Những năm qua, phát huy thế mạnh về nguồn nước, lĩnh vực nuôi thủy sản đang được người dân một số địa phương trong tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn hạn chế so với tiềm năng mặt nước sẵn có.
Thế mạnh
Theo ngành Nông nghiệp Bắc Kạn, năm 2011, toàn tỉnh có 1.095ha mặt nước ao, hồ, ruộng nuôi cá, sản lượng đạt 870 tấn; đến năm 2021, diện tích nuôi là 1.346ha, sản lượng đạt gần 3.000 tấn; ngoài ra còn có 57 lồng nuôi với thể tích khoảng 2.407m3, sản lượng gần 100 tấn cá/năm.
Bắc Kạn hiện có 02 con sông (sông Năng, sông Cầu) và 35 hồ chứa thủy lợi có thể nuôi cá. Tuy nhiên, mới chỉ có người dân các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Mới khai thác lợi thế mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng. Lồng cá được làm bằng khung kẽm chắc chắn, có thể tích 50m3 trở lên, nuôi các loại cá chủ yếu như: Rô phi đơn tính, điêu hồng, trắm cỏ, trắm đen, chép...
Để hỗ trợ các hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2017 đến năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá điêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”; mô hình “Nuôi cá điêu hồng trong lồng bè” tại các xã Đức Vân (Ngân Sơn), Quảng Chu và Bình Văn (Chợ Mới), Cao Trĩ (nay là xã Cao Thượng, Ba Bể), Kim Lư (Na Rì).
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật từ khâu chọn lựa con giống, kỹ thuật nuôi trồng, với mục tiêu phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, tạo sinh kế cho người dân. Cụ thể, bà con được hỗ trợ 70% chi phí con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, vôi; được tập huấn kỹ thuật. Cùng với đó, các hộ dân nuôi cá được tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương có mô hình nuôi cá lồng phát triển. Sau 5 tháng (trong năm 2021) tổ chức thực hiện nuôi cá điêu hồng trong lồng 84m2 mặt nước, trọng lượng cá trung bình đạt 0,75- 1kg/con, tỷ lệ sống đạt 71%, sản lượng thu được 4.480kg; giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 50,5 triệu đồng. Sản phẩm cá nuôi lồng được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Chị Nguyễn Thị Liễu, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn (phụ trách hỗ trợ mô hình nuôi cá lồng), cho biết: Mô hình cho thu nhập cao, giúp nông dân địa phương nhận rõ được giá trị của việc nuôi cá lồng trên một đơn vị diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, khó khăn của bà con là thiếu vốn, nhất là chi phí đầu tư lồng cá. Do vậy, mặc dù diện tích mặt nước sông, hồ còn nhiều nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Do hoạt động nuôi cá lồng cho thu nhập khá, một số hộ dân các xã Bành Trạch, Thượng Giáo, Khang Ninh và thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) đã đầu tư 2 - 3 lồng nuôi cá trên sông Năng, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Còn đối với sông Cầu thuộc địa bàn huyện Chợ Mới, lưu vực sông có độ sâu 2-3m, nước chảy chậm, rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng nhưng chưa có hộ dân nào thực hiện.
Lãng phí nhất là với 35 hồ chứa với tổng diện tích mặt nước lên tới 255ha. Diện tích lớn nhất là hồ Nặm Cắt 100ha, Bản Chang 46ha, Khuổi Khe 32ha, Nà Đon 10ha, Tân Minh 8ha… Ngoài ra, còn các hồ đập thủy điện rộng lớn tới vài chục hecta như Thác Giềng, Pác Cáp… cũng chưa được người dân tổ chức nuôi cá lồng.
Mở hướng làm ăn mới
Thực tế thấy, mô hình nuôi cá lồng được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về việc hình thành nghề nuôi cá lồng, mở ra hướng làm ăn mới, cho thu nhập ổn định. Mô hình ít rủi ro, dịch bệnh ít phát sinh gây hại; dễ thực hiện, phù hợp với tập quán sản xuất của người dân... Mặc dù vậy, việc nuôi cá lồng ở một số sông, hồ đã diễn ra nhưng chỉ ở dạng mô hình dự án do Trung tâm Khuyến nông tài trợ cho người dân thực hiện, sau đó việc duy trì nuôi cá lồng rất hạn chế, chỉ có mô hình ở huyện Ba Bể là phát triển.
Trước thực tế tiềm năng mặt nước sông, hồ còn rất lớn, tỉnh Bắc Kạn cần xây dựng kế hoạch nuôi cá lồng, mở rộng quy mô trên hồ chứa thủy lợi nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi, cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng địa phương nhằm khôi phục, nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.