Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 11 năm 2021 | 10:54

Nuôi thiên địch khống chế bọ cánh cứng hại dừa

Bên cạnh biện pháp hóa học, để bảo vệ vườn dừa trước bọ cánh cứng, biện pháp sinh học - phóng thích ong ký sinh và bọ đuôi kìm vàng được triển khai tại nhiều địa phương đã đem lại hiệu quả tích cực.

1.900ha dừa bị bọ cánh cứng gây hại

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long), trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều loại dịch hại mới phát sinh, trong đó bọ cánh cứng là một trong những đối tượng dịch hại nghiêm trọng trên cây dừa.

Tuy nhiên, việc phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng biện pháp hóa học rất kém hiệu quả và dễ dàng để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ảnh hưởng đến chất lượng trái. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 1.900ha dừa bị bọ cánh cứng gây hại.

Bọ cánh cứng thường gây hại nặng vào mùa khô (do vào mùa khô cây thiếu nước, sinh trưởng kém hơn, nếu cây cùng lúc bị kiến vương gây hại, thiệt hại sẽ càng trầm trọng hơn). Vườn dừa non, ít chăm sóc bị hại nặng hơn vườn dừa già, chăm sóc, bón phân tốt.

Bọ dừa trưởng thành có thể sống đến 220 ngày, sợ ánh sáng, di chuyển thường vào ban đêm. Con cái đẻ trên 100 trứng, thành cụm từ 2 - 5 trứng dính lại với nhau kết chặt trên bề mặt của lá dừa, trứng nở sau khi đẻ khoảng 5 ngày.

Khi thành trùng và ấu trùng, bọ cánh cứng tấn công bề mặt của lá non chưa mở. Quá trình gây hại của đuông dừa nguy hiểm vì rất khó phát hiện. Cây bị gây thiệt hại thường giảm năng suất, nếu không phát hiện kịp thời, cây bị nặng có thể chết.

Lên liếp trồng dừa  gần 5 năm, ông Nguyễn Minh Du (thị trấn Cái Nhum - Mang Thít), cho hay: “Hiện, phần lớn cây dừa tôi trồng đã cho trái, dù tôi thường xuyên phun thuốc, kiểm tra gốc cây nhưng một số vẫn bị đuông dừa ăn chết cây, năm nào cũng phải dặm lại”.

 

1-copy.JPG
Đuông dừa gây thiệt hại cho vườn dừa nếu không phòng trừ, phát hiện kịp thời.

 

Sử dụng biện pháp sinh học

Để chủ động phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh và bọ đuôi kìm vàng. Hiện, Vũng Liêm có trên 4.300ha dừa, trong đó có trên 3.300ha dừa cho trái.

Chị Lê Thị Phương Thúy, cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và BVTV Vũng Liêm, cho biết: Trong huyện có 17 xã trồng dừa với diện tích từ 200ha trở lên.

Thời gian qua, bọ cánh cứng hại dừa đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Việc áp dụng phương pháp sinh học - phóng thích ong ký sinh và bọ đuôi kìm vàng được triển khai thực hiện giúp cân bằng hệ sinh thái, về lâu dài và diện rộng sẽ từ từ khống chế bọ cánh cứng hại dừa.

Cụ thể, trước khi thực hiện mô hình, tỷ lệ dừa nhiễm 74,3%, sau khi triển khai phóng thích 2 loài ong ký sinh, thả bọ đuôi kìm vàng, phun nấm xanh định kỳ; đồng thời, hướng dẫn nhà vườn bón phân hữu cơ, vệ sinh cây dừa, không nên trồng với mật độ dày, không sử dụng thuốc BVTV trên vườn dừa, thì cây dừa phát triển tốt, hạn chế được bọ cánh cứng gây hại rất đáng kể.

Sau 6 tháng, tỷ lệ nhiễm giảm còn 25%, mỗi năm giảm được khoảng 6 lần phun thuốc phòng trừ bọ cánh cứng.

Áp dụng mô hình phóng thích bọ đuôi kìm vàng từ năm 2019, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyền (xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm), cho hay: Trồng hơn 1ha dừa nhưng bị thiệt hại nhiều do bọ cánh cứng. Sau một thời gian thực hiện, biện pháp sinh học này đã mang lại hiệu quả khá rõ rệt, giảm thiệt hại nhiều.

Theo ThS. Bành Ngọc Nghĩa, Phòng Kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long), việc nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh, bọ đuôi kìm vàng đã góp phần quản lý tốt bọ cách cứng hại dừa.

Theo dự báo, mùa khô năm 2021-2022, mức độ gây hại do bọ cánh cứng hại dừa có chiều hướng tăng.

Để bảo vệ vườn dừa, đơn vị sẽ tiếp tục nhân thả 2 đợt bọ đuôi kìm vàng trong những tháng cuối năm nay. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân thả thêm các đối tượng thiên địch khác.

Theo ngành chức năng, bên cạnh việc áp dụng biện pháp cơ học, việc sử dụng biện pháp sinh học trên cây dừa sẽ có hiệu quả lâu dài, an toàn với con người và không gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, nhà vườn cũng cần có biện pháp canh tác hợp lý như vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên kiểm tra vườn dừa, để mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

 

Bọ đuôi kìm vàng là loài thiên địch phổ biến trên cây dừa. Đây là loài có sức sống, thích nghi tốt với điều kiện ngoài tự nhiên. Việc nhân nuôi bọ đuôi kìm vàng cũng đơn giản, thuận lợi cho nông dân, có thể tự nhân nuôi tại nông hộ.

Trong năm 2021, Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long đã tập huấn, phát động truyền thông “Sử dụng thiên địch để phòng chống dịch hại trên cây dừa”, thực hiện nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh, bọ đuôi kìm vàng để quản lý bọ cánh cứng hại dừa trên địa bàn. Đến cuối tháng 9, đơn vị đã nhân nuôi và thực hiện 2 đợt phóng thích bọ đuôi kìm vàng và ong ký sinh trên vườn dừa tại các xã: Tân An Luông, Hiếu Nhơn, Trung An, Trung Ngãi (Vũng Liêm); Phú Thịnh, Tân Phú, Hòa Thạnh (Tam Bình); Xuân Hiệp (Trà Ôn). Tổng số lượng ong ký sinh phóng thích là 6.500 mummy (tương đương 195.000 ong ký sinh) và 6.500 con bọ đuôi kìm vàng.

 

NGUYÊN KHANG
Ý kiến bạn đọc
Top