Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 7 năm 2018 | 13:30

Nông sản Việt khó tiêu thụ tại thị trường lớn vì...  bao bì!

Muốn vào hệ thống phân phối nước ngoài, hàng Việt phải có chất lượng tốt, đáp ứng các quy chuẩn của đối tác, đồng thời bao bì phải bắt mắt, bao gồm được tất cả điểm nổi trội của sản phẩm, có thông điệp mời gọi giao tiếp với khách hàng...

tr13.jpg

 

Đơn điệu, thiếu sáng tạo

Theo các chuyên gia kinh tế, cà phê, chè, trái cây sấy khô và nhiều sản phẩm nông sản, thủ công của Việt Nam đang khá hấp dẫn người tiêu dùng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng, vẫn còn nhiều điểm yếu cần phải khắc phục để tăng tính cạnh tranh. Trong đó, mẫu mã, bao bì đang được cho là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm hàng hóa của nước ta kém cạnh tranh tại thị trường nước ngoài.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt dù đã đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Aeon…, nhưng vẫn chỉ là tiêu thụ trong nước. Để đưa được hàng hóa vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp này tại Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc… thì doanh nghiệp Việt còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác từ nhà phân phối. Một trong những yêu cầu của các nhà bán lẻ là, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn về mẫu mã sản phẩm. Bởi, thực tế là nhiều sản phẩm Việt bán rất “chạy”, rất thành công tại các siêu thị trong nước, nhưng khi ra thị trường nước ngoài, thông qua các nhà bán lẻ lại không bán được hàng.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội, nhận định, một trong những lý do khiến thực phẩm, nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường là mẫu mã, bao bì sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sáng tạo, hoặc chưa có tính thẩm mỹ. Chỉ cần dạo một vòng quanh các siêu thị, có thể thấy kiểu dáng, bao bì của hàng Việt thua hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là chọn các sản phẩm có mẫu mã đẹp…

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hùng Cường cũng cho rằng, bao bì xấu, bất tiện là một trong những điểm yếu của hàng Việt hiện nay dù chất lượng không thua kém hàng ngoại, thậm chí còn vượt trội. Việc thiết kế vẫn còn tùy tiện, sao chép mẫu mã của nước ngoài, thiếu sáng tạo, ấn tượng và thậm chí, chưa có bản sắc riêng.

Năm 2015, CJ Freshway Việt Nam nuôi ý định xuất khẩu một số loại trái cây cấp đông vào thị trường bán lẻ Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời điểm đó, công ty không tìm được đơn vị nào ở Việt Nam có thể đóng gói mặt hàng này với các trọng lượng nhỏ hơn 1kg. Cánh cổng vào kênh bán lẻ của trái cây Việt đóng lại vì cơ hội không đến lần  hai.

“Cơ hội vào năm đó mở ra nhưng mình không làm được nên nó qua đi. Thay vào đó, Thái Lan và Campuchia nhảy vào chiếm lĩnh mảng thị trường này. Đến nay, chúng ta vẫn cần phải cải thiện năng lực đóng gói các sản phẩm nhỏ vì Campuchia đang làm việc này cực tốt”, bà Nguyễn Minh Phương , đại diện CJ Freshway Việt Nam chia sẻ.

Đến nay, việc đóng gói các loại nông sản thực phẩm xuất đi Hàn Quốc của Việt Nam không mấy cải thiện. Không chỉ yếu ở việc đóng gói các trọng lượng nhỏ như 80g, 150g, 200g hay 250g, với các dòng sản phẩm bán theo dạng nguyên liệu cần đóng các gói lớn dạng 500kg hay 1 tấn thì doanh nghiệp Việt cũng khó thực hiện.

Theo ông Yoon Byung Soo, Giám đốc Phòng chiến lược sản phẩm của Lotte Mart Việt Nam, bao bì hàng Việt không bằng Thái Lan, Trung Quốc hay Mỹ. Trong khi bao bì quốc tế có xu hướng đơn giản hóa, màu sắc nhã nhặn thì các mặt hàng như kẹo dừa, mít sấy, bánh tránh, bún khô… được đưa vào hệ thống Lotte của Việt Nam có màu sắc sặc sỡ, không phù hợp với thị hiếu người Hàn Quốc. Thậm chí, một số mẫu mã được phiên dịch ra tiếng Hàn theo kiểu dịch tự động từng chữ, khiến người Hàn đọc vào vừa không hiểu lại thấy buồn cười. Do đó, doanh nghiệp cần chăm chút cho bao bì hơn so với hiện tại. Dù nâng cấp bao bì khiến giá tăng thêm 10% thì khách hàng họ vẫn sẽ mua.

Hàng nông sản Việt Nam vào Hàn Quốc không chỉ phải cạnh tranh về mẫu mã, bao bì với Campuchia, Thái Lan hay Trung Quốc, mà còn phải khá vất vả trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vô cùng khắt khe của thị trường này.

