Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 12 năm 2021 | 15:39

Phát triển NNCNC: Các giải pháp cần đồng bộ

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, có 66% số hộ và 68% người làm việc trong nông nghiệp.

Mặc dù giữ vai trò quan trọng và là trụ đỡ cho nền kinh tế nhưng giá trị sản phẩm từ nông nghiệp mang lại chỉ chiếm 13,96% GDP.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn tăng năng suất, tạo đột phá về giá trị nông sản, nhất thiết phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đâu là giải pháp để nông nghiệp công nghệ cao có bước chuyển mới trong bối cảnh kinh tế số trở thành xu hướng khách quan không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc.

Sức hút nông nghiệp công nghệ cao

Đối với các nước nông nghiệp  trên thế giới, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vốn không còn xa lạ gì, nhưng với Việt Nam lại là lĩnh vực khá mới mẻ. Tuy nhiên, NNCNC lại thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. NNCNC là xu hướng mà Việt Nam đang hướng tới và hứa hẹn sẽ tạo bước tiến lớn cho nền nông nghiệp nước nhà.

Nhận thức được tầm quan trọng của NNCNC, ngày 29/1/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020. Để hiện thực hóa Đề án, ngày 17/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình Quốc gia phát triển CNC đến năm 2020 nhằm thúc đẩy phát triển và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Trong đó, ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã được UBND các tỉnh, thành quyết định thành lập (Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ).

Đến năm 2020, các vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC được tập trung tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; các vùng sản xuất chè ứng dụng CNC tập trung tại Thái Nguyên (sản xuất chè xanh) và Lâm Đồng (sản xuất chè ô long)...

 

t5.jpg

Để có rau bán quanh năm, nông dân Đơn Dương (Lâm Đồng) đã canh tác trong nhà kính. Ảnh: Văn Báu.

 

Bên cạnh đó, các vùng NNCNC cũng được các địa phương trong cả nước bước đầu quy hoạch, như: vùng rau, vùng cây ăn quả, vùng chè, vùng cà phê, vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản... Đây là những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Mặc dù mới thực hiện trong thời gian ngắn, song việc đẩy mạnh phát triển NNCNC thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Chẳng hạn, ở Lâm Đồng, mô hình sản xuất rau cao cấp doanh thu đạt 500 triệu đồng/ha/năm; rau thủy canh 8-9 tỷ đồng/ha/năm; hoa 1,2 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 20-30 lần so với trước..., góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm và hiện nay giá trị sản xuất NNCNC chiếm 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình trồng rau CNC trong nhà lưới doanh thu đạt 120-150 triệu đồng/ha, gấp 2 - 3 lần so với canh tác truyền thống. Tại Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc... với mô hình sản xuất giống cây, chăn nuôi lợn, gà quy mô công nghiệp theo công nghệ Nhật Bản đã mang lại thu nhập gấp 2 lần cho người sản xuất so với sản xuất truyền thống. Bạc Liêu với mô hình nuôi tôm trong nhà kính đã giúp người nuôi kiểm soát được dịch bệnh, tôm sinh trưởng và phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, ổn định và bền vững...

Những khó khăn, rào cản

Một trong những khó khăn khi ứng dụng CNC vào nông nghiệp là việc tập trung tích tụ ruộng đất.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Hồng  (Đông Anh - Hà Nội)  Lê Văn Tám chia sẻ: “Chúng tôi muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, để đưa sản phẩm có giá trị và chất lượng cao bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng lại có giá thành thấp. Nhưng không có đất để mở rộng sản xuất thì làm sao mà ứng dụng công nghệ vào được?”, ông Tám nói.

Theo ông Tám, đầu tư CNC vào sản xuất nông nghiệp rất tốn kém. Quy mô nhỏ thì hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm khó được thị trường chấp nhận do giá thành cao.

Là HTX chuyên sản xuất chuối sấy khô, tiêu thụ phần lớn sản phẩm chuối của nông dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên), HTX Nông nghiệp Toàn Phát rất muốn ứng dụng CNC. Song, để mở rộng quy mô, HTX cũng gặp khó về mặt bằng, để có thể đầu tư đưa máy móc vào sản xuất.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Toàn Phát nói: “Sản phẩm của HTX là chuối sấy khô, long nhãn, giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm với giá cao hơn, kéo dài thời gian tiêu thụ hơn, ít bị tác động nếu chỉ bán tươi khi đến vụ thu hoạch. Đây là vùng đất phù hợp cho việc trồng chuối và đặc sản nhãn lồng của Hưng Yên, sản lượng thì nhiều nhưng năng lực chế biến của HTX chỉ có mức độ. Muốn đầu tư thêm máy móc và ứng dụng công nghệ vào chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch chúng tôi cũng phải bó tay, vì làm gì có đất để mở rộng nhà xưởng sản xuất?”.

