Thời gian qua, người dân nhiều địa phương đã chú trọng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững.
Thu gom bao bì thuốc BVTV gắn với bảo vệ môi trường
Xóm Tân Đô (xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) hiện có 123 hộ dân với gần 100ha đất sản xuất. Người dân nơi đây chủ yếu làm ruộng và trồng chè. Trước đây, sau mỗi lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bà con thường tuỳ tiện vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc ngay tại bờ ruộng, mương, suối...
Thế nhưng, từ giữa năm 2023 đến nay, sau khi được lựa chọn tham gia mô hình “Nông dân Việt Nam tham gia thu gom bao bì thuốc BVTV gắn với bảo vệ môi trường”, người dân xóm Tân Đô đã được tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các bể chứa, thùng đựng rác thải nhựa từ trong ngõ xóm ra đến tận cánh đồng.
Sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững. Ảnh: Phạm Hiếu.
"Hiện nay, ý thức của người dân địa phương đã được nâng cao rất nhiều. Bà con đều đã thấy được sự cần thiết, ý nghĩa và quan trọng của việc giữ vệ sinh môi trường, an toàn trong sản xuất, nhất là trong bối cảnh xóm Tân Đô đang hướng tới phát triển du lịch cộng đồng", ông Chu Văn Hướng, người dân xóm Tân Đô chia sẻ.
Tham gia mô hình “Nông dân Việt Nam tham gia thu gom bao bì thuốc BVTV gắn với bảo vệ môi trường”, người dân đã được hỗ trợ 28 thùng rác nhựa dung tích 240 lít có gắn trụ bê tông và đặt tại cánh đồng, khu vực tiện cho mọi người đi lại.
Cùng với đó, người dân đã được tập huấn, hướng dẫn về cách sử dụng phân loại, xử lý rác thải, nhất là đối với rác thải nguy hại như vỏ bao bì thuốc BVTV. Đồng thời, bà con cũng ký cam kết sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Sau 6 tháng, lượng rác này sẽ được các thành viên thu gom đưa về khu xử lý rác theo quy định.
Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện Đồng Hỷ là gần 10.000ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa khoảng hơn 2.300ha. Thực tế cho thấy, tình trạng phun, vứt vỏ thuốc BVTV không đúng quy định, đốt rơm rạ sau thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.
Theo đó, để góp phần xây dựng nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững, tạo nền tảng, điều kiện cho phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã tích cực vận động các hội viên cũng như người dân thực hiện sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.
Theo bà An Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ, hàng năm, đơn vị đã tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên tổ chức tập huấn, phát tờ rơi tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường và cách phân loại rác từ nguồn cho hội viên.
"Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, mô hình hay trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, đưa hội viên nông dân thăm các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ... tại các địa phương khác", bà An Thị Hương thông tin.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cũng đã chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn đăng ký những chương trình cụ thể trong xây dựng nông thôn mới như: Đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác thải về nơi tập kết; đăng ký các tuyến đường tự quản của nông dân; triển khai phong trào nông dân làm sạch đồng ruộng; định kỳ tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông hệ thống thoát nước xung quanh thôn xóm; tuyên truyền, vận các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xây dựng bể biogas và chuyển dần ra ngoài khu dân cư; giám sát công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
"Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp tổ chức được 12 lớp tập huấn tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ tài nguyên môi trường đất, môi trường nước, phòng chống rác thải nhựa, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho gần 900 cán bộ, hội viên, nông dân. Hội cũng vận động xây dựng được 15 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu tại các xã, thị trấn", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ chia sẻ.
