Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 8 năm 2022 | 10:22

Nuôi kết hợp thủy sản nước lợ, giảm rủi ro ở ao đất vùng triều

Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua, cá đối, cá chim trắng vây vàng rất thích hợp với các ao đất vùng triều trong điều kiện môi trường nước mất cân bằng sinh thái, phương tiện thiếu thốn.

Phương thức nuôi kết hợp này giảm rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản ở ao đất vùng triều.

Nuôi kết hợp tôm - cua - cá theo hướng bền vững

Khu vực Đông Min thuộc thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương (Bình Sơn - Quảng Ngãi) có diện tích 17ha với 43 hộ dân tham gia nuôi tôm, hầu hết là ao đất vùng triều. Vùng nuôi ở đây không có nguồn điện để chạy máy tạo ôxy và chạy máy bơm nước, nhiều ao nuôi không đảm bảo độ sâu mức nước khi thủy triều xuống thấp... Ngoài ra, điều kiện thời tiết, môi trường nuôi ngày càng diễn biến bất lợi nên việc nuôi tôm độc canh của bà con thường xảy ra dịch bệnh, một số hộ dân phải bỏ ao trống nhiều năm qua.

Trước thực tế trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn triển khai mô hình vùng nuôi kết hợp thủy sản nước lợ tại xã Bình Dương, với quy mô 17ha, 43 hộ tham gia, thời gian thực hiện từ tháng 3/2022; ngân sách huyện hỗ trợ  giống và kinh phí phí triển khai, với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Số lượng giống thả trên 17ha gồm: cua 170.000 con, tôm thẻ chân trắng 5.100.000 con,  cá đối 1.824 con, cá chim trắng vây vàng 22.000 con.

 

1.jpg
Tham quan mô hình vùng nuôi kết hợp thủy sản nước lợ tại thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương.

  

Mục tiêu của mô hình là chuyển đổi hình thức nuôi tôm độc canh ao đất sang hình thức nuôi kết hợp tôm - cua - cá theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, các đối tượng nuôi ghép ít có tính đối kháng, sống ở các tầng nước khác nhau và có tính ăn mang tính bổ trợ lẫn nhau nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thức ăn trong ao một cách tốt nhất cũng như hiệu quả trong việc cân bằng mỗi trường sinh thái ao nuôi.

Khi nuôi kết hợp tôm - cua - cá trong cùng một ao sẽ tạo cho môi trường ao nuôi có sự cần bằng sinh thái nhờ đặc tính ăn rong tảo và mùn bã hữu cơ của cá, từ đó làm giảm ô nhiễm đáy ao, giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi.

Cua biển có tính ăn thiên về động vật, trong điều kiện nuôi ao, cua sử dụng thức ăn tanh lẫn thức ăn công nghiệp; tôm thẻ chân trắng có tính ăn thiên về động vật, tôm sử dụng được nhiều loại thức ăn tự nhiên có kích cỡ phù hợp từ mùn bã hữu cơ đến các động, thực vật thủy sinh, trong điều kiện nuôi ao, tôm sử dụng thức ăn công nghiệp; các loại cá nuôi ghép, ngoài nguồn thức ăn được cung cấp, chúng còn có tính ăn rong tảo trong nước và một ít mùn bã hữu cơ nên góp phần làm giảm ô nhiễm đáy ao.

Thu lãi trên 115 triệu đồng/ha

Các ao nuôi triển khai mô hình có diện tích dao động 1.500 - 5.000m2, độ sâu 1,2 - 1,5m.

Về công tác chuẩn bị ao nuôi trước khi thả giống: Tháo cạn nước, vét bùn, gia cố bờ ao, rào lưới xung quanh để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài, đồng thời ngăn cua bò ra ngoài. Bón vôi nông nghiệp CaCO3 với lượng 100kg/1000m2. Tiến hành diệt tạp ao nuôi bằng saponine, liều lượng căn cứ theo hướng dẫn trên bao bì và điều kiện độ mặn ao nuôi; diệt khuẩn ao nuôi bằng các loại sát khuẩn (chlorine, Iodine…); nâng độ kiềm ao nuôi tối thiểu đạt 90, pH tối thiểu 7,5.

Tiến hành gây màu nước cho ao nuôi bằng cách sử dụng cá tạp nấu chín, trộn với cám gạo theo tỷ lệ 1:1, liều lượng sử dụng 3-4kg/1000m3/lần, tạt liên tục trong 3 ngày, bón vào thời điểm có nắng. Bón bổ sung vôi dolomite 20kg/1000m3. Khi nước ao lên màu tảo, kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và tiến hành thả giống.