Không có đất để ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề “nan giải” đối HTX, chủ vườn, chủ trang trại. Nhưng đối với doanh nghiệp, việc không được giao đất để sản xuất còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, nhiều doanh nghiệp đã chi hàng tỷ đồng tiền mua máy móc, nhưng đành “đắp chiếu” chỉ vì không có mặt bằng...

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Triển Phong, Trần Tịnh Thi cho biết, hơn 7 năm qua, công ty  lâm vào cảnh khốn đốn vì sản xuất bị đình trệ khi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng CN ở Đắk Nông, để thực hiện dự án trồng chè và chế biến chè khô.

Theo lãnh đạo công ty, doanh nghiệp được bàn giao 16ha đất nông nghiệp để trồng chè. Thế nhưng, đến nay, hơn 3ha vẫn đang tranh chấp với người dân địa phương, công ty chưa thể sử dụng. Đất bàn giao cho công ty cũng chưa hề có văn bản, giấy tờ theo quy định.

Thời điểm công ty đến đầu tư, nơi đây chỉ là vùng đất trống, điều kiện hạ tầng cơ sở rất hạn chế, việc sản xuất không hiệu quả. Sau đó, công ty phải bỏ ra hàng tỷ đồng để cải tạo lớp đất mặt, trồng cây giống, nhưng hiệu quả không cao.

Chị Trần Thị Sen ở xã Đông Yên (Đông Sơn -Thanh Hóa) cho biết: Sau nhiều năm nghiên cứu, nhận thấy canh tác truyền thống có nhiều bất cập, rủi ro mà hiệu quả kinh tế không cao, nên năm 2016, tôi quyết định chuyển đổi hơn 2ha đất và đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới sản xuất dưa Kim Hoàng hậu, cà chua, hoa... Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tôi còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, các phương pháp ghép cành, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Để phát triển NNCNC, theo chị Sen, phải có vốn đầu tư lớn, áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt; tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro về thị trường tiêu thụ sản phẩm cao. Bên cạnh đó, lao động có trình độ cao còn thiếu, khiến quy trình ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất gặp không ít trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Hồng cho biết: Muốn làm NNCNC thì phải có vốn. Thời gian đi lao động ở nước ngoài, làm việc ở vùng nông thôn đã cho tôi thấy làm NNCNC ở nước ngoài tốn kém như thế nào.

“Trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, vốn là một trong những điều kiện quan trọng nhất. Vốn để mua sắm thiết bị, hệ thống máy móc tự động hóa, mua  cây - con giống… Nếu không có vốn lớn thì doanh nghiệp đành phải chịu chấp nhận làm nông nghiệp truyền thống. Nhưng tiếp cận được vốn đang là một thách thức lớn cho những HTX như chúng tôi”, ông Tám nói.

Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, tuy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng ngành nông nghiệp ứng dụng CNC còn gặp nhiều rào cản.

Đó là chính sách liên quan đến phát triển NNCNC còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển NNCNC có các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp cùng với việc đánh giá, xếp loại các dự án NNCNC dựa trên các tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng... khiến doanh nghiệp khó tiếp cận  nguồn vốn này. Cụ thể, “có tới 70% doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng”. Rào cản về vốn khiến việc đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất giống, công nghệ sản xuất, chế biến và đào tạo nhân lực bị thiếu hụt.

Để vay được vốn phải có tài sản thế chấp tại ngân hàng, tuy nhiên, tài sản nào mới được ngân hàng chấp nhận lại là một vấn đề lớn. Bà Trần Thị Thanh Thoan ở thôn Đô Quan, xã Mộc Quan (thị xã Duy Tiên, Hà Nam) băn khoăn, làm thế nào để các tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lồng... trở thành tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Bà Thoan cho rằng, Nghị định 116 cho phép  doanh nghiệp, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng.

“Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn. Đây cũng là vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực CNC”, bà Thoan giải thích.

Nguồn nhân lực “chạy đua” với sự phát triển

Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã chứng minh cho chúng ta thấy hiệu quả như thế nào, khi năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là giá trị sản phẩm nông sản không ngừng được nâng cao. Nhưng nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Trong khi NNCNC đang chạy đua với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì nguồn nhân lực trình độ cao đang là một đòi hỏi và yêu cầu cấp bách.

 

t6.jpg

Sinh viên thực hành tại mô hình thủy canh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Hiện tại, có khoảng 8.000 người làm công tác nghiên cứu khoa học tại các viện, trường trong cả nước nhưng vẫn thiếu cán bộ lãnh đạo giỏi, cán bộ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu. Không những thế, lực lượng nghiên cứu viên cao cấp đang bị già hóa, thế hệ kế cận chưa kịp phát triển, số người bỏ việc ra làm doanh nghiệp tăng lên do nhận được chế độ đãi ngộ tốt hơn. Bên cạnh đó, đa phần nguồn nhân lực cho chuyển giao công nghệ nông nghiệp không được đào tạo bài bản và cập nhật kiến thức thường xuyên. Cán bộ khuyến nông cấp cơ sở (cấp xã) và bán chuyên trách (cấp thôn/bản) có chế độ đãi ngộ thấp nên chưa an tâm công tác.

