Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang khiến nhiều hộ chăn nuôi, các trang trại, đại lý thức ăn lâm vào cảnh nợ nần, bên bờ phá sản. Đó là câu chuyện thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh.
Hộ chăn nuôi điêu đứng
Ngồi thất thần nhìn vào chuồng trống không, ông Đặng Văn Đoàn (tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) cho hay, năm 2016, gia đình bắt đầu nuôi lợn. Hai lứa lợn đầu tiên, chăn nuôi có lãi, gia đình phấn khởi lắm. Những tưởng, chăn nuôi lợn dễ “hái ra tiền”, những lứa sau ông mạnh dạn nâng đàn.
Nào ngờ, người tính không bằng trời tính, sang những lứa nuôi tiếp theo thì gia đình ông Đoàn bắt đầu thấy lo. Năm 2017, chưa kịp hoàn hồn bởi cơn “bão giá” thì đến cuối năm 2018, dịch lở mồm long móng bùng phát khiến gia đình ông bị một phen điêu đứng.
Mới đây, khi thấy lợn có những triệu chứng bất thường, lo ngại “dính” DTLCP nên ông gọi điện báo ngay cho xã, huyện và Chi cục Chăn nuôi thú y Hà Tĩnh kiểm tra. Đàn lợn là vốn liếng của gia đình nhưng vì lo ngại dịch lây lan sang các hộ chăn nuôi khác trong vùng nên ông chấp hành các quy định về tiêu hủy, tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
“Giờ thì hết thật, đợt DTLCP, gia đình phải tiêu hủy 55 con lợn, trong đó có 5 con lợn nái, 5 con lợn con và 45 con lợn thịt. Trọng lượng trên 2 tấn, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, nợ cũ vẫn chưa trả hết. Tiền lãi hàng tháng vay tín dụng vẫn phải trả. Giờ gia đình chỉ còn biết trông chờ vào tiền hỗ trợ để trả nợ”, ông Đoàn than thở.
Cách không xa nhà ông Đoàn, mặc dù đã chủ động phòng dịch cẩn thận, đàn lợn hơn 2.000 con lợn nái và lợn thịt vẫn khỏe mạnh nhưng ông Phạm Văn Cảnh, Giám đốc HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực cũng “mất ăn, mất ngủ” vì lo.
Ông Cảnh chia sẻ, đã nhiều năm chăn nuôi lợn, ông chưa bao giờ gặp bệnh dịch này. Một loại bệnh dịch có tốc độ lây lan nhanh, gây chết hàng loạt, còn nguy hiểm, khủng khiếp hơn dịch tai xanh, lở mồm long móng và đáng lo nhất là chưa có vắcxin phòng ngừa.
“Từ khi có thông báo DTLCP từ các tỉnh khác, trại tôi đã xây dựng và thực hiện phương án phòng chống dịch; tập trung mọi nguồn lực để thực hiện an toàn sinh học. Để bảo vệ đàn lợn, chúng tôi cấm người ra vào trại 100%, chi phí khử tùng tăng gấp 5 lần bình thường để ngăn ngừa không cho mầm bệnh xâm nhiễm”, ông Cảnh cho hay.
Chỉ tay vào kho cám, thùng thuốc sát trùng, vôi, ông Cảnh bảo, ảnh hưởng của dịch, lợn không bán được nhưng vẫn phải bấm bụng đi vay anh em họ hàng một khoản tiền để mua cám, mua vôi. Theo nhẩm tính của ông Cảnh, trung bình một tháng trang trại hết hơn 20 triệu tiền tiêu độc khử trùng; rồi tiền cám, tiền nhân công, tiền điện, tính ra cũng ngót nghét gần 2 tỷ đồng, giá lợn giảm, khó bán, càng nuôi càng lỗ.
“Dù tốn kém nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng phòng dịch, bởi dịch mà lây lan đến trại tôi thì bể nợ. Nếu trại tôi đảm bảo an toàn, không phát dịch thì cũng chưa đủ, vì xung quanh môi trường đang là mối đe dọa lớn. Ví dụ như con chuột, hoặc chim chóc mang mầm bệnh từ ổ dịch, chỗ chôn lợn, diễn biến dịch đang phức tạp chưa biết đến bao giờ mới dập được nên bây giờ người nuôi lợn như ôm bom”, ông Cảnh buồn bã nói.
