Năm mới 2020 gõ cửa là lúc Hà Tĩnh chính thức ra mắt 34 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã mới theo Nghị quyết 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy đã và đang được các cấp ở Hà Tĩnh triển khai gấp rút để vận hành thông suốt.
Niềm vui đón xã mới
Từ ngày 1/1/2020, Nghị quyết 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh chính thức có hiệu lực. Theo đó, Hà Tĩnh sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã, giảm 46 xã, hình thành 34 ĐVHC mới. Toàn tỉnh từ 262 ĐVHC cấp xã, nay còn 216 ĐVHC cấp xã.
Trong sắc xuân tươi thắm của đất trời và lòng người hòa quyện, những ngày đầu năm mới 2020, người dân xã mới Lưu Vĩnh Sơn như tươi vui, rạng ngời hơn khi cùng nhau tham dự buổi lễ công bố thành lập xã mới. Đây là thời khắc lịch sử quan trọng, là mốc son đánh dấu sự ra đời xã mang tên Lưu Vĩnh Sơn.
Theo Nghị Quyết số 819 ngày 21/11/2019 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, xã Lưu Vĩnh Sơn ra đời trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của ba xã Thạch Lưu và Thạch Vĩnh, Bắc Sơn. Sau khi thành lập, xã Lưu Vĩnh Sơn có diện tích tự nhiên 41km2, quy mô dân số 12.760 người.
Căn cứ vào các quyết định của Huyện ủy Thạch Hà, sau khi thành lập, Đảng bộ xã Lưu Vĩnh Sơn có 29 chi bộ và 744 đảng viên được chuyển giao từ Đảng bộ cơ sở các xã Thạch Lưu, Thạch Vĩnh, Bắc Sơn.
“Nhập xã, dân sẽ ngái (xa) hơn về địa lý nhưng gần dân, tin dân, giữ được lòng dân thì “ngái” (xa) trở thành gần, xa trận địa lòng dân là mất hết. Cái gì hư ta sửa, hỏng ta xây, mất ta mua lại nhưng lòng dân mà mất thì không mua được. Người dân chúng tôi tin tưởng và hy vọng Ban chấp hành mới vì thế phải là những người tiên phong đi trong lòng dân và đi từ lòng dân. Hiện tại thì đất ruộng mình vẫn cày, đường mình mình đi, có lên trụ sở xa một đoạn cũng không vấn đề gì”, ông Nguyễn Trọng Kỳ, người dân xã Thạch Lưu, phát biểu tại lễ công bố thành lập xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà).
“Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, từ công chức xã tôi được trở thành công chức thị trấn. Từ xưa, xã Thạch Thanh, thị trấn Thạch Hà đã là “láng giềng”, đều có sự giao lưu mật thiết, sáp nhập địa bàn rộng có vất vả hơn nhưng bản thân tôi sẽ nỗ lực phấn đấu để bắt nhịp với công việc, địa bàn mới”, chị Nguyễn Thị Vân, Phó bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Thạch Hà chia sẻ.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người làm việc tại xã, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND ngày 20/8/2019 “Về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2021”, thay thế Nghị quyết số 127/2018/NQ-HĐND, ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh.
“Mức hỗ trợ theo Nghị quyết 164 của Hà Tĩnh cao hơn so với quy định chung của Trung ương và chính sách riêng của một số tỉnh như: Thanh Hóa, Hải Dương...”, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa cho biết.
Chính sách này là một trong những yếu tố quan trọng để hàng trăm cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tình nguyện nghỉ việc. Đến đầu tháng 12/2019, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 184 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đã hưởng chính sách theo Nghị quyết 164. Một số huyện hiện nay cũng đã gửi tiếp hồ sơ cán bộ, công chức xin nghỉ để hưởng chính sách này.
Còn nhiều việc phải “gỡ”
Theo ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, khi 2 hoặc 3 đơn vị về “một nhà”, điều quan trọng là “hiểu biết lẫn nhau”. Các xã sáp nhập dẫu gần nhau về địa lý, tương đồng với nhau về cách thức sản xuất, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những khác biệt nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa địa phương và tín ngưỡng tôn giáo. Bởi vậy, rất cần cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân chung sức làm cho những khác biệt trở nên gần gũi, cùng nhau vì mục tiêu xây dựng xã mới, bộ máy mới ổn định, phát triển”.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn mà các ĐVHC mới phải đối mặt là giải quyết tồn đọng, vướng mắc từ các xã cũ. “Chúng tôi đã rà soát và tiếp tục chỉ đạo, nắm chắc tình hình trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Sau sáp nhập, UBND huyện sẽ giao phòng chuyên môn hướng dẫn cụ thể, có thể thành lập tổ công tác để đồng hành cùng các xã mới, nhất là xử lý vấn đề về đất đai, rà soát đối tượng chính sách, các thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư... Để tạo thuận lợi cho người dân, trước mắt, bộ phận giao dịch tạm thời vẫn làm việc ở trụ sở các xã cũ”, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà cho hay.
Sau sáp nhập, bài toán tài chính cũng không dễ giải. Theo ông Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ: “Nhiều vấn đề tồn tại từ xã cũ chưa được giải quyết nên rất cần tỉnh có sự quan tâm. Nợ xây dựng cơ bản và chi thường xuyên từ các xã cũ, hiện nay không dễ cân đối. Ước tính, trong 21 ĐVHC khi chưa sáp nhập nợ hơn 78 tỷ đồng, trong đó có 6 tỷ đồng chi thường xuyên”.
Theo thống kê, hiện nay các huyện đều đã rà soát diện tích làm việc so với số người làm việc ở các trụ sở. Hầu hết trụ sở các ĐVHC mới ở Hà Tĩnh đều được các đơn vị cấp huyện đưa vào phương án nâng cấp, mở rộng; số ít được dự tính xây mới.
Liên quan đến bài toán cán bộ, công chức dôi dư, theo chủ trương của tỉnh, việc giải quyết sẽ kéo dài đến năm 2025. Với biên độ này, hướng giải quyết của Hà Tĩnh là điều chuyển sang xã khác (khi thiếu nhân sự, ví dụ như có cán bộ về hưu); xét tuyển lên huyện, tỉnh; vận động nghỉ việc hưởng chính sách của Trung ương, tỉnh.
“Việc kiện toàn bộ máy của đơn vị hành chính cấp xã mới hướng tới phục vụ Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, đảm bảo ổn định, tránh gây xáo trộn; đồng thời ngay khi kiện toàn bộ máy, Hà Tĩnh sẽ tập trung chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng, triển khai các phong trào thi đua yêu nước”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.