Những năm gần đây, chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất,...
Có thể thấy, về lý luận và thực tiễn, tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu phát triển, tạo điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hơi thở mới
Thực tế sau nhiều năm được xem xét và có những mô hình gợi mở, vấn đề mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất đã có hơi thở mới. Vấn đề là cần có cơ chế, chính sách, phương thức và cách làm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của quá trình phát triển để quá trình tích tụ ruộng đất được thực hiện với tính chặt chẽ về pháp lý, hiệu quả về kinh tế và xã hội.
“Muôn hình muôn vẻ”, đó là mô tả của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PNTN Lê Quốc Doanh về thực trạng tích tụ đất đai đã và đang diễn ra. Đây được coi là chủ trương “nóng” trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương, khi nhu cầu đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của nông dân tăng cao, nhu cầu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp, các tổ chức ngày càng lớn.
Trong những năm qua, việc tích tụ ruộng đất được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện với những hình thức và bước đi khá đa dạng và sáng tạo bằng công tác dồn điền đổi thửa; cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; góp ruộng, góp quyền sử dụng đất…
Theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch, để thay đổi mô hình sản xuất có thể tiến hành nhiều cách. Hình thức mua quyền sử dụng đất có ưu điểm là người tích tụ có quyền sử dụng lâu dài, mang tính vĩnh viễn, đất được xem là của họ nên họ yên tâm đầu tư. Nhưng cách này có nhược điểm là cần vốn rất lớn và về mặt xã hội, một bộ phận nông dân sẽ mất đất. Chính vì vậy mà phải đặt ra vấn đề hạn điền.
Trần Du Lịch cũng cho rằng, hình thức thuê thêm đất theo cơ chế, chính sách rõ ràng về giá thuê, thời gian thuê, người nông dân cho thuê đất sẽ không còn đất canh tác riêng, nhưng họ có thể vừa nhận được tiền thuê đất, vừa làm thuê để lĩnh lương trên chính mảnh đất của mình. Như vậy, họ không bị mất đất. Mặc khác, nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất của nông dân thì dĩ nhiên phải chịu thuế, nhưng nếu chỉ thuê thì sẽ được miễn giảm thuế, như vậy sẽ kích thích hình thức thuê.
“Chọn hình thức nào để chuyển đổi thì nên linh động tùy từng lĩnh vực, ngành nghề, từng địa bàn… Về nguyên tắc, chúng ta chỉ nên chống hình thức “phát canh thu tô”, tức là mua rồi cho thuê lại. Còn như trực tiếp kinh doanh, sản xuất ra sản phẩm thì tôi nghĩ là không nên giới hạn quy mô vì thực tế trong lĩnh vực dịch vụ, nhà nước đã đồng ý cho doanh nghiệp khai thác hàng trăm hecta đất để làm resort, làm khu nghỉ dưỡng được thì tại sao vài trăm heca để tập trung sản xuất nông nghiệp lại không được”, TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, nhiều mô hình rất hay, như liên kết sản xuất “cánh đồng lớn”, doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất nhưng vẫn là đất của nông dân.
Họ liên kết với nhau để doanh nghiệp làm “nhạc trưởng” đầu tư cùng một giống, một quy trình canh tác, cùng một sản phẩm như mô hình của Tập đoàn Lộc Trời đã phát triển khá bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long; mô hình của Công ty Đồng Giao (Ninh Bình) liên kết với các nông dân của Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Những mô hình hiệu quả
Thực tiễn thời gian qua ở tỉnh Long An cũng như các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, việc tích tụ ruộng đất đã xuất hiện tại nhiều nơi, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, tạo giá trị nông sản cao, giúp người nông dân làm giàu bằng chính nghề nông.
Tích tụ ruộng đất phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Tại huyện Thoại Sơn - nơi được xem là vựa lúa của tỉnh An Giang, ở đây có nhiều hộ nông dân đang sử dụng từ hàng chục hecta ruộng trở lên. Ông Nguyễn Văn Bé Đời, ngụ ở xã Bình Thành, cho biết: “Thời gian gần đây, nghe đài báo nói nhiều về chuyện tích tụ ruộng đất. Hỏi ra mới biết là Nhà nước đang khuyến khích tập trung ruộng đất. Thời gian tới, nếu được xóa hạn điền, nhiều nông dân sẽ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp”.
