Mặc dù bão số 9 đã đi qua, nhưng gây thiệt hại về nông nghiệp vô cùng nặng nề cho một số tỉnh phía Nam.
TP. HCM thiệt hại hơn 100ha rau lá và rau quả
Hoàn lưu bão số 9 đã gây thiệt hại tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân TP.HCM, đặc biệt với các hộ trồng rau xanh trên địa bàn.
Tính đến nay đã có hơn 100ha rau lá và rau quả thuộc 8 HTX của các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi bị thiệt hại do hoàn lưu bão. Mức thiệt hại của các HTX này là từ 50%, thậm chí có nhiều hộ bị mất trắng. Đặc biệt ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Bình Chánh với hơn 50ha rau màu bị thiệt hại, trong đó có HTX Phước An ngập 16ha rau lá, 4ha rau quả thiệt hại 90%, HTX Phú Lộc ngập 8ha rau lá, 4 ha rau quả của 86 hộ, thiệt hại 95%; HTX Phước Bình ngập 10ha rau lá, 3ha rau quả thiệt hại 100%.
Hoa Tết chết từng ngày
Trên địa bàn phường Thới An, quận 12, TP.HCM có khoảng 20 hộ trồng hoa Tết. Sau cơn bão, rất nhiều hoa bị chết do ngập úng khiến hộ trồng hoa thiệt hại khá nặng. Còn tại địa bàn xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn hiện cũng có 14 hộ trồng hoa Tết bị thiệt hại. Số tiền thiệt hại hiện chưa thể thống kê chính xác vì mỗi ngày lại có thêm không ít hoa trồng bị chết.
“Tôi trồng 500 chậu hoa thược dược, nếu được giá thì Tết này kiếm kha khá. Dè đâu cơn bão số 9 gây ngập lụt quá trớn làm hoa bung gốc, chết queo” - ông Hàng Ngọc Phú (ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. HCM) than thở.
“Sau khi dứt bão, nước ngập quá đầu gối. Tôi phải chạy máy bơm hút nước ròng rã hai ngày trời để cứu hoa. Tiền điện tính ra triệu bạc nhưng chỉ tròm trèm 200 chậu thược dược sống sót, 300 chậu còn lại úng rễ chết rụi” - ông Phú cho hay.
Bình Thuận: Hàng loạt hộ dân đứng trước nguy cơ vỡ nợ vay ngân hàng
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, do hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài kèm lũ thượng nguồn, khiến nhiều địa bàn bị ngập lụt. Mưa lũ đã khiến gần 900ha thanh long bị ngập chìm trong nước.
Do bị ngập úng trong nước, số thanh long phần nhiều bị thiệt hại, thối rữa hoặc kém chất lượng.
Thống kê ban đầu cho thấy, có khoảng 180ha thanh long trong xã Hàm Thạnh huyện Hàm Thuận Nam bị ngập sâu; 355 lồng/61 hộ nuôi tôm hùm, nuôi cá bốp, cá mú ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải gần như bị mất trắng.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: Nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm thay đổi độ mặn đột ngột, làm cho tôm, cá toàn khu vực nuôi bị sốc nước, chết hàng loạt. Nhiều lồng nuôi chuẩn bị xuất bán ước tính thu nhập hơn 600 triệu đồng, giờ trôi ra biển hết, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 12 tỷ đồng. Hàng chục hộ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vay ngân hàng.
Ninh Thuận mất trắng hơn 200 tỷ đồng
Hơn 1.100 ha trồng nho ở Ninh Thuận đang bị hư hại nặng, nhiều hộ gia đình trồng nho có nguy cơ mất trắng.
Nhiều giàn nho bị ngập sâu trong nước làm suy yếu bộ rễ.
Anh Võ Đức Cường (phường Văn Hải, TP. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) cho biết, gia đình đầu tư hơn 30 triệu đồng vào 2 sào nho mùa này, hy vọng sẽ bán được khoảng 60 triệu đồng, kiếm tiền ăn tết. Nho đang trong giai đoạn chín, nhưng mưa cứ liên tục suốt mấy ngày nay, nho bị nứt và hư, thương lái không mua, mùa này coi như gia đình anh mất trắng.
Mưa to và kéo dài không chỉ những giàn nho chín bị hư hại, mà nhiều giàn nho đang trong thời kỳ ra bông, đậu trái chuẩn bị cho vụ tết cũng bị thiệt hại. Mưa to khiến trái đậu không được, kèm theo đó là các bệnh trên cây nho cũng diễn biến phức tạp hơn. Do mưa to nên việc dùng thuốc, bón phân để chữa bệnh cho nho là không tác dụng.
Chưa dừng lại ở đó, điều anh Cường và nhiều người nông dân trồng nho Ninh Thuận còn lo lắng là bộ rễ nho bị suy yếu do bị ngập nước trong nhiều ngày.
“Nước chưa rút mà trong giàn nho đã phát hiện mấy cây nho chết gốc. Chờ nước rút nắng ráo lên, không biết hơn 2 sào nho còn cây nào sống sót không? Mưa kiểu này, chắc không chống chọi nổi. Chắc phải trồng nho mới”, anh Cường buồn rầu nói.
Chung tình cảnh như anh Cường, hàng ngàn người dân trồng nho Ninh Thuận đang lo đứng lo ngồi vì nước vẫn chưa rút, vườn nho đang ngâm trong nước có nguy cơ chết hàng loạt, khi đó thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, tỉnh còn bị thiệt hại về nhà ở, giao thông, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản ước tính là trên 200 tỷ đồng. Riêng hơn 1.000 ha cây trồng và hoa màu các loại vẫn chưa ước tính được giá trị thiệt hại do vẫn còn bị ngập sâu trong nước.
Vườn táo bị ngập sâu
Ông Nguyễn Cả (khu phố 6, phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), cho biết: “Hơn 2 sào táo của nhà tôi vẫn còn ngập trong nước. Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình tôi vẫn phải lội trong nước để hái táo, mong muốn vớt vát lại ít tiền vốn đã bỏ ra đầu tư vườn táo này. Tôi còn lo là nước ngập quá lâu sẽ làm úng vườn, hư hết bộ rễ thì coi như vườn táo không còn gì”.
Khánh Hòa thiệt hại là gần 400 tỷ đồng
Trong vòng một tuần, Khánh Hòa hứng chịu hai trận sạt lở do mưa bão khiến nhiều căn nhà đổ sập, hoa màu tan hoang, đường sá hư hỏng. Tổng thiệt hại là gần 400 tỷ đồng.
Theo thống kê, có khoảng 200 căn nhà hư hỏng; 1.000 ha lúa bị ngập úng; hơn 200ha hoa màu cùng 10ha cây ăn quả bị lũ nhấn chìm, hư hại; gần 10.000 gia súc chết.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.