Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 11 năm 2018 | 15:10

Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ

Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức và quan điểm về lĩnh vực quan trọng này.

Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, làm nền tảng giúp nông nghiệp chuyển mình và phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân.

 

tr6b.jpg

GDP nông nghiệp tăng gấp 1,25 lần

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Nghị quyết 26 là nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, cả hệ thống chính trị đồng tình ủng hộ.

Qua 10 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; vai trò và vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên.

Theo đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25%, tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% (đến năm 2017). Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như: lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá, hoa quả nhiệt đới, góp phần tăng trưởng GDP năm 2017 ngành nông nghiệp đạt 2,66%, quy mô GDP của cả ngành tăng gấp 1,25 lần sau 10 năm.

Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng với 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả, 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ chiếm 13,7%, tăng 5,5% so với năm 2008. 

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 26 vẫn còn những tồn tại, yếu kém như: Nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn phát triển chưa đồng đều, thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đặc biệt, vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Hướng đến phát triển bền vững

Thành công của chuỗi giá trị ngành rau, củ, quả là sự liên kết 6 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng - ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối). Trong đó, nhà máy chế biến rau, củ, quả công nghệ cao do Công ty CP Lavifood (Long An) đầu tư là đơn vị dẫn dắt chuỗi, là mắt xích quan trọng tiếp cận thị trường tiêu thụ toàn cầu, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới để định hình quy chuẩn sản xuất các khâu tiếp theo. Các yếu tố công nghệ cao, các mô hình sản xuất, các mô hình dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân được phát triển một cách đồng bộ và đầu tư chiều sâu, gắn với chuỗi giá trị trong nước cũng như thị trường quốc tế.

 

tr6a.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của Công ty Lavifood chuyên xuất khẩu trái cây, rau củ, nông sản chất lượng cao. Ảnh: VGP.

 

Hiện, mô hình chuỗi giá trị đang được Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ thực hiện và chọn Tây Ninh làm mô hình thí điểm đầu tiên với Nhà máy chế biến rau, củ, quả công nghệ cao Tanifood do Công ty CP Lavifood đầu tư.

Tanifood được xây dựng trên khu đất gần 15ha với tổng số vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng. Nhà máy được trang bị dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại của Đức, Thụy Điển, Ý, Nhật. Sau 2 năm xây dựng, Nhà máy Tanifood dự kiến cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên vào giữa tháng 12/2018. Khi nhà máy đi vào hoạt động, thu nhập cho  nông dân Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này sẽ được nâng lên cao đáng kể (từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2) và không còn chịu cảnh được mùa, mất giá.

Với chiến lược phát triển dài hạn, từ năm 2016, Lavifood là đơn vị đi đầu, phát triển hệ thống các nhà máy chế biến rau, củ, quả hiện đại và dự kiến trong 10 năm tới phát triển chuỗi 10 nhà máy chế biến rau, củ, quả hiện đại, cùng kế hoạch phát triển 33.000ha vùng trồng quy hoạch, dưới hình thức liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trên khắp cả nước.

Tham quan nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ góp phần giải “bài toán” mà Thủ tướng “đặt ra” tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đó là nông nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong top 15 nước phát triển nhất thế giới và ngành chế biến nông sản lọt vào top 10 quốc gia hàng đầu.

Là công ty sữa lớn nhất Việt, Vinamilk đã và đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để tập trung đầu tư hai hạng mục lớn nhằm góp phần giúp công ty đạt mục tiêu doanh số 80 ngàn tỷ đồng vào năm 2021, đó là nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng các trang trại chăn nuôi bò sữa.

Với kế hoạch phát triển các trang trại, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và  nông dân có ký kết) hiện lên tới khoảng 120.000 con, sản lượng khoảng 800 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày, dự kiến tổng đàn bò được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk sẽ tăng lên hơn gấp đôi.

Sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục như: Đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp trong khi số dân làm nông nghiệp khá cao; số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp (7.600), trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; việc huy động vốn, tiếp cận các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn cao; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao; vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng kháng sinh, chất cấm.

Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên việc giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn (quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thể giới). Canh tác quy mô nhỏ, manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến (trung bình 0,18 ha/thửa đất và 2,5 thửa đất/hộ gia đình). Dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Số địa phương kết quả đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Thu nhập của một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân; sớm khắc phục tinh thần thiếu tự tin, chờ đợi của một bộ phận nông dân.

Thủ tướng cho rằng, phải sớm khắc phục tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay; phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang sang tư duy kinh tế nông nghiệp hội nhập sâu rộng. Thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 phải áp dụng mạnh mẽ vào nông nghiệp như thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh, khi mà gần 70% số dân dùng điện thoại thông minh. Tư duy chậm trễ dẫn tới không có hành động kịp thời, cản trở sự phát triển của đất nước trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng tiếp tục cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế cần thiết vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn; duy trì bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp; có chính sách phù hợp với các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đặc biệt khó khăn.

Quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; cần rà soát, tháo gỡ khó khăn cho người dân làm lâm nghiệp để Việt Nam có thể trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới từ khâu rừng trồng.

Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để cùng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 hoàn thiện báo cáo tổng kết, đồng thời chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đến năm 2020, giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 12/2018.

 

Đến tháng 7/2018, đã có gần 50.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 8% doanh nghiệp đang hoạt động. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 54,6 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 83 triệu đồng/ha (năm 2015); đến năm 2017 đạt trên 90 triệu đồng/ha. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên 520 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này, trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực.

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top