Chinh phục khách hàng từ cái nhìn đầu tiên

Để bao bì hàng hóa Việt Nam có được sự khác biệt và quảng bá thương hiệu Việt, quảng bá được hình ảnh quốc gia, mỗi sản phẩm khi tham gia thị trường toàn cầu không chỉ mang giá trị công năng và giá trị thẩm mỹ, mà còn phải kết hợp bản sắc văn hóa Việt để người tiêu dùng trong nước, hay ngoài nước đều có thể phân biệt ngay được nét đặc trưng của hàng hóa Việt Nam.

13b.jpg

Bao bì hàng Việt chưa bắt mắt.

 

Theo ông Trần Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty Tổ chức triển lãm thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mặc dù ngành bao bì Việt Nam có mức tăng trưởng 15-20%, nhưng thị phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, nhất là các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao. Điều đáng lo là, các doanh nghiệp sản xuất trong nước do nguồn tài chính mỏng nên khó chọn các đối tác nước ngoài trong việc đóng gói bao bì sản phẩm, mà đa phần phải chọn các doanh nghiệp bao bì “nội” có công nghệ cũ, năng lực hạn chế nhưng giá rẻ...

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp Vũ Kim Hạnh cho rằng, giải pháp để cạnh tranh với hàng ngoại là doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối. Để hàng Việt thâm nhập được vào hệ thống phân phối nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến chất lượng, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Riêng với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm thì yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm phải được coi trọng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã, nhãn mác và dịch vụ sau bán hàng, qua đó mới có thể thuyết phục doanh nghiệp bán lẻ quốc tế ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn.

Từ kinh nghiệm của bản thân, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, muốn vào hệ thống phân phối ngoại, sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đi kèm các giấy phép chứng nhận. Không chỉ Nhật Bản mà Lào, Singapore hay các nước đều có quy chuẩn bảo vệ sức khỏe, vì vậy, ngay từ bao bì, mẫu mã phải đảm bảo chứng minh không tồn dư chất độc hại, nhất là việc sử dụng bao bì nylon.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh: Muốn xuất khẩu trực tiếp qua các hệ thống siêu thị ở nước ngoài, các doanh nghiệp cần nắm bắt được các quy định của nước nhập khẩu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa, trong đó là cách đóng gói bao bì và hơn nữa là chất lượng. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải cam kết đầu tư từ khâu sản xuất đến thị trường, đảm bảo hàng hóa phù hợp với nhu cầu nhà nhập khẩu.

Tiềm năng bị bỏ ngỏ

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất bao bì, hàng năm tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động và có doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/tháng nhưng thị trường này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Nhiều cuộc khảo sát của các tổ chức nghiên cứu kinh tế gần đây cho thấy, hai sản phẩm có chất lượng và thành phần như nhau - nhưng khi trưng bày trên kệ hàng, thì sản phẩm nào có bao bì đẹp hơn, thu hút được khách hàng hơn sẽ có doanh số bán ra gấp 2,6 lần so với sản phẩm bên cạnh. Thậm chí khách hàng không hề đọc nội dung trên bao bì để biết chất lượng hai sản phẩm là giống nhau. Như vậy, mẫu mã, bao bì đóng góp một phần quan trọng trong việc quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng của người mua.

Theo đó, các kết luận cũng cho thấy, bao bì đóng góp đến 45% vào mức tăng doanh số của các doanh nghiệp. Nhận thấy được tầm quan trọng này, nhiều công ty đã liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Thậm chí, công ty quảng cáo đó là sản phẩm mới, chất lượng mới, nhưng thực chất đó chỉ là sản phẩm cũ nhưng được thay đổi kiểu dáng và kích cỡ của bao bì, giống như “bình mới mà rượu cũ” vậy.

Hiện, ở nước ta, ngành công nghiệp bao bì nói chung và ngành sản xuất, thiết kế, in ấn bao bì nói riêng chưa thực sự tạo ra những giá trị và mang lại lợi nhuận đúng nghĩa cho các doanh nghiệp. Các công ty hoạt động mạnh trong lĩnh vực bao bì chủ yếu do nước ngoài đầu tư. Ngoài ra, các công ty làm bao bì Việt còn bị cạnh tranh bởi bao bì thành phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, 2 thị trường tiềm năng là bao bì dược phẩm và thực phẩm - miếng mồi “béo bở” cho bất cứ doanh nghiệp làm bao bì nào - lại đang rơi chính vào tay các doanh nghiệp có yếu tố liên kết ra ngoài nước. Tất nhiên, dù chưa thống lĩnh được ngành công nghiệp bao bì như mong đợi, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận thành quả đạt được của các doanh nghiệp Việt hiện nay đã tốt hơn trước.

Bà Lưu Vân Trang, Phó giám đốc Công ty Bao bì Sao Mai Việt, chia sẻ: “Điều tôi băn khoăn nhất là, hiện nay trên 80 đến 90% thị phần giấy bao bì trong nước do các công ty sản xuất bao bì nhập khẩu từ Thái Lan và Đài Loan- Trung Quốc. Thực tế, thị trường bao bì, giấy carton của Việt Nam đang bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh. Một thị trường lớn bỏ ngỏ, không ai đáp ứng và nó đã được các đại gia nước ngoài nhanh chân nắm giữ và chi phối.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng".

  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top