Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 2 năm 2018 | 16:14

Nông dân khẩn trương xuống đồng gieo cấy vụ Xuân

Sau hơn một tuần nghỉ Tết, nông dân ở nhiều địa phương phía Bắc đang tập trung xuống đồng, gieo cấy lúa vụ Xuân cho kịp khung thời vụ.

Hăng say ra quân sản xuất đầu năm

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước Tết, các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của mạ, mạ chậm lớn. Tuy nhiên, thời tiết hiện thuận lợi hơn cho mạ phát triển, khung thời vụ hiện nay phù hợp để gieo cấy.

Về vụ Đông xuân, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dự kiến, công tác gieo cấy ở các địa phương cơ bản sẽ kết thúc trong tháng 2/2018, đẩy nhanh gieo cấy để muộn nhất là ngày 5/3/2018 sẽ kết thúc. Để đảm bảo lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là giai đoạn làm đòng, trỗ bông trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất và né tránh mưa khi vào mùa mưa.

Tại một số địa phương, công tác gieo cấy đã hoàn thành được 60% như Hải Dương, 40% còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 2/2018. Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng đã gieo cấy được 50 – 60% diện tích lúa Đông Xuân. Các tỉnh ven biển như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình …cũng đang tiến hành gieo cấy, hoàn thành trước tháng 3/2018.

nong-dan.jpg
Nông dân Hải Phòng xuống đồng gieo cấy lúa Xuân.

Bà Vũ Thị Lâm, xã Minh Tân, Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết, từ ngày 27 tháng Chạp tới nay, ngày nào chúng tôi cũng ra đồng để kiểm tra mạ, lật nilon để cây phát triển, làm cứng mạ, sau Tết sẽ gieo cấy.

Bà Lâm cho biết, từ những ngày đầu năm Mậu Tuất, gia đình bà đã ra đồng để kiểm tra mạ, diệt sâu bọ, diệt chuột. Gần Tết, thời tiết ấm nên chuột phát triển mạnh. Toàn xã đang ra đồng cấy mạ dài ngày. Sau ngày mùng 10 tháng Giêng, nông dân cả xã sẽ cấy mạ ngắn ngày. Theo bà Lâm, mùa vụ năm nay có sâu bệnh rầy lưng trắng và dịch chuột. Thời tiết hiện nay tương đối thuận lợi, nhiệt độ không quá thấp, mạ phát triển ổn định, nguồn nước cho mạ cũng đầy đủ.

Còn tại Hải Dương, từ mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương như: Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn… tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân đã nô nức xuống đồng tập trung gieo cấy. Một số nơi tích cực làm đất và gieo cấy lúa chiêm xuân 2018, một số nơi khác, người dân thu hoạch rau màu vụ đông: cà rốt, hành…

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, đến ngày 22/2, diện tích lúa cấy vụ Xuân 2018 toàn tỉnh đạt 7.642 ha, bằng 51% kế hoạch; ngô 2.220 ha, đạt 11% kế hoạch; lạc 1.853ha, đạt 62% kế hoạch; mía 1.795 ha, đạt 21% kế hoạch. Tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm hiện tại ổn định; các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ trên đàn gia súc, gia cầm.

Tại Nghệ An, từ sáng 19/2 (tức mùng 4 Tết), trong không khí mọi người dân đang vui tết, đón xuân, ông Nguyễn Xuân Đường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2018 trong điều kiện thời tiết và những yếu tố khác dự báo sẽ tiếp tục có những bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất.

Phòng trừ sâu bệnh, tránh rét cho cây trồng

may-cay-lua-anh-nguyen-lay1.jpg
Nông dân huyện Vũ Thư (Thái Bình) đưa máy cấy vào hoạt động để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ.

Về sâu bệnh trong vụ Đông xuân, ông Trần Xuân Định cảnh báo, sắp tới thời tiết vũ thủy, mưa phùn nên bà con cần cảnh giác với bệnh đạo ôn.

Tại Nghệ An, nguy cơ sâu bệnh gây hại nhiều, nếu không có các giải phòng trừ đồng bộ ngay từ đầu vụ sẽ dẫn đến bùng phát bệnh, nguy cơ gây mất mùa trên diện rộng.

Lường trước những yếu tố bất lợi trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã chủ động các giải pháp kỹ thuật, trong đó có việc khuyến cáo nông dân có những giải pháp để khắc phục những yếu tố bất lợi, kể cả trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Riêng mạ, gần 99% được gieo phủ nilon, đến thời điểm này mạ phục vụ cho gieo cấy cơ bản đủ. Tuy nhiên, do rét đậm kéo dài làm cho một số diện tích bị ảnh hưởng.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, đối với những diện tích lúa bị chết do thời tiết, sâu bệnh thì phải tiến hành giặm tỉa, bón thúc để cho cây lúa đẻ nhánh và từ đó giặm tỉa lại những diện tích đã bị ảnh hưởng để cây lúa hồi sinh. Khi có đợt rét hại khác, nông dân không nên bón phân khi nhiệt độ dưới 15 độ C.

Theo kế hoạch, vụ Xuân 2018, Vĩnh Phúc phấn đấu gieo trồng diện tích lúa khoảng 33.000ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo trồng được 27.000ha lúa Xuân.

Để phòng trừ các loại sâu bệnh, dịch hại, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, thực hiện đúng các bước chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh đã được khuyến cáo, không bón các loại phân có hàm lượng đạm cao.

Dự báo về năng suất của vụ Đông xuân, ông Trần Xuân Định cho biết, hiện nay, diễn biến thời tiết khá thuận lợi cho cây mạ phát triển, có nhiều dấu hiệu khả quan. Hy vọng năm nay bà con khu vực phía Bắc sẽ có một mùa vụ bội thu.

Đối với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, ông Định cho biết, trong mùa vụ qua, các tỉnh này có lũ về nên đã diệt được chuột, ốc bưu vàng. Do vậy, lúa Đông xuân từ Quảng Nam vào tới Bình Thuận đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lác đác đã có những khu vực thu hoạch lúa, cho năng suất cao.

Để đạt được mục tiêu cho mùa vụ năm nay, ngay từ đầu vụ Đông xuân năm nay, Cục Trồng trọt cũng đã có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc về việc chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2017 - 2018. Theo đó, chỉ đạo che phủ nilon hết 100% diện tích mạ để phòng tránh rét và ngăn chặn xâm nhập của rầy gây bệnh ngay trên mạ.

Khánh Nguyên (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top