Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 10 năm 2018 | 16:23

“Nông nghiệp ASEAN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0"

Phó Thủ tướng cho rằng, các nước ASEAN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 tổ chức vào ngày 11/10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN có đóng góp quan trọng của ngành nông lâm nghiệp qua các thời kỳ.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hồng Quang)

 

Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN thì nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, giúp các nền kinh tế vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của mỗi quốc gia.

Tuy đóng vai trò then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhưng nông nghiệp đang là lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu rất nhiều rủi ro. Ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ngành kinh tế khác trong việc sử dụng các nguồn lực, tài nguyên đất đai, nguồn nước.

Mặt khác, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức như suy giảm năng suất, trình độ phát triển, đặc biệt là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và phát triển bền vững của các quốc gia.

 

Đại biểu các nước ASEAN dự hội nghị (Ảnh: Hồng Quang)

 

Phó Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với việc tích hợp các nền tảng công nghệ kết nối như internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Do đó, cần đưa ra các giải pháp, sáng kiến thiết thực để nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đưa nông nghiệp ASEAN tiếp kịp các quốc gia phát triển, Phó Thủ tướng đề nghị.

Đặc biệt, các nước ASEAN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông lâm nghiệp của khu vực.

Ngoài ra, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết với hộ nông dân; tối ưu hóa các khâu sản xuất, phân phối và quản lý nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị. Đây chính là tinh thần chủ đạo của năm ASEAN 2018: Hướng tới một Cộng đồng “Tự cường và Sáng tạo” vì lợi ích của người dân trong khu vực.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ tin tưởng rằng, cùng với nỗ lực chung của hợp tác khu vực, của từng thành viên, Hội nghị AMAF sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tầm nhìn, kế hoạch hành động và chiến lược của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp 2016 – 2025.

Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam rất coi trọng tiến trình hợp tác khu vực và sẽ tiếp tục đầu tư thích đáng về nguồn lực, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vì lợi ích thiết thực của người dân ASEAN.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các quốc gia Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm giải pháp tối ưu hướng đến nền nông nghiệp xanh (Ảnh: Hồng Quang)

 

Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra rào cản cho sự phát triển chung. Do đó, đòi hỏi các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu,  kết hợp đổi mới khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bao trùm.

Với thị trường có quy mô hơn 650 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 2.600 tỷ USD, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực, trong đó thương mại nông sản giữ một vị trí quan trọng với gạo, thủy sản, rau quả... là những nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này, với trị giá chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN. Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản xuất khẩu sang khu vực ASEAN năm 2017 đạt 5,73 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu là 2,35 tỷ USD.

Dự kiến, Hội nghị AMAF lần này sẽ thông qua các chiến lược, chính sách và hướng dẫn trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp của khu vực, đề xuất các sáng kiến hợp tác với các nước đối tác và tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Ngày mai (12/10) sẽ diễn ra Hội nghị AMAF+3 (3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc lần thứ 6 về giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch và các cuộc họp liên quan./.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top