Lâm Đồng phát triển ngành nông nghiệp tuần hoàn
Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn ở Lâm Đồng thực tế đã được triển khai từ nhiều năm trên địa bàn. Trong đó có những trang trại tiêu biểu như Trang trại Nguyễn Thanh Hải và Trang trại Hiếu Linh ở huyện Lạc Dương…, đây là những trang trại hoạt động sản xuất nông nghiệp đáp ứng theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình sản xuất này trở thành đầu vào của quá trình sản xuất tiếp theo thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Qua đó khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu này một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Hay như ở huyện Đơn Dương, vùng rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng từ những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông hộ đã chủ động xây dựng và phát triển ổn định những mô hình trồng trọt và chăn nuôi tuần hoàn, kết quả đang mở ra định hướng nhân rộng quy mô, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường trước mắt cũng như lâu dài.
Theo đó, trang trại Thiên Sinh ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương thu gom mỗi ngày 500 kg phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi bò thịt cao sản, mỗi tháng 50 m3 phân chuồng để chế biến 70% khối lượng phân bón hữu cơ phục vụ canh tác gần 15 ha rau, củ, quả, cỏ…
Một mô hình vườn mấu ở Cát Tiên. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng khảo sát cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm trước đây với các mô hình vườn - ao - chuồng trồng cà phê, cây ăn trái, lúa kết hợp chăn nuôi heo, bò, gà và thả cá; mô hình vườn - chuồng - biogas trồng cỏ, bắp, lúa, chăn nuôi bò sữa, bò thịt xử lý chất thải bằng công trình biogas; mô hình trồng rau, lúa với chăn nuôi gà, vịt, tôm, cá tại một số doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể, nông hộ ở vùng nông nghiệp các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Bảo Lộc… đã sử dụng hợp lý nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, xử lý an toàn chất thải động vật, năng lượng tái tạo, sản xuất chất đốt phục vụ sinh hoạt từng hộ gia đình.
Đánh giá của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm: Mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn tại Trang trại Thiên Sinh, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương với đồng cỏ làm thức ăn nuôi bò, chất thải của bò ủ hoai mục làm phân bón hữu cơ để trồng rau, củ, quả. Thêm vào đó phụ phẩm từ quá trình thu hoạch, sơ chế rau, củ, quả sử dụng làm thức ăn cho bò. Tổng diện tích mô hình 12 ha rau, củ, quả các loại, 3 ha trồng cỏ và xây dựng chuồng trại chăn nuôi 38 con bò thịt. Nhờ sản xuất tuần hoàn khép kín, sản phẩm đạt chất lượng tiêu thụ theo hợp đồng tại siêu thị các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, tổng thu nhập trung bình khoảng 3,6 tỷ đồng/năm.
Từ các mô hình đã và đang được triển khai ổn định trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua cho thấy, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu lớn nhất là góp phần giải quyết thực trạng ngày càng khan hiếm tài nguyên, qua đó tăng cường bảo vệ môi trường kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng trên địa bàn.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành chiến lược phát triển bền vững, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Bởi vậy việc xây dựng và triển khai “Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030” nhằm tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn tăng cường khả năng ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu…
Tuy nhiên, thống kê của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho thấy, khối lượng phụ phẩm cây trồng phát sinh trên địa bàn khoảng 1,73 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mới xử lý khoảng 75,7%. Cụ thể 90% khối lượng phụ phẩm thu gom tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, cày vùi vào đất, làm chất phối trộn đệm lót sinh học, sử dụng giá thể, tủ gốc giữ ẩm cây trồng, ủ phân hữu cơ; còn lại 10% đốt hoặc thải bỏ trực tiếp tại ruộng vườn. Về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn hàng năm thải ra khoảng 740.000 tấn chất thải rắn. Kết quả khoảng 77,6% khối lượng được tái tạo làm phân bón sản xuất nông nghiệp hoặc làm khí sinh học, thức ăn nuôi trùn quế; còn lại khoảng 22,4% khối lượng chưa được tận dụng.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển nông nghiệp và bảo vệ rừng; nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường từ nguyên liệu địa phương, ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản theo quy trình khép kín; công nghệ, tái chế, tái sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên phụ phẩm cây trồng và phân chuồng tươi từ chăn nuôi trên địa bàn…
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.