Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 6 năm 2017 | 4:18

Phát động Cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020

Ngày 22/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một chương trình kinh tế - xã hội tổng hợp, được thực hiện trong 10 năm, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2010 – 2015, giai đoạn 2 từ 2016 – 2020. Đây cũng là lần đầu tiên việc xây dựng, phát triển nông thôn được lượng hóa bằng 19 tiêu chí cụ thể, việc triển khai được tổ chức rộng khắp trên 9.000 xã, 700 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Sau một thời gian thực hiện, những kết quả mà chương trình XDNTM mang lại là rất to lớn, giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn một cách đồng bộ, nhiều mô hình phát triển sản xuất mới xuất hiện, khẳng định thêm mối đoàn kết toàn dân.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Lễ phát động cuộc thi.

Bộ trưởng Cường cho rằng, để đạt được kết quả đó, có vai trò quan trọng của công tác truyền thông, của các cơ quan báo chí đã kịp thời phản ánh những kết quả quan trọng của chương trình, những nhân tố điển hình mới, đồng thời phản biện lại những gì còn hạn chế. “Vì vậy, trong cuộc thi sắp tới, tôi muốn báo chí tập trung vào 3 nhóm tiêu chí cơ bản của XDNTM là: Tái cơ cấu sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, coi đây mà một mục tiêu cốt lõi; quan tâm đến vấn đề môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống và cuối cùng là vấn đề an ninh khu vực nông thôn”, ông Cường nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động cuộc thi, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Từ bao đời nay, nông nghiệp, nông thôn là nơi cung cấp nhân lực, vật lực, trí lực cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, là nơi chia sẻ, gánh vác những khó khăn, là nơi chốn đi về. XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một chủ trương lớn nhằm tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thốn hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chào mừng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, lễ phát động này diễn ra trong bối cảnh hết sức có ý nghĩa khi Quốc hội vừa hoàn thành Kỳ họp thứ 3. Hiếm có một kỳ nào Quốc hội dành sự quan tâm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như kỳ này, khi Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua 3 dự án luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, các thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nông thôn Việt Nam luôn là nguồn cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực cho đất nước, là nơi lưu giữ hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi trở về cội nguồn của mỗi người dân.

Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương, chính sách lớn, lâu dài của Đảng và Nhà nước. Hiếm có chủ trương, chính sách nào dành được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là bà con nông dân hồ hởi đón nhận như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mà tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm hai thành tố cốt lõi là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Trong tổ chức sản xuất phải gắn với phát triển kinh tế tập thể, phấn đấu ít nhất một xã hoàn thành NTM phải có ít nhất một HTX kiểu mới. Xây dựng NTM cũng phải gắn với chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho nông dân.

Hiện nay, chương trình xây dựng NTM đã đi được chặng đường hơn 5 năm và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trước mắt, ngành nông nghiệp còn nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 50% xã đạt chuẩn NTM và không xã nào có dưới 5 tiêu chí. Phấn đấu mỗi tỉnh tối thiểu có một huyện NTM và hướng tới xây dựng NTM kiểu mới.

Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của Cuộc thi viết về NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, bất cứ phong trào nào cũng đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cũng như vai trò của truyền thông báo chí. Báo chí là kênh thông tin quan trọng để tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân nông thôn - chủ thể của xây dựng NTM. Việc đối thoại thẳng thắn, công khai, trách nhiệm sẽ phát huy hiệu quả Chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về nhiều cách làm hay, mô hình tốt trong xây dựng NTM. Các cơ quan báo chí, nhà báo dành trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đi sâu, đi sát tìm hiểu đời sống người dân để nắm bắt những đòi hỏi nóng bỏng của nông nghiệp, nông thôn. Từ đó sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có chất lượng, mang đậm hơi thở cuộc sống, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong xây dựng NTM.

Theo Thể lệ của cuộc thi, các tác phẩm báo chí tham dự “Cuộc thi báo chí viết về Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp” tập trung phản ánh những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp; những kết quả nổi bật và những thành tựu về xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, về phát triển kinh tế tập thể trên cả nước; gương điển hình (tập thể, cá nhân), mô hình mới, cách làm hay đạt hiệu quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong phát triển kinh tế tập thể, các gương điển hình trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phản ánh thực trạng khó khăn, bất cập, những biểu hiện tiêu cực, các vấn đề bức xúc trong xã hội về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

 Các tác phẩm tham gia cuộc thi thuộc 04 loại hình báo chí: Báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử. Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ghi chép, ký báo chí, bài chân dung... Đối với loại hình báo hình, báo nói: thời lượng mỗi tác phẩm dự thi không quá 60 phút. Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu. Các tác phẩm tham dự phải là các tác phẩm được đăng, phát trên báo chí tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/10/2020.

Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động đến hết ngày 20/10/2020. Trong đó, các tác phẩm được xét chọn năm 2017 tính từ ngày 01/01/2017 đến 20/10/2017. Các tác phẩm được xét chọn năm 2018: tính từ ngày 21/10/2017 đến ngày 20/10/2018. Các tác phẩm được xét chọn năm 2019: tính từ ngày 21/10/2018 đến ngày 20/10/2019. Các tác phẩm được xét chọn năm 2020 phục vụ tổng kết cuộc thi: tính từ ngày 01/01/2017 đến 20/10/2020. Các tác phẩm đã được xét chọn các năm trước được tham gia xét chọn tổng kết giai đoạn.

Công bố giải thưởng hàng năm: dự kiến vào dịp tổ chức Ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (ngày 14/11) tại Hà Nội.  Công bố giải thưởng cả giai đoạn vào thời điểm gắn với tổng kết Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 hoặc tại thời điểm thích hợp.

Các tác phẩm tham dự phải đính kèm phiếu ghi theo Họ, tên tác giả, tên bút danh, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, tiêu đề tác phẩm, thông tin về số phát hành tác phẩm. Đối với các tác phẩm đãng trên báo in: gửi kèm bài đã đăng trên báo hoặc bản copy có ghi rõ thời gian đăng bài. Đối với các tác phẩm đăng trên báo điện tử: in toàn bộ nội dung tác phẩm ra giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, thời gian đăng, đường link và tệp file kèm theo tới địa chỉ và email của Ban tổ chức.  Các tác phẩm dự thi phải có chữ ký của tác giả và xác nhận của cơ quan báo chí đã đăng tác phẩm.

Ngoài phong bì (đối với gửi bản cứng) và tiêu đề thư điện tử (đối với file mềm) gửi tới Ban Tổ chức ghi rõ: Tham dự “Cuộc thi báo chí viết về Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp” giai đoạn 2017-2020”.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Tác phẩm dự thi ngoài việc gửi qua đường bưu điện (để chấm giải), tác giả có thể gửi qua thư điện tử: [email protected]. Thông tin liên hệ: Phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. ĐT: 04-38438617, Fax: 04-3.7343597, Email: [email protected].

Cơ cấu giải thưởng, gồm 1 giải A trị giá 15 triệu đồng và Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 2 giải B mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 3 giải C mỗi giải trị giá 5 triệu đồng và 5 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top