Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 3 năm 2018 | 14:38

Nông dân Quế Võ thắng lớn nhờ khoai tây

Quế Võ nằm ở phía Đông tỉnh Bắc Ninh, có vị trí rất thuận lợi về giao thông, có diện tích tự nhiên 15.484ha, trong đó đất nông nghiệp là 8.725ha.

thu-hoạch-khoai-tây.jpg
Bà con nông dân thu hoạch khoai tây.

Huyện có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và cho sản xuất nông nghiệp nói riêng, nhất là cây khoai tây, trong những năm qua, diện tích trồng khoai tây trên địa bàn ngày càng mở rộng do có nhiều lợi thế.

Trên địa bàn huyện Quế Võ, cây khoai tây đã và đang là cây vụ đông chủ lực với diện tích gieo trồng có năm lên đến 1.600ha, chiếm 70% diện tích khoai tây toàn tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù diện tích chỉ bằng 1/10 so với cây lúa, song hàng năm khoai tây cho sản lượng trên 20.000 tấn, mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng cho nông dân.

Việc sản xuất khoai tây cũng chuyển dần từ manh mún, nhỏ lẻ sang  quy mô lớn, tập trung. Năm 2015, huyện đã xây dựng, triển khai đề án thí điểm tổ chức sản xuất, tích tụ ruộng đất thông qua việc thuê, góp quyền sử dụng đất nông nghiệp đồng thời tiến hành xây dựng nhãn hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho khoai tây Quế Võ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Võ, cho biết: Vụ đông xuân 2016 - 2017, diện tích khoai tây của huyện là 1.670ha/ 2.425ha đất có thể trồng khoai tây. Trong đó, khoai tây thương phẩm 1.400ha, khoai tây giống 250ha; trong đó có 11 mô hình tích tụ trồng khoai tây giống và thương phẩm với diện tích 154ha. Diện tích trồng khoai tây của huyện đang tiếp tục được mở rộng, các xã trồng nhiều như: Bằng An, Nhân Hòa, Việt Hùng, Quế Tân, Bồng Lai, Đại Xuân…, sản lượng bình quân đạt gần 20.000 tấn.

Để đạt hiệu quả cao, ngoài việc chuyển đổi từ giống KT2 - Trung Quốc sang trồng các giống khoai có năng suất, chất lượng cao như Marabell, Solara được nhập khẩu từ Đức, người dân còn được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Hội Nông dân cùng các đoàn thể tập huấn, hướng dẫn chăm sóc từ thời điểm tưới nước, bón phân, phun thuốc sao cho đúng kỹ thuật, bảo quản khoai tây sau thu hoạch, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP… Trước đây, nông dân thường bảo quản khoai tây giống trên giàn bếp hoặc dưới gầm giường nên dễ bị mọc mầm, tiêu hao nhiều dinh dưỡng và giảm chất lượng cây giống thì nay bà con đã mua sắm nhiều kho lạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo quản giống trên địa bàn.

Năm 2017, do thời tiết thuận lợi, diện tích cây khoai tây đều đạt năng suất cao, khoảng 18 - 20 tấn/ha, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, nhiều gia đình thu lãi 200 - 300 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thành ở xã Quế Tân, người có gần 20 năm kinh nghiệm trồng khoai tây, tâm sự: “Với giá thành như hiện nay, trồng khoai tây cho thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa, mà chăm sóc cũng không vất vả lắm. Nhờ khoai tây, tôi có điều kiện mua sắm đầy đủ tiện nghi, nuôi 2 con học đại học và cao đẳng”.

chủ-tịch-ubnd-huyện-quế-võ.JPG

Ông Hoàng Minh Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Quế Võ, cho biết: Nhằm tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm khoai tây trên thị trường và hướng tới xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của loại nông sản này trên thị trường, giúp nông dân yên tâm sản xuất theo hướng ổn định, chất lượng, hiệu quả, an toàn, Hội Nông dân huyện làm hồ sơ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm khoai tây Quế Võ và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể: “Khoai tây Quế Võ”, chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân huyện Quế Võ.

Những tháng cuối năm 2017, Quế Võ đón nhận niềm vui lớn khi khoai tây, mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương được vinh danh tại Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2016. Đó là thành quả xứng đáng cho tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của người nông dân, đây cũng là bước đệm trên con đường xây dựng thương hiệu khoai tây Quế Võ.

Hiệu quả đã rõ, nhưng để cây khoai tây phát triển hơn nữa, huyện Quế Võ cần hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức hội nghị đầu bờ, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất lớn, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top