Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 1 năm 2021 | 14:29

NHCSXH sẵn sàng vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó

Trong bối cảnh năm 2021 tới đây diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, NHCSXH xác định luôn đồng hành, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó trong đại dịch, trong khó khăn.

viet-nam-la-dien-hinh-ve-tin-dung-792018.jpg
Ngân hàng tín dụng chính sách ngày càng trở thành người bạn tin cậy của các hộ nghèo, hộ chính sách.

 

Mặc dù trong năm 2020, tại một số thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục với diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, Ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện tốt kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và góp phần tích cực vào sự ổn định của nền kinh tế, chính trị - xã hội đất nước, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Trong năm 2020, NHCSXH tăng cường công tác huy động nguồn vốn và tập trung thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2020 đạt 233.426 tỷ đồng, tăng 21.532 tỷ đồng so với năm 2019; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 20.315 tỷ đồng, tăng 4.882 tỷ đồng so với năm 2019.

Điển hình một số chi nhánh đạt mức tăng cao như: TP. Hà Nội (+1.154 tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (+854 tỷ đồng), TP. Đà Nẵng (+368 tỷ đồng), Bình Dương (+263 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (+175 tỷ đồng), Đồng Nai (+148 tỷ đồng), Bình Định (+114 tỷ đồng), Quảng Ninh (+112 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (+111 tỷ đồng)... Bên cạnh đó, một số đơn vị tuy ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn quan tâm, tạo điều kiện, dành một phần ngân sách địa phương để ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác như: Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Kon Tum, Đắk Nông...

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2020 đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 19.391 tỷ đồng (+9,4%) so với cuối năm 2019, trong đó dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 194.405 tỷ đồng, tăng 14.400 tỷ đồng (+8%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, NHCSXH nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thực hiện phương án đảm bảo hoạt động liên tục của ngân hàng trong suốt giai đoạn dịch bệnh. NHCSXH cùng NHNN phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Từ đó, có cơ sở triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo quy định. Theo đó, đến hết 2020, NHCSXH đã thực hiện giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 người lao động bị ngừng việc.

Bên cạnh đó, NHCSXH gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 242,7 nghìn khách hàng; cho vay bổ sung 122,9 nghìn khách hàng với số tiền 3.112 tỷ đồng, cho vay mới 1.943 nghìn khách hàng với số tiền 71.585 tỷ đồng.

Năm 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 361 nghìn lao động, giúp hơn 5,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 44,6 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giúp 207 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho hơn 8,5 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 17,3 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; gần 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội…

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ngày 13/11/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới cho NHCSXH.

Trong bối cảnh năm 2021 tới đây diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, NHCSXH xác định luôn đồng hành, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó trong đại dịch, trong khó khăn.

Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021, NHCSXH tiếp tục huy động các nguồn vốn, trong đó, đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống. Tiếp tục chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các cơ quan chức năng, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của NHCSXH đảm bảo hoạt động của toàn hệ thống hiệu quả, an toàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, chú trọng công tác tự kiểm tra trong từng khâu thực hiện quy trình nghiệp vụ. NHCSXH các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra kiểm soát nội bộ và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, triển khai các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp của cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống./.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top