Cũng tại An Giang, “đại gia” nông nghiệp Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) được nhắc đến là một trong những người có nhiều đất canh tác nông nghiệp nhất vùng. Nhờ có nhiều ruộng đất, biết đầu tư tiền vốn, khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, gia đình ông đã làm giàu từ chính nghề nông. Không những thế, nhiều hộ nông dân khác trong xã cũng có đời sống kinh tế ổn định thông qua việc liên kết làm ăn với doanh nghiệp.
Tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, việc tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn hơn do đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hạn hẹp, không tập trung. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp và chính sách phù hợp của các cấp chính quyền, đã xuất hiện mô hình nông dân sản xuất lớn, làm ăn hiệu quả nhờ kinh tế trang trại phát triển.
Hà Nam, một trong những địa phương dẫn đầu các tỉnh miền Bắc về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đã quy hoạch bốn khu nông nghiệp ứng dụng mô hình này với tổng diện tích 500ha. Hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến của doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần An Phú Hưng (liên doanh với đối tác Nhật Bản), Công ty Vineco (Vingroup), Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam…
Riêng dự án của Vineco, sau hơn một năm đầu tư, đã có sản phẩm rau sạch bán trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động địa phương, với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty này còn khảo sát gần 100 hộ, nhóm hộ tích tụ từ 1ha đất trở lên với tổng diện tích hơn 200ha để tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ở tỉnh Vĩnh Phúc, cũng đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại, sản xuất, chăn nuôi tập trung như trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, trồng chuối tiêu hồng ở huyện Yên Lạc, trồng dược liệu tại Tam Đảo, trồng cỏ nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường…
Tại Nghệ An, nhờ chủ trương đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 720 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và 62 mô hình cánh đồng lớn. Với gần 358.000 hộ gia đình tham gia dồn điền, đổi thửa, hiện tại tỉnh đã có 91.000ha đất nông nghiệp đủ điều kiện để phát triển sản xuất tập trung; từ đó, năng suất lao động và giá trị hàng hóa nông nghiệp ngày càng cao.
Các địa phương khác như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh…, việc tích tụ ruộng đất diễn ra với nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp và sản xuất trang trại tại các nông hộ…
Tiền đề phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 27 triệu hecta đất nông nghiệp. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân hiện đang quản lý, sử dụng 15 triệu hecta (55,05%); tổ chức kinh tế đang sử dụng hơn 2,7 triệu hecta (10,09%) và các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng hơn 45.000ha chiếm 0,14% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất nông nghiệp đang được sử dụng…
Nhiều địa phương trong cả nước đã và đang tiến hành hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa. Đây là tiền đề quan trọng để tiến hành việc tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.
TP.Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác này. Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được hơn 78.000ha (đạt 102,8% kế hoạch); trong đó 9 huyện, thị xã có diện tích dồn điền, đổi thửa vượt kế hoạch, bao gồm: Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây. Giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 240 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 6 lần so với trước khi chưa thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa.
Tại tỉnh Nam Định, việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung đã phát triển ở nhiều địa phương. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng trăm trang trại với hơn 2.300ha đất sử dụng tập trung, tạo việc làm ổn định cho 3.300 lao động, với giá trị hàng hóa nông sản ước đạt hơn 930 tỷ đồng. Các huyện có trang trại phát triển là Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phát huy hiệu quả cao từ nông nghiệp, thông qua tích tụ ruộng đất. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Phạm Minh Hùng, hiện nay, khu vực Đồng Tháp Mười có nhiều hộ gia đình sử dụng hàng chục hecta đất nông nghiệp, thông qua hình thức chuyển nhượng, hợp tác, liên kết. Khi đã tích tụ được nhiều đất, các nông hộ trang bị máy móc phục vụ sản xuất trên mảnh đất của mình và làm dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con. Lợi nhuận thu được hằng năm hàng tỷ đồng. Không những thế, các nông hộ có đất tập trung còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập ổn định.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương, tích tụ ruộng đất là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chủ trương cụ thể về việc thuê, mua, chuyển nhượng đất nông nghiệp. Cần hỗ trợ người đầu tư tích tụ ruộng đất theo đúng chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
Bài 3: Giải pháp để tích tụ ruộng đất
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.