Nhiều tỉnh ven biển miền Trung đã triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những trở ngại
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng tôm thẻ năm 2019 là 480.000 tấn, vượt xa so với tôm sú 270.000 tấn; giá trị xuất khẩu của tôm thẻ là 2,36 tỷ USD, chiếm đến 70% tổng giá trị tôm xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh miền Trung lại đang gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh bùng phát khắp mọi nơi; hiệu quả kinh tế thấp do có nhiều rủi ro, chất lượng sản phẩm kém do dư lượng kháng sinh và hóa chất độc hại nên tôm khó xuất vào các thị trường khó tính.
Để khắc phục các trở ngại trên, được sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh miền Trung triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm” trong 3 năm từ 2019 - 2021.
Khoa học kỹ thuật giúp đảm bảo an toàn thực phẩm
Dự án này hướng đến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế dịch bệnh, gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm, tạo sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Với 3 năm thực hiện, dự án đặt mục tiêu xây dựng thành công 10 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô 1,5 - 2,0 ha/mô hình; tổ chức các hoạt động đào tạo chuyển giao mô hình tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế dịch bệnh tại một số tỉnh ven biển miền Trung cho 500 nông - ngư dân trong và ngoài mô hình; Thông tin tuyên truyền nhân rộng mô hình thông qua tổ chức hội thảo, tổng kết với 570 lượt người tham gia.
Đến nay, sau 2 năm thực hiện, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm đã được triển khai trên 11ha. Cụ thể, Hà Tĩnh 2ha, Quảng Bình 1,5ha, Quảng Trị 3,5ha và Thừa Thiên - Huế 4ha. Trong năm 2021, dự án sẽ tiếp tục triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên 7,5ha ở các địa phương này.
Tín hiệu tích cực
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại những kết quả hết sức khả thi, như: tỷ lệ sống trung bình của tôm nuôi đạt 76%; trọng lượng trung bình tôm thu được 58,6 con/kg; năng suất trung bình 10,36 tấn/ha; lợi nhuận thu được từ 170 - 450 triệu đồng/ha; hạn chế tối đa dịch bệnh trên tôm, nhất là các bệnh về môi trường; tôm thẻ nuôi theo mô hình được đánh giá đảm bảo an toàn thực phẩm…
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, những năm qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao” tại huyện Thạch Hà nhằm giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh; hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, phát triển nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; góp phần khai thác hợp lý vùng cát hoang hóa ven biển, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nuôi.
Với khu nuôi 1ha và được thiết kế gồm 02 ao chứa lắng 2.000m2, 01 ao xử lý nước 1.000m2, 01 ao chứa chất thải 800m2, một nhà cấy vi sinh 20m2, 3 bể ương 500m2, 6 bể nuôi 7.000m2 và các công trình phụ trợ.
Sau 3 vụ, với mật độ ương 3.000 con/m2, sau 25 - 38 ngày nuôi tôm đạt kích cỡ 800 - 1.000 con/kg, tỷ lệ sống đạt 91 - 95%; tiếp tục chuyển sang nuôi tôm thương phẩm với mật độ 195 - 200 con/m2 và sau 60 - 68 ngày đạt 60 - 70 con/kg, tỷ lệ sống cuối vụ đạt 89 - 92%.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh tính toán, sau 3 vụ, người nuôi đạt lợi nhuận hơn 610 triệu đồng/ha và có thể thu hồi vốn sau 1,68 năm.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho hay, địa phương đã thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn hiệu quả trong ao đất.
Cụ thể, với diện tích 4.000m2, sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 3.400kg, với giá bán 105.000 đồng/kg, doanh thu đạt được 357 triệu đồng; trừ chi phí 245 triệu đồng, người nuôi đã lãi 112 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cũng đã được triển khai ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... Điểm chung trong báo cáo của các mô hình này cho thấy việc nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm là phù hợp tại một số tỉnh ven biển miền Trung.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, để nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hiệu quả và bền vững, cần đảm bảo các yếu tố như thiết kế ao đồng bộ, có lưới che, nếu nuôi thâm canh phải có cống tràn nước mưa. Chọn giống đảm bảo chất lượng, không mua tôm giống trôi nổi trên thị trường. Trước khi mua thông báo độ mặn, nhược điểm nuôi để cơ sở sản xuất giống biết; quan sát, lựa chọn con giống có màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh... Cũng theo ông Tiêu, “nuôi tôm là nuôi nước”, do đó ao nuôi phải thường xuyên được trong suốt, tạo ra thức ăn tự nhiên. Phải duy trì vi sinh vật có lợi, bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh. Đồng thời, thường xuyên tăng cường đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin C, thảo dược, khoáng chất… Đặc biệt, người nuôi phải quản lý thức ăn và môi trường nước trong ao nuôi. Cho ăn đúng lượng, đúng liều theo “3 xem, 4 định” (Xem điều kiện thời tiết khi cho ăn, Xem biến động các yếu tố môi trường, Xem tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi; Định chất lượng, Định số lượng, Định thời gian, Định địa điểm).Môi trường nước luôn được kiểm soát, không để nước đặc màu. Nếu nuôi thâm canh thì phải thực hiện đúng “5 không” (không để nước quá lâu, không để nước quá sâu, không để nước đứng yên, không lấy nước trực tiếp, không xả thải nước trực tiếp ra môi trường), ức chế vi sinh vật có hại bằng việc sử dụng men vi sinh. Ông Tiêu cũng đã đưa ra một số kinh nghiệm trong nuôi tôm hiệu quả, như: Trước khi tiến hành nuôi phải tham quan, học hỏi mô hình hay và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để sản xuất. Ghi chép cụ thể để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Đồng thời, luôn đổi mới, chủ động sáng tạo, chứ không máy móc rập khuôn. “Đề nghị khuyến nông các tỉnh xây dựng các mô hình nuôi tôm hữu cơ công nghệ cao, an toàn thực phẩm. Triển khai các hình thức nuôi trồng xen canh như tôm - cua, tôm - cá, tôm - nhuyễn thể... Kết hợp mô hình với đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền với khẩu hiệu “Chuyển giao kĩ thuật có khuyến nông làm bạn”. Ngoài ra, cũng cần quan tâm chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất. Các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nguồn giống chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường...”, ông Tiêu nhấn mạnh. |