Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 6 năm 2018 | 11:8

Phải công khai minh bạch tài sản để dân giám sát

Quốc hội đã dành trọn ngày 13/6 để góp ý sửa Luật Phòng chống tham nhũng với nhiều vấn đề gây tranh luận trái chiều...

db-ta-van-ha.jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên họp

“Đã là cán bộ thì phải chịu giám sát của nhân dân”

Nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt buộc kê khai tài sản để siết chặt công tác phòng chống tham nhũng. Các ý kiến này tập trung vào những người có quan hệ, ảnh hưởng với người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước để tránh tình trạng tẩu tán tài sản. Còn mở rộng đối với các cơ quan, cá nhân nằm ngoài cơ quan nhà nước thì cần cân nhắc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chia sẻ bức xúc trước những câu chuyện thời gian qua về  cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga tráng lệ, cán bộ nhà nước mới lên cấp phó phòng, trưởng phòng đã sở hữu trong tay dinh cơ hàng ngàn mét vuông.

“Thực tế đó người dân hoài nghi, báo chí phản ánh nhưng cuối cùng cũng chẳng làm được gì. Những chuyện như thế cho thấy công tác phòng chống tham nhũng có kẽ hở. Sửa luật phải khắc phục cho được bất cập này, khi báo chí, dư luận lên tiếng về khối tài sản khủng nghi là tham nhũng thì phải yêu cầu con cái của người thuộc diện phải kê khai tài sản có nghĩa vụ kê khai để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát”, đại biểu Trí kiến nghị.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng tình: “Đã là cán bộ, là công bộc thì phải chịu giám sát của nhân dân. Cán bộ nhà nước thì phải khác với  người làm trong các doanh nghiệp tư nhân”.

Ký hợp đồng BOT trong “bóng tối”

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), để phòng và chống được tham nhũng, quan trọng nhất là thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nhưng lâu nay việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước về những vấn đề thuộc trách nhiệm dân được biết, dân được bàn, dân được làm, dân được kiểm tra không tốt, trong khi vẫn nói là Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua người đại diện của mình, nhưng người đại diện của mình khi làm gì thì lại không cho dân biết.

“Đơn cử về những hợp đồng giao thông BOT là việc làm liên quan đến dân nhưng hợp đồng lại có điều khoản bảo mật hay nói cách khác, hợp đồng này được ký trong “bóng tối”. Cơ quan kiểm toán cần phải soi sáng để dân được biết thì lại có một bộ khác ngăn cản, lại nói không được kiểm toán vì đây không phải tài sản công, không phải tài chính công thì lại càng làm cho dân nghi kỵ. Tôi nghĩ, việc này, nếu chúng ta công khai từ đầu cho dân được tham gia thì không thể có chuyện khoảng cách đặt trạm thu phí không đúng, không thể có chuyện làm đường một chỗ, đặt trạm một chỗ, không nảy sinh ra chuyện bức xúc của người dân”, đại biểu Phương phát biểu.

Đại biểu Phương cũng đề nghị, phải quy định cụ thể trong luật là cần công khai những vấn đề gì và hình thức thế nào ở 5 lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất; gồm: các dự án đầu tư công; vấn đề giao đất và cho thuê đất; vấn đề thuế, kê khai thuế; việc đấu thầu, khai thác, quyền khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia; vấn đề về tài sản công, đấu giá tài sản công. Nếu người dân được tham gia có lẽ không dẫn đến những công trình, dự án đắp chiếu bỏ đấy.

Đương chức gửi tài sản cho người thân, về hưu gom lại hợp thức hoá

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá sau hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, bên cạnh kết quả đạt được thì tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả phòng chống tham nhũng có nhiều hạn chế. Điều này thực tế xử lý các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn đã chứng minh. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân: còn kẽ hở của luật.

Về công khai, minh bạch bản kê khai tài sản thu nhập của đối tượng phải kê khai, trong thực tế, việc kiểm soát bản kê khai tài sản và thu nhập của đối tượng này thì các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập có thể không có đủ người, không đủ chuyên môn và khả năng để theo dõi và xác minh được hết tất cả. Trong khi đó, dựa vào tính tự giác của đối tượng kê khai thì điều này cũng rất khó. Đó chính là nguyên nhân trong đánh giá việc phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế. Vì thế, đại biểu đề nghị công khai, minh bạch tài sản để dân giám sát phát hiện là hiệu quả nhất. 

Ngoài ra, đại biểu Hạ đề nghị xem xét các đối tượng đã từng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, thậm chí kể cả khi đã nghỉ hưu. “Hiện, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa”, ông Hạ nói.

Theo đại biểu Hạ: “Khi xem xét các vụ tham nhũng, cần bổ sung những người ruột thịt của công chức là những đối tượng phải chứng minh nguồn gốc tài sản. Đã có tình huống: Có một ông bố nghèo ở quê nhưng có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần, ông có mời luật sư và 2 con đến dặn rằng bố để cho mỗi con 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên hỏi tại sao bố nghèo mà lại có khoản tiền đó. Ông nói làm gì có cây nào, chỉ đề phòng khi các con phát sinh tài sản khi kê khai nó có nguồn gốc rõ ràng”.

Cây cảnh, đồ mỹ nghệ tiền tỷ nhưng giao dịch ngầm

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, quy định tài sản thu nhập phải kê khai có “giá trị từ 50 triệu đồng trở lên” là rất trừu tượng. Ví dụ sim điện thoại, mặc dù được đăng ký chính chủ, một người được đăng ký 3 đến 4 sim, nếu sim số đẹp thì giao dịch ngầm không cần hóa đơn vẫn có thể lên đến hàng mấy trăm triệu.

Hay cây cảnh, đồ mỹ nghệ hay tác phẩm nghệ thuật có giá lên đến hàng tỷ đồng nhưng không cần hóa đơn và giá trị của nó là hoàn toàn giao dịch chứ không thông qua đấu giá... Chính vì không xác định được như vậy nên cần phải có quy định cụ thể hơn.

Cần chế tài nặng với tài sản không minh bạch

Nhấn mạnh yêu cầu cụ thể hóa các quy định về minh bạch tài sản, nhiều đại biểu cho rằng, cần có chế tài nặng đối với loại tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Loại tài sản không minh bạch, không giải trình được thì phải tiến hành xác minh để từ đó áp dụng biện pháp xử lý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ngoài mức thu thuế 45% giá trị như trong dự thảo luật, cần đồng thời áp dụng các biện pháp như cảnh cáo, không tiếp tục quy hoạch bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo ở nhiệm kỳ kế tiếp...

“Bên cạnh công khai, minh bạch, đặc biệt là trong những lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra tham nhũng, thì phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân.  Đừng nói rằng dân không biết, có người dân nắm vấn đề rất sắc sảo. Tôi đề nghị, khi dân có ý kiến, báo chí phản ánh thì cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải trình”, đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng đề nghị luật hóa vai trò của Ủy ban Kiểm tra trung ương - cơ quan thời gian gần đây đã làm nức lòng người dân khi liên tiếp lôi ra nhiều vụ việc tiêu cực cộm cán.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký ghi chép, ghi âm đầy đủ và sẽ được Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tập hợp, tổng hợp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)  gồm 11 chương, 125 điều, quy định về về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; việc xử lý tham nhũng và vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tờ trình nêu rõ, dự thảo Luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; cho rằng dự thảo luật đã được xây dựng khá toàn diện và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.


 


 

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng".

  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Top