Hôm nay (27/7), Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Hầu hết các đại biểu đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khan, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và các khoản huy động hợp pháp khác.
Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000 hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.
Tỉ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp...
Chương trình gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng, trong đó có vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác.
Giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi
Cho rằng, trong chương trình mục tiêu quốc gia trình ra lần này đã khắc phục những tồn tại của 5 năm qua, như lúng túng trong xác định các tiêu chí, chỉ số, cách làm, đồng thời đặt ra những giải pháp để hướng tới việc miễn giảm nghèo đa chiều một cách thực chất hơn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp đề xuất, phải quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ và coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa
Đặc biệt, cần đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi. Đó là Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo thì phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng kiến nghị cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người thực tế, bởi theo đại biểu, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn đó chính là phải thiết kế được những chính sách mềm dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, đó là đầu tư cho sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề và sinh kế cho người dân.
Đào tạo nghề để người dân tự thoát nghèo
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nhấn mạnh đào tạo nghề sẽ giúp người nghèo có kỹ năng lao động, tự tạo sinh kế, như vậy mới có thể thoát nghèo bền vững. Đại biểu dẫn chứng số liệu cho thấy 90% người dân sau khi học nghề có công ăn, việc làm, thu nhập tốt hơn.
“Chúng ta cần quan tâm đào tạo chính quy dài hạn. Tôi kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo, rà soát, bố trí vốn đầu tư cho các trường nghề chất lượng cao, tạo điều kiện chính sách thông thoáng cho cáctrường nghề ngoài công lập hoạt động chứ không chỉ tập trung cho ba trung tâm quốc gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,” đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho hay giảm nghèo là chủ trương nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước đến những đia bàn khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, đảm bảo công bằng xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế.
Chia sẻ về tình hình giảm nghèo tại Yên Bái, bà Huyền thông tin tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu Quốc gia song tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Nguyên nhân là người dân cư trú ở vùng cao, địa hình bị chia cắt, dễ chịu tác động của thiên tai, hạ tầng kinh tế thiếu đồng bộ, người dân thiếu tư liệu sản xuất, trình độ dân trí chưa đồng đều, người dân một số nơi vẫn canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học.
Từ đó, đại biểu cũng đặt ra vấn đề cần đào tạo nghề cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cần có chính sách riêng cho các hộ mới thoát nghèo để tránh tái nghèo.
Đầu tư thỏa đáng để tăng mức sống tối thiểu của người dân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu nổi bật: Chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, ngân sách nhà nước huy động nguồn lực xã hội ngày càng tăng, ý chí vươn lên của người dân được nâng lên, các tấm gương thoát nghèo và các điển hình ngày càng nhiều. Chúng ta đã trải qua việc điều chỉnh tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm “có ăn, có mặc” của quốc gia nghèo đến áp dụng giá cả, thu nhập mức sống tối thiểu, rồi giai đoạn hiện nay đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và là nước đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đã đi từ chỗ ngân sách nhà nước phải bảo đảm hoàn toàn sang Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân giữ vai trò chủ thể. Đây là bước đi rất dài về tư duy nhận thức, về hành động để chống đói nghèo. Chúng ta cũng sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ đặt ra mục tiêu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, giảm bình quân 1-1,5% trong năm, trong khi đó chuẩn nghèo của chúng ta nâng lên, dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao. Tiêu chí về thu nhập và thiếu hụt tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều nội dung thiếu hụt đòi hỏi phải có nguồn lực lớn như tái định cư, xoá nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em, hạn chế trẻ em thể trạng thấp còi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, giai đoạn 2021-2025, cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. “Giai đoạn này, chúng ta phải vừa giảm tỉ lệ nhưng đồng thời phải quan tâm giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, trong đó bao gồm cả đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, kể cả bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.
“Về việc tách các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo khỏi chương trình, chúng tôi xin ghi nhận và báo cáo thêm với Quốc hội, theo tiêu chí chính hiện nay, có 400.000 hộ với 1,5 triệu người. Chính phủ sẽ cân nhắc thời điểm, cách tiến hành để vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm khả năng ngân sách cân đối trong thực tế”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.