Kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã, mô hình hợp tác có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp.
Mấy năm gần đây, câu chuyện thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ngày càng trở nên “nóng” tại Việt Nam. Trong đó, kinh tế hợp tác được các chuyên gia chú ý nhắc tới nhiều với kỳ vọng đây sẽ thực sự là “bà đỡ” cho các hộ nông dân nước ta, nhất là khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Muốn có nền nông nghiệp hàng hóa, cần có hợp tác xã
Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thực tiễn cho thấy kinh tế hợp tác đã và đang từng bước đầu tư, tích lũy, xây dựng để hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần mang cơ hội tăng thu nhập cho người nông dân. Bởi vì mô hình kinh tế hợp tác nổi bật ở khả năng dẫn dắt, hỗ trợ và đảm nhiệm những công việc mà người nông dân làm không hiệu quả hoặc không làm. Đồng thời, hợp tác là tổ chức có vai trò bảo vệ quyền lợi cho các thành viên trong các mô hình kinh tê hợp tác.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của nước ta hiện nay, ông Thịnh cho biết, chủ trương của Bộ NN-PTNT nỗ lực đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX), đồng thời khắc phục những yếu kém của kinh tế hợp tác xã trước đây. Vì rằng, xu thế chung toàn cầu là phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Giờ đây, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, ở đó mô hình phát triển theo chuỗi giá trị đã được khẳng định. Muốn cùng “chơi chung sân” với họ, “để xây dựng được một nền nông nghiệp hàng hóa, một liên kết từ sản xuất đến thương mại, chế biến, đến tay người tiêu dùng, trong chuỗi này vai trò của HTX và các tổ hợp tác là không thể thiếu”- ông Thịnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế hợp tác ở nước ta trong bối cảnh mới không phải chuyện một sớm một chiều và càng không phải chỉ nói, chỉ hô hào mà thành hiện thực. Bởi nhiều quan ngại cho rằng, làm không chuẩn có thể lại trượt theo vết xe đổ của mô hình HTX trước đây. Tức là phải xây dựng được các hợp tác xã hiệu quả thực sự để đủ sức thu hút người dân tự nguyện tham gia vào HTX.
Để làm được điều đó, theo ông Lê Đức Thịnh, trước hết cần tiếp tục xây dựng thể chế cho HTX kiểu mới. Hiện đã có Luật HTX mới ra đời năm 2012, nhưng vẫn cần có nghị định riêng về HTX nông nghiệp; cần xây dựng các chính sách phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt là hợp tác xã và các tổ hợp tác trong điều kiện mới.
Đặc biệt, ông Thịnh lưu ý, các chính sách phải cụ thể hơn, thích hợp với các khu vực, loại hình kinh tế HTX hoạt động; đồng thời và quan trọng hơn là phải hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho các HTX. Muốn vậy, cần chính sách hỗ trợ hạ tầng cho sản xuất của HTX, nâng cao năng lực quản lý, năng lực xây dựng phương án sản xuất, quản lý sản xuất cho cán bộ xã viên hoặc là lao động kỹ thuật cho hợp tác xã.
Vì thế, mỗi địa phương cần những sáng kiến, mô hình thích hợp để xây dựng HTX theo thế mạnh của từng địa phương. Tất nhiên, dù mô hình kiểu gì thì trọng tâm vẫn phải là hỗ trợ các hộ nông dân là thành viên của HTX để đạt được hiệu quả sản xuất tốt nhất; giúp các nông hộ phát triển để làm tiền đề cho HTX phát triển bền vững.
Thuyết phục bằng hiệu quả thực
Theo ông Lê Đức Thịnh, để mô hình HTX mới hoạt động hiệu quả như mong đợi, có 3 việc cần phải làm ngay: Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền để mọi chủ thể liên quan (nông dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp…) hiểu rõ bản chất hợp tác xã kiểu mới, vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Thứ hai, thuyết phục người dân tin HTX bằng mô hình hiệu quả thực tiễn. Thứ ba, cần xây dựng mô hình HTX mới thực sự mang lại lợi ích vượt trội cho người dân tham gia mô hình.
Không thể dàn hàng ngang phát triển HTX
“Việt Nam có 10.500 HTX nông nghiệp. Không thể yêu cầu một lúc dàn hàng ngang tất cả HTX cùng mạnh để tiến lên hội nhập. Bởi ngay như ở Mỹ có hơn 3.500 HTX, nhưng cũng chỉ 100 HTX đi đầu, chiếm sản lượng là 30% của hơn 3.500 HTX.
Để có mô hình HTX tốt, cần một quá trình 5 năm hoặc 10. Nhưng phải kiên trì gây dựng vì nếu hôm nay không làm, thì 5 -10 năm nữa cũng không có. Vì vậy, nước ta cần vừa nâng mức sàn của HTX, vừa kích cho phát triển những HTX tốp đầu ở các vùng sản xuất hàng hóa thế mạnh”-ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT).
Từ kinh nghiệm thành công của mô hình HTX tại nhiều quốc gia tiên tiến, ông Lê Đức Thịnh phân tích: Hợp tác xã chủ động tiếp cận khách hàng, tìm giải pháp tăng giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận sản xuất trên cơ sở giảm được các chi phí đầu vào. Khi có các mô hình hợp tác “hạt nhân” khỏe sẽ tạo ra một tổ hợp sản xuất, kinh doanh rộng hơn.
Do đó, mấu chốt của thúc đẩy HTX phát triển phải là tăng năng lực kinh doanh của HTX. Vì muốn hội nhập tốt, muốn hỗ trợ nông dân tốt thì bắt buộc năng lực HTX phải tăng lên. HTX phải là đơn vị kinh tế dẫn dắt, trợ giúp cho hộ nông dân. HTX không chỉ tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao, an toàn.. mà còn là đối tác về mặt kinh tế để thay nông dân kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường.
Cho nên, theo ông Thịnh, hai mấu chốt quan trọng nhất cần xử lý để HTX tạo ra đột phá cho kinh tế nông nghiệp chính là: Một là, hỗ trợ đào tạo cả cán bộ quản lý, lẫn cán bộ kỹ thuật của HTX. Hai là, giải quyết dứt điểm những vấn đề về vốn, hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất của HTX.
Từ những việc làm thiết thực trên, nhất định các mô hình kinh tế hợp tác sẽ hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa./.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.