Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 1 năm 2020 | 16:3

Những bài học để thực hiện mục tiêu đưa nông nghiệp ngang tầm thế giới

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2020, chỉ tiêu của ngành nông nghiệp  khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 2,91 - 3%; xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 41,5 - 42 tỷ USD.

nguyen-xuan-cuong.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đi kiểm tra tình hình sạt lở và công tác ứng phó tuyến bờ biển Đông.

 

Ba bài học đáng ghi nhớ

Chia sẻ kết quả ngành nông nghiệp đạt được năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành Nông nghiệp đạt kết quả cao, toàn diện và có bước cải thiện rõ rệt đời sống cho người dân, điều quan trọng là tạo tiền đề để ngành nông nghiệp phát triển.

Nhờ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm qua, ngành đã rút ra những bài học cho năm 2020 và những năm tới.

Đó là, Chính phủ và Thường trực Chính phủ luôn xác định mục tiêu cao nhất (chỉ tiêu tăng trưởng, CPI... trong lúc khó khăn nhất) để xây dựng giải pháp khắc phục kịp thời và đạt mục tiêu cao nhất.

Thường trực Chính phủ đã quyết tâm xử lý các vấn đề nảy sinh một cách kiên quyết. Nhiều hội nghị trực tiếp Thủ tướng và các Phó thủ tướng đều chỉ đạo kiên quyết, nhất là vấn đề thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là vấn đề thương mại với Hoa Kỳ, không có những cuộc bàn bạc, chỉ đạo sâu sắc thì khó gỡ được những vướng mắc.

Năm qua, đi đôi với tăng trưởng, hoạt động của Hội đồng Giá tham mưu cho Chính phủ nhiều nhóm giải pháp nhưng còn chung chung, như tổ chức sản xuất và thương mại, thông tin, gần đây là thực phẩm cuối năm, trong đó có dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn, nhưng chúng ta đồng hành cùng nhóm giải pháp thúc đẩy thương mại, đặc biệt là chỉ đạo từ người đứng đầu Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp vào cuộc, chúng ta đã ổn định được tình hình.

Đây là 3 bài học đáng ghi nhớ trong chỉ đạo điều hành.

Phát triển nền nông nghiệp ngang tầm thế giới

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp vào năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngành cần phải đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp ngang tầm thế giới.

Theo đó, trong thời gian từ nay đến 2030, ngành sẽ chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc.

Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Bên cạnh phát triển các công ty, tập đoàn lớn hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, ngành cũng sẽ chú trọng phát triển các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân.

Ngành sẽ ưu tiên phát triển các mặt hàng mang thương hiệu sản phẩm Quốc gia bằng công nghệ chế biến tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao; đồng thời tập trung phát triển chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất, những ngành hàng là các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia như: gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, sản phẩm chăn nuôi...

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành cũng phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.

Đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất; xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, khuyến khích hình thành các cơ sở nghiên cứu tư nhân và các viện gắn với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, kể cả 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhóm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đều phải coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, đây cũng là một trong những giải pháp quyết định.

Trong sản xuất chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại thì xác định chế biến là khâu đột phá then chốt, có chế biến tốt mới có vùng nguyên liệu tốt, thương mại bán hàng tốt…, từ đó xây dựng chuỗi liên kết.

Năm qua, có nhiều dự án cấp tỉnh lên đến 20.000 tỷ đồng như: Bình Phước, xuất khẩu 50 triệu con gà; Long An có dự án 1.400 tỷ đồng, mỗi năm giết mổ 1,4 triệu con lợn và chế biến sâu ra 30 loại sản phẩm... Đó là sự đột phá khâu chế biến trong chuỗi liên kết.

Riêng về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất ở vùng nông thôn gắn với môi trường là vấn đề cốt lõi. Đề nghị các địa phương tập trung vào 2 vấn đề này.

Thủ tướng đã giao cho ngành Nông nghiệp phối hợp đánh giá, xây dựng định mức kế hoạch nguồn nhân lực tới năm 2025 cho Chương trình xây dựng nông thôn, làm sao phải tăng cường nguồn nhân lực cho khu vực này, nguồn lực trung hạn cũng phải tăng lên để giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới các giải pháp tăng cường ứng phó thiên tai, dịch bệnh ngay từ đầu năm; khắc phục việc thiếu hụt 40 - 50% nguồn nước ở phía Bắc; khắc phục hạn mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam. Đối với thị trường thịt lợn, đang tập trung tái đàn dần ở các tỉnh để tháng 1 không xảy ra thiếu thực phẩm, tránh để chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ngay từ quý đầu năm.

 

Nông thôn mới và đô thị hóa là câu chuyện phát triển bền vững

 

05.jpg

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những thành quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 đã chứng minh rằng, với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó, có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được, đồng thời thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Cụ thể:

Quy mô càng lớn, khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này đã không đúng. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 266 tỷ USD.

“Tôi xin khẳng định, điều này cho thấy, quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại: Điều này cũng đã không đúng. Trong khi các thành phố đầu tàu truyền thống của chúng ta vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước. thực tiễn đã chứng minh, địa phương kém phát triển hơn tăng tốc không hề làm suy yếu cơ hội của địa phương phát triển hơn và ngược lại. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn, góp phần đưa mức sống người dân nông thôn lên một bước cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, diện mạo đô thị ngày càng trở nên hiện đại, tính cạnh tranh được nâng lên. Với những thành quả kinh tế - xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm 2019 thấy: Nông thôn mới và đô thị hóa không phải là câu chuyện lựa chọn, nó là câu chuyện phát triển bền vững và hài hòa theo các nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng XHCN.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

    Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

    Nhiều sản phẩm của nông dân miền Trung đạt chuẩn OCOP nhưng lại gặp khó trong tiêu thụ. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP?

  • Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Những năm gần đây, dựa vào tiềm năng đất đai, khí hậu,… nông dân các địa phương ở Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng vùng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng thương hiệu cho nông sản… Cùng nhau thi đua sản xuất để làm giàu cho gia đình và quê hương.

  • Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Có thời điểm diện tích mía của Thanh Hóa lên tới 32,1 nghìn ha và được xem là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh. Vì lý do khác nhau mà nhiều hộ dân đã phải chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Đâu là hướng đi cho cây mía xứ Thanh?

Top