹ, quân Nam Triều Tiên dưới thời tổng thống Pak Chung Hy và các đơn vị thuộc quân đội Sài Gòn thân Mỹ. 

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị ông là đánh phá giao thông, cắt tiếp tế của địch. Song, với yêu cầu của chiến trường, mỗi một đơn vị phải đồng thời tác chiến bằng mọi loại hình chiến thuật, đánh thắng mọi đối tượng tác chiến và mọi nhiệm vụ được giao. Những trận đánh đẫm máu với lính bộ binh và xe tăng Mỹ trong hai mùa khô đỏ lửa, những trận đánh cầu có địch canh giữ, những trận phục kích giao thông tiêu diệt từng đoàn xe địch trên đường 19 là những trận đánh ông được tham gia với vị trí là một tay súng hay cương vị là một người chỉ huy phân đội mà ông đã thể hiện trong các đề mục của cuốn sách là những câu chuyện có thật trong suốt chiều dài cuộc chiến mà ông vẫn còn nhớ và đã được thẩm định qua tài liệu lịch sử của sư đoàn và quân khu cùng nhiều ý kiến của những người trong cuộc. Từ nguồn tư liệu trong cuốn sách, nhiều gia đình liệt sỹ đã biết được trường hợp hy sinh và nơi chôn cất người thân của họ cách đây 30 - 40 năm. Tác giả cuốn sách muốn làm một nhân chứng sống cho một cuộc chiến đã lùi về quá khứ, góp phần tuyên truyền, giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau về một thời kỳ lịch sử mà tầng lớp cha ông đã trải qua, để có được một đất nước như ngày hôm nay. 

Minh Tuấn - Hoài Trung

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top