Từ giữa tháng 12/2016 đến nay, do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài nên nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tâm lý lo lắng cho người dân.
Kiểm tra cây tiêu bị bệnh tại xã Gio An.
Gia đình bà Thái Thị Kim Huê ở thôn Hảo Sơn (xã Gio An, huyện Gio Linh) có hơn 50 cây hồ tiêu 5 năm tuổi, đang phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, năm nay sau mấy đợt mưa lớn kéo dài, hàng loạt cây hồ tiêu đang xanh tốt trong vườn nhà bà bỗng nhiên rụng lá, rụng quả rồi chết rất nhanh. “Năm ngoái với 50 gốc tiêu, tôi thu được hơn 1,1 tạ hạt tiêu khô. Thấy giá tiêu đang ở mức cao nên năm nay tôi tập trung chăm sóc, bón phân, thấy cây tiêu phát triển xanh tốt, tôi dự tính cũng phải thu được 1,2-1,5 tạ. Ai dè ông trời “cho thấy mà không cho ăn”, sau mấy đợt mưa lớn kéo dài, cây tiêu trong vườn nhà tôi cứ rụng lá rồi chết dần. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy cây tiêu bị bệnh gì mà lây lan nhanh, chết nhanh như thế. Ban đầu chỉ có mấy gốc bị chết, giờ lan ra khắp vườn, cây tiêu rụng hết lá, hết quả rồi chết rất nhanh. Mọi chi tiêu trong gia đình lâu nay tôi chỉ trông chờ vào mấy gốc tiêu đó, giờ không biết làm thế nào”, bà Huê không giấu được vẻ lo lắng.
Ông Lê Phước Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Gio An, cho biết: Toàn xã có 92ha trồng tiêu, với hơn 80ha đang ở thời kỳ kinh doanh, hàng năm mang lại thu nhập cho người dân từ 25 - 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, do tình trạng mưa rét kéo dài đã làm cho hơn 80% vườn tiêu trên địa bàn xã bị vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả và chết rất nhanh. Các cây bị bệnh đều có dấu hiệu gốc bị thối đen, lá chuyển sang màu vàng trước khi rụng, dây thân tiêu thâm đen. Cây tiêu chết rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ từ 1 - 2 tuần, cây tiêu chết khô nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Không chỉ gây chết nhanh mà bệnh này còn lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở những vườn tiêu thoát nước kém. Theo ông Hiếu, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, rất có khả năng toàn bộ diện tích trồng tiêu của xã sẽ bị xóa sổ.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân cây tiêu bị bệnh và hướng khắc phục, bà Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Gio Linh, cho biết: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có gần 150ha tiêu bị bệnh, trong đó bị nặng gần 24ha. Qua kiểm tra có thể nhận định các vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh. Đây là bệnh do nấm Phytophthora spp. gây nên. Loài nấm này tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất của cây tiêu, khiến các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt rồi biến màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất có dấu hiệu héo. Triệu chứng này xảy ra khá nhanh, chỉ sau một vài tuần sẽ làm chết cả cây tiêu. Nấm bệnh thường phát sinh, xâm nhiễm và gây hại rễ tiêu vào đầu hoặc giữa mùa mưa nhưng cuối mùa mưa mới gây chết hàng loạt. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không được thoát nước tốt, không làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, bón phân không cân đối. Nguồn bệnh chết nhanh tồn tại trong đất, trong tàn dư cây bệnh, lây lan qua những cây khác bằng nhiều con đường như qua dụng cụ làm đất, qua các loại côn trùng, đặc biệt là lây lan qua nguồn nước, do đó chỉ cần trong vườn có một vài cây bị bệnh, bệnh sẽ nhanh chóng lây lan cho các cây khác trong vườn khi có mưa lớn, nước chảy tràn trên bề mặt của vườn tiêu dẫn tới việc tiêu chết hàng loạt.
Theo bà Trinh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây tiêu, bà con cần phải vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ, khơi thông mương rãnh thoát nước ở các vườn tiêu, rắc vôi bột và phun các loại thuốc phòng bệnh. Đối với trụ tiêu bị bệnh nhẹ và các trụ liền kề trụ tiêu bị bệnh thì có thể xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Aliette 800WG, Amistar top 325SC, Agrifos 400… Khi phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng. Phun đúng thuốc trừ bệnh chết nhanh cây hồ tiêu, chỉ được xử lý thuốc khi trời tạnh ráo, xử lý bằng cách tưới vào gốc và phun lên lá với liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo ghi trên bao bì.
Đối với trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết, cần thu gom đưa ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Tiêu trồng lại trên đất vườn đã bị bệnh chết nhanh cần được xử lý đất bằng vôi bột, trước khi trồng bón chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra hiện nay là chi phí để phòng trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu khá cao, từ 20 - 40 triệu đồng/ha. Vì vậy bà con nông dân đang rất mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với các vườn tiêu bị bệnh hại, nhằm giúp người dân hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh trên cây tiêu gây ra.
Thục Quyên
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.