Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 29 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 1 năm 2022 | 9:47

Nông nghiệp tỏa sáng từ tư duy kinh tế và nền tảng số

Năm 2021 đã khép lại, khó khăn vẫn còn đó, song thành tích đạt được của toàn ngành sẽ là bước đệm vững chắc để nông nghiệp tiếp tục thực hiện và hoàn thành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi trực tiếp và ghi lại những chia sẻ về sự thắng lợi, những điều trăn trở cũng như định hướng chiến lược của ngành trong thời gian tới cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan. 

 

bộ-trưởng-bộ-nông-nghiệp-và-ptnt-lê-minh-hoan.jpg Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan. 

 

Nhìn lại một năm nhiều khó khăn trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả toàn ngành đạt được và ngành đã có sự “trở mình” ngoạn mục như thế nào?

Có một từ có thể nói về năm 2021 là “biến”. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Người Việt Nam khi có biến cũng biến theo và cho thấy rất linh hoạt, năng động. Thông qua biến đó, chúng ta nhận thấy rằng cái gì đang là ưu điểm, cái gì là nhược điểm.

Trong thách thức, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn đạt những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt gần 2,9%. Xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được Chính phủ giao. Lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn cung ứng kịp thời đến hàng chục triệu người dân tại các đô thị, trung tâm công nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số,… đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và lan toả, làm thay đổi tích cực cách thức tiếp cận nông nghiệp truyền thống. Một nền nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII dần được định hình và hiện thực hoá.

Chúng ta có thể tự hào rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn tiếp tục khẳng định thành tích “to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử”. Những sản phẩm OCOP từ làng quê nông thôn dần trở thành sản phẩm quốc gia “hội tụ giá trị - lan tỏa văn hóa”. Dù trong bối cảnh nào, nông thôn vẫn dang rộng vòng tay, chào đón những người dân trở về, đã minh chứng cho sự bền bỉ đi lên của khu vực nông thôn.

Trong năm 2021, chúng ta đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn. Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

 

bộ-trưởng-bộ-nông-nghiệp-và-ptnt-lê-minh-hoan-áo-đen-thứ-hai-từ-trái-sang-tham-quan-mô-hình-cà-phê-hữu-cơ-tại-hợp-tác-xã-nông-nghiệp-và-dịch-vụ-nam-yang.jpgBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (áo đen thứ hai từ trái sang) tham quan mô hình cà phê hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang.

 

Có thể nói, ngành Nông nghiệp đã làm nên kỳ tích với những thắng lợi vượt xa mục tiêu đặt ra. Đâu là yếu tố cốt yếu để ngành sớm “về đích”, thưa Bộ trưởng?

Thời điểm đầu năm 2021 có sự chệch choạc ban đầu do quy định về giãn cách xã hội giữa các địa phương, nhưng sau đó thông qua các hội nghị chuyên đề trong từng khu vực, cũng như thông qua các diễn đàn kết nối sản xuất tiêu thụ của Bộ Nông nghiệp và các bộ ngành khác không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đó kéo dài. Có thể chưa có quy định điều lệ nhưng mà trong từng thời điểm, trong từng nút thắt thì chúng ta tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp (DN) tiếp được “bàn tay” của DN vươn tới từng vùng nguyên liệu, đã đưa nông sản của bà con nông dân từ vùng nguyên liệu đến được các nhà máy chế biến để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và đã kích hoạt dần dần được thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài.

Khi chúng ta chủ động được nông sản, sản phẩm, qua chế biến tạo thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Khi thị trường mở cửa tới đâu thì chuỗi ngành hàng “sống lại” tới đó, đã tạo nên được giá trị gia tăng và từ giá trị gia tăng đó. 

Chuyển đổi số là nội dung trọng tâm mà ngành đặt nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp trong tương lai. Bộ trưởng có thể cho biết, Bộ đang từng bước hiện thực hóa điều này như thế nào?

Thời gian qua, đôi lúc nông sản ngay tại thị trường nội địa cũng bị ùn ứ. Từ đó mới thấy thông tin thị trường gần như bỏ ngỏ, người trồng cứ trồng, người mua cứ mua. Đó là nền nông nghiệp “mù mờ”. Để nền nông nghiệp tỏa sáng, thoát sự “mù mờ”, Bộ đang tích hợp thông tin và hướng tới nền nông nghiệp minh bạch từ sản xuất đến thị trường để phục vụ điều hành sản xuất và điều tiết tiêu thụ nội địa. Đây sẽ là nền tảng để chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Nếu không chuyên nghiệp hoá ngành nông nghiệp thì hệ lụy rất lớn, người nông dân sẽ luôn phải đối mặt với những rủi ro thường trực bởi thời tiết, dịch bệnh và thị trường có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp bao gồm các vấn đề sản xuất, phân phối, thương mại, sàn giao dịch nông sản. Khi chúng ta kích hoạt toàn bộ thì sẽ giúp tăng cầu lên. Ví dụ, trong lúc dịch bệnh căng thẳng, dù vào mùa, vải, nhãn có ngon đến mấy thì người tiêu dùng cũng ngại ra ngoài mua hàng. Khi có app đặt hàng cũng như có sẵn hàng tươi, ngon thì nhiều người sẽ muốn mua, lúc đó tổng cầu sẽ tăng lên.

