Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 7 năm 2017 | 8:34

Nóng trong tuần: Mỹ tăng kiểm soát với cá tra, giá heo tăng, rầy nâu hoành hành

Mỹ tăng kiểm soát với cá tra, giá heo tăng, rầy nâu hoành hành,... là những điểm đáng chú ý của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tuần qua.

Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường ký kết hợp tác

Chiều 12/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 nhằm tăng cường hợp tác giữa 2 Bộ, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành thông suốt của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết chương trình phối hợp công tác.

Theo chương trình phối hợp, hai bên sẽ tăng cường phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan đến quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, hai Bộ còn phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các lĩnh vực có liên quan của hai Bộ. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc lập, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về: lĩnh vực đất đai do Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện, về vi phạm công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc lập và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về tài nguyên môi trường đối với các cơ sở sản xuất nông lâm, diêm nghiệp thủy sản, cơ sở chăn nuôi, nông, lâm trường làng nghề, nghề muối.

Từ 2/8, kiểm tra toàn bộ cá tra xuất vào Hoa Kỳ

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và PTNT: Ngày 6/7 vừa qua, Nafiqad đã nhận được công thư của FSIS thông báo đã ban hành quy định số FSIS-2017-0024 về việc sẽ áp dụng chính thức điều 9CFR557 (quy định về NK) tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2/8/2017 thay vì 1/9/2017 (thời điểm chính thức áp dụng như quy định tại Chương trình và các thông báo của FSIS trước đây).

Xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn.

Theo đó, kể từ ngày 2/8, tất cả các lô hàng cá bộ Silurformes NK vào Hoa Kỳ sẽ được FSIS thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra NK chính thức (i-house). Nhà NK phải gửi đơn đăng ký kiểm tra theo mẫu FSIS Form 9540-1 (bản giấy hoặc điện tử) cho FSIS trước khi lô hàng đến cửa khẩu. Trong đơn đăng ký kiểm tra, nhà NK phải ghi rõ tên cơ sở kiểm tra NK chính thức nơi FSIS sẽ thực hiện kiểm tra lô hàng. 

Nafiqad thông báo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động liên hệ với nhà NK để tuân thủ quy định của Hoa Kỳ. Trong đó, Nafiqad đặc biệt lưu ý về một số quy định. Cụ thể, về quy định ghi nhãn: Tên sản phẩm, lưu ý chỉ các loài trong họ Ictaluridae mới được dùng tên “catfish”; cá tra được sử dụng tên: Tra, sutchi, swai, striped pangasius; cá basa được sử dụng tên basa.

Với quy định này, các doanh nghiệp cần chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước bạn.

Sau 10 năm tạm yên, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lại hoành hành

Dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) đang gây hại trên các trà lúa hè thu ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra lúa bị bệnh.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ Thực vật, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) có thể gây hại lớn đến năng suất lúa, thậm chí phải phá bỏ. Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá do siêu vi khuẩn gây nên, môi giới truyền bệnh là rầy nâu. Việc khống chế mật độ rầy nâu trên đồng ruộng sẽ làm giảm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh VL - LXL.

Vụ hè thu 2017, diện tích lúa ở ĐBSCL bị rầy trên 300.000ha, bệnh VL - LXL trên 8.000ha. Dự báo vụ lúa thu đông bệnh rầy nâu di trú với số lượng lớn gây nguy cơ bùng phát dịch VL - LXL  nếu chúng ta không có các giải pháp kịp thời từ vụ hè thu năm nay.

Tại Hậu Giang vụ lúa ĐX 2016 - 2017, chỉ có hơn 1.600ha lúa bị rầy nâu gây hại và chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, vụ Hè Thu 2017, diện tích bị rầy nâu hoành hành tăng đột biến lên hơn 5.100 ha. Đặc biệt, vụ Thu đông 2017, tính đến thời điểm này, mặc dù chỉ mới xuống giống khoảng 23.900 ha, nhưng đã có gần 6.300 ha nhiễm rầy nâu, trong đó có 2.100ha mật số tập trung rất cao từ 3.000 - 14.000 con/m2.
Tại Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã ghi nhận khoảng 27.700 ha lúa nhiễm rầy nâu (chiếm 26,4% diện tích gieo trồng). TP.Cần Thơ cũng có ít nhất 3.300ha lúa bị nhiễm dịch hại, cao hơn 2.700 ha so với cùng kỳ vụ HT 2016.

Đồng Tháp là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với hàng chục ngàn hecat bị nhiễm, trong đó hơn 1.500 ha nhiễm nặng. 
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), nguyên nhân tái phát là do mất cân đối về cơ cấu giống lúa nhiễm rầy, nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, điển hình là giống OM5451 đã gia tăng nhanh diện tích gieo trồng ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân khác là chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ, nhất là ở cấp xã, vùng giáp ranh giữa các xã, huyện hoặc vùng không chủ động nguồn nước tưới. Tập quán canh tác truyền thống của nông dân như sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu không theo khuyến cáo

Giá heo bắt đầu khởi sắc

Sau 6 tháng liên tiếp giá lợn giảm xuyên đáy khiến người chăn nuôi thua lỗ tiền tỷ thì mấy ngày gần đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã và đang tăng mạnh. Theo đó, với mức giá lợn hơi từ 28.000-30.000 đồng/kg, người chăn nuôi bắt đầu hòa vốn.

Giá heo tăng giúp người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ.

Theo tin từ Hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, hiện giá lợn tại khu vực này cũng đã tăng lên mức 29.000 đồng/kg và dự kiến thời gian tới sẽ tăng lên mức 32.000-35.000 đồng/kg.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá heo hơi do một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) công bố lên 29.000 đồng/kg đã đẩy giá thị trường tăng lên theo. Dự báo, giá heo hơi sẽ tăng lên 35.000 đồng/kg trong vài tuần nữa khi doanh nghiệp FDI thu mua giá heo tăng.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định việc tăng giá này có thể do phía Trung Quốc khan hàng nên đẩy mạnh thu mua. Đây cũng có thể là do việc thỏa thuận giữa chính phủ hai nước hồi tháng 5 vừa qua về việc xuất khẩu heo của Việt Nam qua Trung Quốc.

Nhiều thương lái có kinh nghiệm lâu năm trong việc xuất lợn sang Trung Quốc cho biết hiện thị trường Trung Quốc đang hút hàng nhưng xuất khẩu chỉ là tiểu ngạch chứ không phải chính thức. Về ngắn hạn việc này có thể giúp tiêu thụ được heo, cân đối cung - cầu đẩy giá heo tăng thời gian qua nhưng nếu người nuôi cứ trông chờ vào thị trường này sẽ rất rủi ro và không phải là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi. Nếu cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát chặt biên giới thì đường xuất khẩu có thể bị chặn bất cứ lúc nào.

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, thời gian này lượng lợn tồn đọng đã giảm nên theo đó giá tăng lên. Ngoài ra, giá lợn tăng còn do nhu cầu thị trường nhích lên, nhiều lô lợn cũng đã xuất được sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Trúc cho rằng người chăn nuôi nên nghe ngóng tình hình diễn biến thị trường, nắm bắt thông tin từ cơ quan chức năng để có kế hoạch vào đàn phù hợp, tránh tình trạng tăng đàn ồ ạt như thời gian vừa qua dẫn đến cung vượt cầu, giá lợn giảm và người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Anh Thơ

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top