Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2019 | 14:17

Những điểm sáng nổi bật của ngành NN trong năm “sóng gió”

Năm 2019, ngoài đối mặt với “sóng gió”, thách thức về năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, ngành nông nghiệp còn chịu tác động lớn của nhiều yếu tố dịch bệnh, thị trường, biến đổi khí hậu...

tr6a.jpg
4 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).

 

Song, toàn ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng nổi bật.

8 nhóm mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”

Đánh giá chung những điểm sáng trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, toàn ngành đã nỗ lực duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK)  trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).

Bộ đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao XK  sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy XK  thịt gà chế biến đi Nhật Bản; XK  lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc); XK  mật ong đi EU, Hoa Kỳ. Đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông để XK  thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.

Bộ cũng đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp (DN) trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, với thị trường lớn nhất, truyền thống là Trung Quốc đã thay đổi nhiều chính sách trong nhập khẩu, ngành đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy XK  một số mặt hàng như yến sào, sắn, trái cây, thủy sản...; phổ biến tới cộng đồng DN các thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản tại thị trường này.

Đến nay, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 9 loại trái cây, 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam. Tiêu biểu là Nghị định thư cho mặt hàng sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã đưa sữa tươi gia nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Với thủy sản, tin vui nhất là sau hơn 3 năm nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, tập huấn cho nông dân; xây dựng hệ thống chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam XK  sang Mỹ.

Việc Mỹ công nhận tương đương đối với sản phẩm cá tra này đã giúp Việt Nam bổ sung DN đăng ký XK  cá tra vào thị trường này và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu Mỹ yên tâm nhập khẩu sẽ gia tăng sản lượng, giá trị XK  cá tra vào thị trường này thời gian tới.

Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, kim ngạch XK năm nay có thể đạt 11,3 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra. Cùng với phát triển thị trường, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được ký kết và có hiệu đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam không chỉ với EU mà tất cả các thị trường mà Việt Nam đang có thương mại về lâm sản về sự minh bạch, đảm bảo nguồn gốc sản phẩm hợp pháp và hướng đến bền vững.

Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm 10 - 15%, nhưng tổng kim ngạch XK  nông - lâm - thủy sản dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018 (riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục mới, 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.

Chú trọng phát triển mô hình theo chuỗi

Nhận ra những khó khăn, thách thức từ thị trường, điều kiện sản xuất, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương đã xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các DN trong chế biến, tiêu thụ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

tr6b.jpg

Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018), 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản ATTP theo chuỗi (tăng 93 địa điểm). Đồng thời, Bộ cùng các địa phương, DN đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; Chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.

Năm 2019 đã thành lập mới 6 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), 1.455 HTXNN, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTXNN, 15.434 HTXNN, trong đó có 72,89% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.

Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, DN là đầu tàu

Lực lượng DN nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Năm 2019, số DN NLTS thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN nông nghiệp lên 12.581 DN, tăng 36,23% (NLTS là một trong những lĩnh vực có số DN quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng).

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở ba trục sản phẩm, gồm: nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh;  nhóm sản phẩm địa phương (OCOP).

Theo đó, ở cấp quốc gia, đến nay đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); 8 Khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Cấp địa phương, căn cứ các tiêu chí quy định, cả nước đã có 9 vùng NNUDCNC nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận;  124 khu sản xuất NNƯDCNC do DN đầu tư đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập; và 45 DN nông nghiệp được công nhận là DNNNƯDCNC.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Lựa chọn các DN “đầu tàu” có đủ năng lực (vốn, khoa học công nghệ, thị trường) để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Bộ cũng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông - lâm - thủy sản. Theo đó, ngành nông nghiệp xây dựng Chiến lược phát triển chung về công nghiệp chế biến nông sản và các Đề án phát triển chế biến các ngành hàng có tiềm năng về sản xuất và thị trường tiêu thụ như: rau quả, thủy sản, đồ gỗ,… để định hướng lâu dài cho DN tập trung đầu tư phát triển mạnh những ngành hàng này.

 

Chương trình Quốc gia về XDNTM đã về đích sớm trước một năm rưỡi. Đến hết năm 2019, cả nước có trên 4.806 xã (54%) đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020).

Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xuất hiện địa phương có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 112/664 đơn vị cấp huyện (16,86%) của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 100% số xã đạt chuẩn NTM. 94% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 2% so với năm 2018, tăng 8% so với năm 2015), vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top