Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 | 14:6

Nuôi dê thành công bằng dược liệu

Mô hình “Nuôi dê thịt bằng cây dược liệu” của Nguyễn Viết Dũng, sinh viên năm 4 Trường Đại học Thủ Dầu Một cho hiệu quả kinh tế cao gấp rưỡi so với cách nuôi thông thường. Bằng niềm tin, khát vọng của tuổi trẻ, Dũng đã khởi nghiệp thành công.

1.jpg
Nguyễn Viết Dũng khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dê.

 

Sinh ra và lớn lên tại huyện Bàu Bàng (Bình Dương) trong gia đình làm nông nghiệp, Dũng có sở thích trồng trọt và chăn nuôi từ bé. Năm 2014, giá mủ cao su xuống thấp, với nhiệt huyết, khát vọng của tuổi trẻ, Dũng đã tìm hiểu nhiều mô hình nông nghiệp khác để thay thế, cải thiện cuộc sống.

Dũng chia sẻ: “Sau quá trình tìm hiểu, phát hiện nuôi dê là mô hình đem lại lợi nhuận kinh tế cao, phù hợp với điều kiện gia đình và thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Bên cạnh đó, địa phương có nhiều mô hình trồng cây dược liệu, sau khi thu hoạch thường vứt bỏ đi các phụ phẩm như cành, lá, mình có thể xin hoặc mua lại với giá rất rẻ để làm thức ăn cho dê. Mặt khác, việc cho dê ăn bằng cây dược liệu sẽ tạo ra sản phẩm dê thịt sạch, nhiều vitamin, khoáng chất hơn. Hơn nữa, dê ăn các loại cây dược liệu sẽ có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Điều này giúp giảm chi phí trong quá trình nuôi dê”.

Những loại cây dược liệu Dũng dùng cho dê ăn là các loại cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, khổ sâm, kim ngân, ngưu tất, hồng ngọc, bồ công anh, các loại củ quả như khoai lang, bí đỏ, chuối... Hiện nay, dê hơi nuôi theo kiểu thông thường giá bán trên thị trường khoảng 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, dê nuôi bằng cây dược liệu có giá bán gần 150.000 đồng/kg nhưng thương lái rất ưa chuộng loại này, cung đang không đủ cầu.

Theo Nguyễn Viết Dũng, mặc dù vốn đầu tư cho con giống và chuồng trại khá cao, 8-10 triệu đồng/cặp giống bố mẹ, nhưng so với nuôi heo, bò, gà thì nuôi dê sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn hơn.

Tuy nhiên, người nuôi dê cũng cần phải lưu ý, dê khá nhạy cảm, dễ bị bệnh nên người nuôi cần phải thường xuyên quét dọn chuồng trại. Nếu phát hiện dê bỏ ăn, phải cách ly và chữa trị kịp thời để tránh nguy cơ lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn.

PHƯƠNG AN
Ý kiến bạn đọc
Top