Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 9 năm 2018 | 13:6

OCOP Hà Tĩnh, cơ hội nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030 được kỳ vọng sẽ góp phần đưa sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận thị trường...

cudo.jpg
Cu đơ, sản phẩm được lựa chọn vào chương trình OCOP của Hà Tĩnh.

 

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030 được kỳ vọng sẽ góp phần đưa sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận thị trường, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, đảm bảo thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Đánh thức tiềm năng, lợi thế

Ông Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở sản xuất Kẹo Cu Đơ Phong Nga, thôn Bàu Láng (Thạch Đài - Thạch Hà), cho biết: Kẹo Cu đơ Phong Nga đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước. Tham gia OCOP  là cơ hội tốt cho doanh nghiệp nói chung và các sản phẩm nói riêng đến với thị trường dễ dàng hơn. Hiện, cơ sở đang tập trung đầu tư sản xuất với số lượng và chất lượng; đẩy mạnh công nghệ chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng thiết kế mẫu mã, bao bì hấp dẫn để cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng tốt nhất…

Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh Trần Huy Oánh cho biết, qua học tập kinh nghiệm OCOP Quảng Ninh và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề cương hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT,  Hà Tĩnh đã, đang tích cực triển khai xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, phấn đấu hoàn thành, phê duyệt trong tháng 9 này.

Theo phân tích của ông Oánh, mặc dù Hà Tĩnh có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công được nhiều người biết đến như: Bưởi Phúc Trạch, nhung hươu, cam bù Hương Sơn, cam chanh Thượng Lộc, cam Khe Mây, đồ gỗ Thái Yên…, tuy nhiên, những sản phẩm đó vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia. Thu nhập và đời sống người dân trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp còn thấp, sản xuất nhỏ, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là “xuất thô”, chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.

“Tiềm năng, lợi thế này sẽ được đánh thức, cải thiện rất lớn nếu các sản phẩm nông nghiệp, thủ công có chất lượng tốt được tham gia OCOP”, ông Oánh khẳng định.

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Tĩnh nhằm mục đích phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, phát triển sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu địa phương, nâng cao giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập. Dự kiến, đến cuối năm 2018, đề án sẽ được hoàn thiện và triển khai đi vào thực tiễn. Nguồn kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 483 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 105,982 tỷ đồng (30%); vốn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xã hội hóa 377,880 tỷ đồng (70%).

Cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Dực, Tổ trưởng xây dựng đề án OCOP Hà Tĩnh cho biết, đây là đề án mở, luôn tạo cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp. Hàng năm, chương trình OCOP sẽ được thực hiện theo một chu trình bao gồm các bước được phối hợp từ trên xuống và từ dưới lên. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, có chính sách, định hướng phát triển, đưa ra cách thức thực hiện, hướng dẫn và dành sẵn nguồn lực để hỗ trợ. Người dân đề xuất, dân bàn, dân làm và thụ hưởng

Người dân và tổ chức kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong chương trình OCOP; là người phát hiện ra tiềm năng của quê hương mình, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh nhất, đồng thời, lập kế hoạch để phát triển, tập trung sản xuất, chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đi trước một bước trong triển khai đề án mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã xây dựng chuỗi cửa hàng OCOP trên toàn tỉnh nhằm làm cầu nối liên kết đưa sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận thị trường. Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 5 cửa hàng OCOP ở các địa bàn: Thị xã Hồng Lĩnh, thị trấn Đức Thọ, thị trấn Nghi Xuân, TP. Hà Tĩnh (2 cửa hàng), với tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, các cửa hàng đang từng bước đưa sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh vào xúc tiến thương mại.

Ông Võ Tá Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), nhấn mạnh: Chúng tôi triển khai thí điểm và bước đầu đã nhận được những kết quả khả quan. Các sản phẩm tại cửa hàng đều là đặc sản của Hà Tĩnh, có tem truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận. Đây là bước đệm để thời gian tới, Hà Tĩnh triển khai đề án mỗi xã một sản phẩm.

“Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi..., Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng, triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu XDNTM”, ông Oánh cho biết thêm.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top