Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, nền tảng quan trọng trong phát huy toàn diện sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, là động lực lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phát huy vai trò là một phần trong nền tảng ấy, gần 40 năm qua, hội viên Hội Làm vườn Việt Nam đã tích cực tham gia phong trào phát triển kinh tế VAC, góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Bài 1: Bắc Ninh phát triển VAC quy mô trang trại
Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh (trước đây là Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh) là một trong những Tỉnh Hội phát triển phong trào làm kinh tế VAC theo loại hình trang trại từ rất sớm. Hiện, loại hình này đang trở thành xu hướng trong phát triển kinh tế của hội viên, nông dân.
Từ thực tế ở Bắc Ninh thấy phát triển kinh tế trang trại, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp hội viên nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, từ đó nâng cao thu nhập.
Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững (thứ 3 từ phải sang) thăm mô hình chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thuận Thành.
Đa dạng loại hình trang trại
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế nông thôn, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững cho biết, thời gian qua, với các biện pháp đa dạng, phù hợp, Hội đã đồng hành, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế trang trại gắn với chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điển hình là mô hình trang trại của anh Đỗ Duy Thanh ở thôn Yên Nhuế, xã Nguyệt Đức (thị xã Thuận Thành). Anh đã mạnh dạn thuê hơn 4 ha đất (0,8 ha đất công ích, còn lại là đất ổn định của các hộ dân) để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, với mức thuê 700.000 đồng/sào/năm (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Anh Thanh quy hoạch hơn 2 ha để trồng cam đường Canh, hơn 1 ha trồng ổi, còn lại trồng cam Vinh và một số cây ăn quả khác. Nhờ đảm bảo chất lượng, sản phẩm cam của gia đình anh được chứng nhận VietGAP, tiểu thương đến tận vườn thu mua.
Ngoài ra, hơn 1 ha trồng ổi cũng tạo nguồn thu thường xuyên trong năm, cứ 10 ngày ổi cho thu hoạch một đợt 400-500 kg, giá bán tại vườn 15.000-20.000 đồng/kg. Nguồn thu từ ổi và các loại cây ăn quả khác giúp anh Thanh trang trải những chi phí cần thiết như tiền điện nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Mô hình ngày càng hiệu quả, tạo nguồn thu ổn định, trừ chi phí, lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Còn anh Trịnh Đình Hưng ở thôn Phú Lão, xã Đào Viên (thị xã Quế Võ) xây dựng mô hình VAC trên diện tích 2ha đấu thầu từ năm 2002. Anh bắt tay cải tạo thành khu vực chuồng nuôi thường xuyên 5.000 con vịt đẻ lấy trứng và 4 ao (12.000m2) chủ yếu nuôi các loại cá trắm cỏ, chép, trôi, mè…. Anh nhận thấy gà siêu trứng của Pháp là giống cao sản, chịu bệnh tốt, năng suất trứng đạt cao; thịt dai, thơm ngon như gà ta, tỷ lệ lòng đỏ trứng nhiều, dinh dưỡng cao… nên mạnh dạn xây dựng thêm khu chuồng trại rộng 800m2 để nuôi giống gà này. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vệ sinh môi trường sạch sẽ nên trang trại gà của gia đình anh ít bị dịch bệnh và phát triển tốt, cho năng suất trứng cao. Năm 2023, tổng doanh thu trang trại ước đạt 3 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững thăm mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài.
Không thua kém cánh nam giới, mô hình trang trại hiệu quả của chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình) cùng một số phụ nữ địa phương thành lập HTX nông nghiệp sạch Phú Thịnh vào năm 2018 để sản xuất cây rau màu an toàn, khép kín một cách chuyên nghiệp. Trược khi thuê diện tích đất rộng gần 3ha, các chị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và vay mượn nguồn vốn đầu tư hạ tầng khoảng 5 tỷ đồng. Hiện, HTX có 6 nhà màng (hơn 6.000m2) trồng các loại dưa chuột baby, dưa lưới, dưa lê và 1 nhà lưới trồng các loại rau cải, mồng tơi, muống... Các nhà màng được lắp đặt hệ thống điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ tự động, châm phân nhỏ giọt tại gốc. Nhờ đẩy mạnh sản xuất, bước đầu HTX có đơn hàng cung ứng các loại rau, củ, quả sạch ổn định; đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Đa số lao động làm việc trong HTX là những người chăm chỉ lao động, chịu khó học tập, đoàn kết, đó là điều kiện để thành công.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững chia sẻ, nhận thức đầy đủ về vai trò của các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp và HTX trong việc tạo thêm động lực để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh Hội đã tập trung triển khai, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia và hưởng lợi các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đề nghị bổ sung một số cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sau đầu tư, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.
Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm của tỉnh năm 2024.
Để xây dựng các mô hình sản xuất kinh tế trang trại gắn với tiêu thụ sản phẩm phát triển bền vững, các cấp Hội đã tập trung xây dựng mô hình liên kết, hợp tác; tổ hội, chi hội nghề nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, OCOP của tỉnh. Các mô hình được Hội hướng dẫn thành lập, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc… bước đầu đã tạo được thương hiệu, là tiền đề để các trang trại thành lập hợp tác xã, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế trang trại với nhiều hình thức hợp tác đa dạng. Đẩy mạnh việc lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao.
Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh có tổ chức ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Hội có gần 20.000 hội viên, trong đó có 630 chi hội chuyên ngành và 45 câu lạc bộ trang trại; 3.200 chủ trang trại, gia trại, 77 HTX và 62 công ty là thành viên trực thuộc Hội. |
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp; các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; các trang trại ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP... Qua đó, vừa góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao; vừa tạo động lực, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Hội cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật, vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế trang trại, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, giúp hội viên nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, từ đó nâng cao thu nhập.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.