 

2.jpg
Thu hoạch tôm, cua ở mô hình vùng nuôi kết hợp thủy sản nước lợ tại thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương.

 

Thả giống khi ao nuôi đã được gây màu nước tốt, các loại tảo có lợi và sinh vật phù du phát triển. Con giống đảm bảo chất lượng, độ mặn trại giống được hạ tương thích với độ mặn ao nuôi. Thả giống vào thời điểm sáng sớm.

Mật độ thả nuôi ghép: Tôm thẻ chân trắng 30 con/m2; cua biển 01 con/m2; cá đối , cá chim trắng 01 con/7m2. Công việc thả giống phải thực hiện thành nhiều đợt nhưng phải hoàn thành trong vòng một tuần, vì các khu vực nuôi ở vùng Đông Min thời điểm này có độ mặn rất thấp, có những khu nuôi ven đồng ruộng còn thấp hơn nên phải đợi có độ mặn phù hợp mới tiến hành thả giống.

Cho tôm, cua, cá ăn bằng nhiều loại thức ăn khác nhau, gồm: thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho cá - tôm, cá tạp hấp chín, chim chíp. Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng.

Khẩu phần cho ăn dao động từ 3-10% tổng trọng lượng đàn vật nuôi, tùy vào giai đoạn phát triển, kết hợp với việc kiểm tra thực tế sàn ăn để điều chỉnh cho phù hợp. Cho ăn 2 lần/ngày. Từ ngày thứ 20, sau khi thả giống, điều chỉnh thức ăn trong ngày thông qua sàn ăn.

Thu hoạch sau 2,5-3 tháng thả nuôi, lúc này tôm thẻ chân trắng đã đạt cỡ thương phẩm và đến kỳ cho thu hoạch, dùng lưới kéo tôm để bán. Sau thu hoạch tôm, bà con có thể tiếp tục thả ương tôm trong thời gian 25-30 ngày ở ao ương riêng, rồi đặt lưới lồng bắt tôm cho vào nuôi chung với cua, cá. Nếu hộ dân không có ao ương thì có thể đặt giai trong ao để ương, sau 20-25 ngày thì thả ra nuôi chung với cua, cá.

Cua biển sau 4 tháng nuôi đạt  cỡ thương phẩm và đến kỳ cho thu hoạch, bà con dùng lưới lồng để bắt những con cua lớn bán trước, những con chưa đạt kích cỡ thương phẩm tiếp tục nuôi.

Cá đối và cá chim trắng vây vàng sau 6 tháng nuôi là đạt cỡ thương phẩm và tiến hành thu hoạch.

Theo báo cáo kết quả mô hình, tổng thu (cả 3 đối tượng tôm, cua và cá) trung bình đạt trên 445,6 triệu đồng/ha, trừ chi phí (330,6 triệu đồng/ha), thu lãi trên 115 triệu đồng/ha.

Theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Sơn,  khả năng chịu đựng nhiệt độ cao của cua biển kém hơn so với tôm - cá, trong khi một số ao nuôi có độ sâu mực nước thấp nên dễ bị tác động bất lợi vào mùa nắng nóng đối với cua. Do đó, hàng năm bà con cần chủ động trong việc cải tạo ao nuôi sớm, tranh thủ lấy nguồn nước mặn vào ao và thả giống cua sớm ngay từ đầu vụ, vì thời điểm này tiết trời mát mẻ nên thuận lợi cho sự phát triển của cua, mặc khác cần tu sửa lại ao nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là độ sâu mức nước ao ít nhất là 1,2m, nhằm hạn chế tác động nhiệt độ vào mùa nắng nóng.

Đối với những ao nuôi có tôm tít khi chuẩn bị ao nuôi, cần tiến hành diệt tôm tít ít nhất 15 ngày trước khi thả giống; saponine diệt cá tạp cần ngâm qua đêm và xử lý vào lúc gần sáng để đạt hiệu quả diệt cá tạp cao nhất; cần dùng lưới có mắt lưới nhặt chắn cống bên trong lẫn bên ngoài mương nhằm ngăn cá tạp xâm nhập vào ao, đặc biệt là cá rô phi, cá mòi...

Cá nuôi ghép trong mô hình là đối tượng phụ, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá không nhiều nhưng có lợi ích gián tiếp từ việc thu hoạch tôm, cua. Đối với vùng triều của Đồng Min, với phương tiện thiếu thốn, không có thiết bị xiphong bùn đáy thì bà con cần thiết phải nuôi ghép cá, đây là giải pháp hiệu quả, rẻ tiền xử lý môi trường ao nuôi để quá trình nuôi mang tính bền vững, lâu dài.

 

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top