Vì lẽ đó, PGS. TS. Đào Thế Anh nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cần được đào tạo và đào tạo lại để cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao. Mặt khác, cần xem xét về chế độ đãi ngộ tốt hơn để không bị chảy máu chất xám đối với các cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi”.

Theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong nông nghiệp, việc đào tạo nhân lực CNC phải gắn với nhiệm vụ ứng dụng phát triển CNC, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu nhân lực, sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng.

“Thời gian tới, cần tập trung giải quyết một số vấn đề như: Trong nghiên cứu cũng như đào tạo cần phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực CNC chủ chốt; hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nhà trường; xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo lại nhân lực công nghệ nông nghiệp từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau; tăng cường liên kết trong đào tạo đổi mới sáng tạo nông nghiệp...”, GS.TS Phạm Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Tạo bước chuyển phát triển NNCNC

Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng CNC trong việc đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Hội nghị lần thứ 4 BCHT.Ư khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học - công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương..., nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”.

Theo TS Trần Hoa Phượng (Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), để thực hiện chủ trương của Đảng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước cần tạo lập các điều kiện tiền đề cần thiết để ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Một mặt, Nhà nước gia tăng nguồn lực đầu tư để tạo lập các điều kiện mà thị trường chưa thể tạo lập hoặc tạo lập chưa đầy đủ. Mặt khác, Nhà nước sử dụng các nguyên tắc thị trường trong việc phân bổ nguồn lực công theo nguyên tắc cạnh tranh và tạo lập đầy đủ các loại thị trường, nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Hai phương thức này tương hỗ nhau, giúp hoàn thiện vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp hiện nay.

Phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể đối với nông nghiệp, bằng việc rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp trong trung hạn và dài hạn; xây dựng kế hoạch ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng và địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất và chế biến nông sản.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp tập trung và chuỗi giá trị sản xuất. Xây dựng khung pháp lý trong thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, cần có các quy định và giám sát chặt chẽ trong việc lập, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Chế định rõ, công khai cơ sở pháp lý về các quyền của người sử dụng đất, minh bạch thông tin về quy hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Tăng cường hỗ trợ vốn và đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước về khoa học - công nghệ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Mặc dù đã có chủ trương về ưu đãi, thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp CNC, tuy nhiên, số vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn. Do đó, cần có những ưu đãi cụ thể nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, đồng thời xem xét nới rộng điều kiện cho vay, thời hạn vay và món vay cho các dự án đầu tư. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Nhà nước thông qua nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho các tổ chức khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp và vùng nông nghiệp CNC, hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC điển hình.

Đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước về khoa học - công nghệ, từng bước hình thành thị trường khoa học công nghệ, tạo động lực cho nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Nhà nước cần ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua việc thành lập các loại quỹ, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản. Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã có những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường nông sản ở cả trong và ngoài nước. Nhu cầu của xã hội ngày càng cao, đòi hỏi những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đối với thị trường ngoài nước, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.

Cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về CNC trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp; tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp CNC quy mô quốc gia, quốc tế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA), cho biết, Hiệp hội đang nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ số hóa vì sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam tiến tới nền nông nghiệp số, tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, từ đó, đóng góp trực tiếp và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Chủ tịch VIDA  cũng cho rằng, Việt Nam rất cần công nghệ và bí quyết từ các quốc gia có khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản để nâng cao năng suất, chất lượng nông nghiệp. Bởi, thực tế, NNCNC của Nhật Bản là ngành đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng đang ngày càng bị thu hẹp và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nhức nhối trên toàn thế giới.

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT về thực hiện và tổng kết Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 khóa X năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26) diễn ra ngày 1/12/2021, bên cạnh thành tựu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn nhiều hạn chế. Ông đề nghị các đơn vị phải chỉ ra khó khăn, bất cập và quan trọng là làm cho rõ được nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó.

Đặc biệt, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần đưa ra được những giải pháp cụ thể phát triển khoa học công nghệ để trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, năng suất, thu nhập của người nông dân cùng những giải pháp phát triển logistics trong nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp, thực phẩm của thế giới.

Có thể thấy, tiến bộ khoa học - công nghệ cùng các phương thức quản lý, kinh doanh mới áp dụng vào nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và cải thiện chất lượng môi trường. Đây là những cơ hội lớn do cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra mà Việt Nam có thể tận dụng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bắt kịp với thế giới.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top