Đã đến lúc chuyển đổi từ nền “nông nghiệp nâu” thâm dụng tài nguyên thiên thiên và sức lao động của con người sang một nền “nông nghiệp xanh” khởi nguồn từ khoa học, tri thức. Phải chuyển đổi từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sang một nền kinh tế đa giá trị. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới, Bộ có kế hoạch, chiến lược như thế nào để nâng cao các mục tiêu đặt ra và thực hiện bám sát chỉ đạo của Thủ tướng: “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành Nông nghiệp và PTNT phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân”?

Nội lực phát triển ngành cần đến khoa học, công nghệ làm đòn bẩy nhưng lực lượng để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chính là những người nông dân.

Trong đại dịch, chúng ta rút ra được bài học gì mới là quan trọng, những điều chúng ta xem như xử lý tình huống thì trong giai đoạn tới chúng ta xem nó như bổ sung quy trình, những quy chế, những kịch bản để chúng ta ứng phó linh hoạt ở bất kỳ tình huống nào.

Ví dụ như chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất vấn đề không phải là đẩy mạnh sản xuất nữa mà chuỗi cung ứng mới là cái quyết định. Chúng ta phải làm sao chủ động trong chuỗi cung ứng thì sẽ xác định được cái thị trường cần ở trong từng thời điểm, quy mô thị trường trong từng thời điểm để có sự điều chỉnh sản xuất phù hợp về mặt quy mô, về mặt thời điểm. Chuỗi cung ứng đó phải được đảm bảo bởi hệ thống logistics trong nông nghiệp. Xưa giờ nói logistics chúng ta hay hướng về xuất khẩu nhưng với thị trường 100 triệu dân thì chuỗi cung ứng thị trường trong nước cũng phải đầu tư nhiều hơn. Chúng ta không chỉ đầu tư cho sản xuất mà chuyển một phần từ đầu tư sản xuất sang đầu tư chuỗi cung ứng, hệ thống kho bãi, cơ sở phân loại, bảo quản, chế biến… Khi bị đứt gãy, chúng ta có chỗ giữ hàng hóa, đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao hơn, từ trong nội địa đến các cửa khẩu biên giới. Muốn tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu thì bản thân chuỗi cung ứng nội địa phải vừa phục vụ thị trường 100 triệu dân, vừa phục vụ thị trường xuất khẩu.

 

hội-viên-hợp-tác-xã-nông-nghiệp-công-nghệ-cao-liêm-anh-chăm-sóc-giàn-nh.jpgHội viên Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh chăm sóc giàn nho.

 

Trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ vừa qua, Bộ có đề xuất và đã được chấp nhận sẽ đầu tư cho chuỗi cung ứng, chuỗi logistics ngành hàng nông nghiệp ở trong nước để làm nền tảng, để vừa giữ vững được thị trường trong nước, vừa tham gia xuất khẩu một cách chủ động hơn, ít bị lệ thuộc hơn.

Câu chuyện thị trường bất ổn sẽ còn tiếp tục bởi những biến động, do đó, chúng ta luôn có những kịch bản thích ứng, linh hoạt và điều phối kịp thời trong từng giai đoạn. Điều này đòi hỏi cả bộ máy ngành phải có tư duy năng động hơn chứ không phải là chỉ là một kế hoạch hoàn chỉnh. Sự năng động, linh hoạt, thích ứng mới là sự quyết định thành công.

Với định hướng dài hạn, Bộ đang hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược vừa kế thừa những thành tựu đã đạt được vừa tổng hợp những quan điểm tiếp cận mới, xu thế mới, giá trị mới phù hợp với bối cảnh mới, xoay quanh 3 trụ cột: “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”.

Tư duy phát triển nông nghiệp chuyển từ sản xuất sang kinh tế; từ thiên về năng suất, sản lượng sang tích hợp đa giá trị; từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị hòa nhập với xu thế phát triển của toàn cầu.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

 

 

Thanh Tâm (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Top