Không chỉ vùng dịch mà các huyện lân cận, người chăn nuôi lợn cũng đang “mất ăn, mất ngủ vì DTLCP. Ông T.P. (50 tuổi, trú Thạch Tân, Thạch Hà), chủ quản lý trại nuôi lợn theo mô hình liên kết, cho hay, tổng đàn lợn của trang trại là hơn 500 con lợn thịt đang đến độ xuất chuồng. Vì thế, ông và gia đình rất lo lắng nếu dịch bệnh lây lan.
“Lợn nhà tôi nuôi đã được 3 tháng, đạt khoảng 90kg/con, trong vòng 15 ngày tới buộc phải xuất chuồng. Nhưng thông tin DTLCP khiến giá lợn xuống dốc, bình thường hơn 40.000 đồng/kg, nay chỉ bán còn khoảng 30.000 đồng/kg. Nếu bán với giá này thì doanh nghiệp phải bù lỗ khoảng 500 ngàn/con. Hơn bao giờ hết, các hộ chăn nuôi đang rất cần các cơ quan chức năng có những chỉ dẫn và hướng đi cụ thể cũng như sự chia sẻ của người tiêu dùng nhằm giúp người chăn nuôi lợn không phải rơi nước mắt”, ông P. nói.
Đại lý cám chung số phận
Không chỉ những hộ chăn nuôi lợn than thở, buồn bã vì một đống nợ chưa trả hết, mà những ông chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng “kêu trời, kêu đất” vì phải ôm một khoản nợ lớn khó đòi.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, một chủ đại lý cám ở Chợ Đình (thôn Tân An, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên), cho biết, trước đây, khi chưa xuất hiện DTLCP, mỗi tháng gia đình anh bán ra thị trường khoảng 20 tấn cám. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, số lượng cám bán ra giảm hơn một nửa.
Theo lời kể của anh Tuấn, gia đình anh bán chịu cho người dân rất nhiều, số tiền nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Thông thường, cứ sau 1 lứa lợn, khoảng 6 tháng thì người dân đem tiền đến trả một cục.
Song, nhiều tháng nay, dịch lở mồm long móng rồi đến DTLCP, người chăn nuôi gặp khó nên không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Gia đình anh đành phải ôm một khoản nợ lớn nhưng không dám đòi.
“Mình không thể bắt ép người dân trả nợ cho mình, bởi vì thu nhập chính của họ chỉ biết trông vào đàn lợn. Giờ lợn chết, thì họ lấy tiền đâu ra mà trả nợ. Gia đình buộc phải giãn nợ để họ trả dần. Chủ yếu kinh doanh là phải tin tưởng nhau, chấp nhận rủi ro chứ giờ biết làm sao”, anh Tuấn bộc bạch.
Cũng như anh Tuấn, gia đình anh Nguyễn Văn Chinh, một đại lý buôn bán cám đóng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, chia sẻ: Trước đây, mỗi tháng, gia đình bán khoảng 100 tấn cám cho các hộ chăn nuôi, đại lý nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, số lượng cám bán ra thị trường giảm mạnh khiến gia đình cũng đau đầu.
“Đối với các hộ chăn nuôi mua chịu, chưa trả được tiền cám, gia đình đành phải giãn nợ cho họ. Giờ có đòi, cũng không lấy được tiền mà anh em lại mất lòng nhau…”, anh Chinh thổ lộ.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cho biết: DTLCP xảy ra trên 14 xã, thị trấn của 4 huyện ở Hà Tĩnh, số lợn đã tiêu hủy 637 con, trọng lượng 27.803 kg. DTLCP diễn biến phức tạp làm thu hẹp thị trường tiêu thụ, cùng với đó giá lợn cũng lên xuống thất thường khiến người chăn nuôi và các đại lý cám gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Hùng, tỉnh cũng đã trích ngân sách hỗ trợ người chăn nuôi trên 20.000 lít hóa chất, hướng dẫn bà con nâng cao kiến thức, chủ động bảo vệ đàn lợn, hướng dẫn quy trình, thủ tục xuất bán đúng quy định. Đồng thời có đề xuất gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra để động viên người chăn nuôi trong lúc khó khăn này.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 42 về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh DTLCP, nổi bật là nội dung hỗ trợ phí duy trì đàn heo giống sau dịch. Cụ thể: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và chủ hộ nuôi giữ heo giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con heo đến ngày 31/12/2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn heo giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh. Hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi heo và phù hợp cho từng loại heo. Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP với mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi nêu trên nhưng tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có). |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.