Khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp với vai trò trụ đỡ trong dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực.
Quy trình sản xuất tại một cơ sở chế biến thủy sản của tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Với thế mạnh nông nghiệp, Việt Nam có ưu thế đảm bảo an ninh lương thực hơn phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á, và có vai trò ngày càng tăng trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.
Trong bối cảnh phải chịu sự tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, cơn đại dịch toàn cầu Covid-19 khiến cho ngành nông nghiệp thế giới nói chung, cũng như của Việt Nam nói riêng gánh thêm những thách thức lớn.
Với một đất nước hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho đất nước?
Đáp án cho lời giải này đã được đưa ra bằng những nỗ lực cụ thể, bằng các số liệu tính toán cẩn trọng cũng như những quyết sách linh hoạt đúng thời điểm.
Khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp với vai trò trụ đỡ trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động có giải pháp kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất phù hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tính toán các phương án để khi cần có thể tận dụng cơ hội về giá và nhu cầu lượng thực trên thế giới đang tăng để tiếp tục xuất khẩu lương thực ở mức hợp lý.
Khẳng định vị thế và tìm cơ hội trong khó khăn, đó chính là điểm nhấn của ngành nông nghiệp - điểm sáng trong phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Vai trò không thể thay thế
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020,” sản lượng lúa của cả nước tăng từ 39,17 triệu tấn (năm 2009) lên 43,4 triệu tấn (năm 2019); bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực, qua mỗi thời kỳ, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thiết thực phát triển nông nghiệp gắn với duy trì, cải thiện chất lượng tình hình an ninh lương thực quốc gia và từng bước nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân.
Xuyên suốt nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết đã xác định “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài."
Bám sát Nghị quyết này, trong 10 năm gần đây (2009-2019), tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 2,61%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP cả nước.
Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đảm bảo sứ mệnh an ninh lương thực, thực phẩm cho quốc gia mà còn xuất khẩu nhiều mặt hàng cho giá trị cao.
Trong 10 năm qua, sản lượng lúa gạo tăng từ 39,2 triệu tấn năm 2009 lên 43,45 triệu tấn năm 2019, tăng 12,2%, sản lượng rau các loại tăng 80,5%, trái cây tăng 50%.
Nhiều mặt hàng còn được xuất khẩu với giá trị cao; trong đó, 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm gồm rau quả, gạo, cao su, càphê, hạt điều, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn.
Hiện, năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á và có sản lượng lớn xuất khẩu.
Năm 2020, mặc dù nông nghiệp Việt Nam phải gánh chịu thời tiết bất thường, hạn mặn nặng nề ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, dịch cúm gia cầm chưa kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với cố gắng của toàn ngành trong việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, dự kiến diện tích, sản lượng các loại nông sản hàng hóa vẫn ổn định và tăng so với năm 2019, đảm bảo an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, cho nên Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối.
Cụ thể, dự kiến năm 2020 sản lượng thóc ước đạt 43,5 triệu tấn thóc; trong đó cân đối cung cầu lương thực khoảng 30 triệu tấn thóc, dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn thóc và 6,5-7 triệu tấn gạo xuất khẩu (tương đương 13-13,4 triệu tấn thóc).
Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, tính tự cung tự cấp khá cao nên khá ổn định so với một số nước phải nhập khẩu nhiều nông sản.
Nhiều nước đang đánh giá, Việt Nam hoàn toàn không thiếu hàng hóa. Trong khi nhiều nước, nguy cơ mất an ninh lương thực cao nếu dịch kéo dài.
Tuy nhiên, ông Đào Thế Anh cũng lưu ý, trước diễn biến phức tạp của dịch, thì việc đầu tiên phải ổn định là nông nghiệp. Bởi, Việt Nam dân số đông, đòi hỏi an ninh lương thực cao.
Với góc nhìn của chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết các nhà khoa học Việt Nam đã chọn lọc được các giống có thể cho thu hoạch sau 3-3,5 tháng nên lúc nào các vùng sản xuất cũng có lúa và lúc nào cũng gặt được.
Việt Nam không lo thiếu gạo vì lượng lúa gạo vừa thu hoạch trong vụ Đông Xuân 2019-2020, sau khi đã dành cho an ninh lương thực vẫn dư thừa ít nhất 3 triệu tấn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, hiện nay, các địa phương rất chú ý đến nông nghiệp trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19.
Đại dịch sẽ tác động tổn thương đến tất cả các ngành kinh tế, nhưng đặc thù ngành nông nghiệp nếu sản xuất tốt sẽ góp phần quan trọng trong cung cấp nhu yếu phẩm lương thực, thực phẩm cho đất nước.
Bứt phá từ khó khăn
Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển sản xuất nông nghiệp hàm chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững...
Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong các tình huống bất ổn của đất nước nhưng ngành nông nghiệp năm nay cũng trải qua những khó khăn đến từ thiên tai, dịch bệnh và từ chính tác động của dịch COVID-19.
Đó là tình trạng mưa đá ở phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn gay gắt ở các tỉnh Tây Nguyên... tác động tiêu cực tới năng suất, sản lượng một số ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, trái cây, cà phê, hồ tiêu, cao su.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ năm 2019 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới ngành chăn nuôi.
Cùng đó, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam như Trung Quốc, EU, Mỹ buộc các nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, ngành nông nghiệp đang vượt qua khó khăn để vừa hoàn thành vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế vừa sẵn sàng nắm bắt cơ hội sau dịch khi các thị trường có nhu cầu hàng hóa nông sản tiêu thụ trở lại.
Về sản xuất, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, bộ cùng các địa phương bàn các giải pháp để vượt lên khó khăn, thách thức, các tình huống xảy ra đảm bảo tổ chức sản xuất đủ lúa gạo với 43,5 triệu tấn; trong đó xuất khẩu từ 6,5-6,7 triệu tấn.
Để tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện đón cơ hội từ thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành không chỉ chuyển dịch thị trường xuất khẩu mà còn định hướng chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm trong chế biến.
Cụ thể, ngành khuyến cáo các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm đóng hộp... để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ; đặc biệt khi mùa hè quay trở lại.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh ngành nông nghiệp sẽ liên tục tái cơ cấu, hình thành các vùng sản xuất gắn với các nhà máy chế biến để chuỗi giá trị nông sản không chỉ còn là bán thô mà đổi mới từng bước nhằm tạo ra giá trị sâu nhất.
Bên cạnh mở rộng thị trường, các thị trường truyền thống cũng phải khai thác chất lượng hơn, trên nền tảng tổ chức sản xuất theo chuỗi để hàng hóa có số lượng, chất lượng tốt với giá thành cạnh tranh.
Mặt khác, nhằm giải quyết các nút thắt cho phát triển sản xuất, duy trì thương mại nông sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng; chi phí sản xuất, thuế, phí, logistics...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng đối phó với dịch COVID-19; trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch.
Bộ Tài chính cũng cần triển khai nhanh chóng gói giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh, bảo quản cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; xem xét hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp trong ̣nước...
Quan trọng hơn cả là phục vụ thị trường trong nước bền vững thì mới tính đến xuất khẩu. 100 triệu dân cả nước trong bối cảnh này vẫn chủ động được lương thực, thực phẩm là một kết quả rất tốt đẹp.
Đây cũng là tiền đề ngành nông nghiệp tiếp tục chuẩn bị các bước tiếp theo để song song với dịch có những điều kiện tiếp tục tổ chức xuất khẩu, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đem lại hiệu quả cho bà con nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ./.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.